Giám đốc Sở Nội vụ: Không để cán bộ dôi dư sau sắp xếp bị mất việc không rõ lý do

(Baonghean.vn) - Giám đốc Sở Nội vụ cam kết, sau khi sắp xếp các đơn vị cấp xã sẽ sắp xếp, bố trí cán bộ, không để ai vì sắp xếp mà bị mất việc với lý do không rõ ràng, không chính đáng; đồng thời đảm bảo các quyền lợi tối đa có thể cho cán bộ dôi dư.
Chủ tọa điều hành kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ảnh: Thành Duy
Chủ tọa điều hành kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ảnh: Thành Duy

Sáng nay, tại kỳ họp bất thường, HĐND tỉnh đã xem xét, thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2019 - 2021.

Giảm từ 480 xuống còn 460 xã phường, thị trấn 

Toàn tỉnh hiện có 480 xã, phường, thị trấn (431 xã, 32 phường và 17 thị trấn). Theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, Nghệ An có 50 đơn vị cấp xã đạt 100% cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số; 413 đơn vị có diện tích tự nhiên và dân số đạt từ 50% đến dưới 100%; 17 đơn vị (14 xã và 3 thị trấn) ở 2 tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập trong giai đoạn 2019 - 2021.

Tuy nhiên, do thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn đặc thù vùng biên giới, dân tộc, cho nên chưa thuộc diện phải sắp xếp trong đợt 1 này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng trình bày tờ trình và dự thảo nghị quyết về chủ trương sắp xếp, điều chỉnh đơn vị hành chính cấp xã. Ảnh: Mai Hoa
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng trình bày tờ trình và dự thảo nghị quyết về chủ trương sắp xếp, điều chỉnh đơn vị hành chính cấp xã. Ảnh: Mai Hoa

Để đảm bảo việc sắp xếp đơn vị hành chính khoa học, vừa đảm bảo tinh gọn, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy, UBND tỉnh đã xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo cách sáp nhập xã, thị trấn thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập với 1 - 2 xã liền kề hoặc sáp nhập một số khối, xóm, bản ở một số xã liền kề vào xã, thị trấn thuộc diện phải sáp nhập để đảm bảo tăng diện tích tự nhiên và dân số. 

Theo đó, tổng số xã, thị trấn thực hiện sắp xếp trong năm 2019 trên địa bàn tỉnh là 39 đơn vị. Sau sắp xếp còn lại 19 xã, thị trấn (16 đơn vị mới, 3 đơn vị thay đổi diện tích tự nhiên, quy mô dân số và địa giới hành chính); giảm 20 đơn vị. Và tổng đơn vị hành chính sau sắp xếp ở Nghệ An giảm từ 480 còn 460 xã, phường, thị trấn.

 Đảm bảo các quyền lợi tối đa có thể cho cán bộ dôi dư
Tại kỳ họp, trên cơ sở phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã do UBND trình, các đại biểu HĐND tỉnh cơ bản đồng tình với chủ trương, phương án sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, vấn đề được nhiều đại biểu HĐND tỉnh quan tâm đặt ra, đó là việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy cấp ủy, chính quyền và MTTQ, các đoàn thể chính trị cơ sở cũng như phương án sắp xếp cán bộ, công chức và chế độ, chính sách cho cán bộ dôi dư sau sắp xếp. 

Đại biểu Hoàng Văn Phi (huyện Hưng Nguyên) đề xuất quan tâm bố trí đội ngũ cấp phó dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Ảnh: Mai Hoa
Đại biểu Hoàng Văn Phi (huyện Hưng Nguyên) đề xuất quan tâm bố trí đội ngũ cấp phó dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Ảnh: Mai Hoa
Trả lời các vấn đề đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, Giám đốc Sở Nội vụ Lê Đình Lý cho biết, hiện tại, UBND tỉnh đang giao Sở Nội vụ chủ trì xây dựng phương án và dự thảo Nghị quyết về chế độ, chính sách cho các cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, xóm để trình HĐND tỉnh trong thời gian tới
Ông Lê Đình Lý - Giám đốc Sở Nội vụ giải trình các ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh. Ảnh: Thành Duy
Ông Lê Đình Lý - Giám đốc Sở Nội vụ giải trình các ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh. Ảnh: Thành Duy

Giám đốc Sở Nội vụ cũng nêu phương án bố trí cán bộ dôi dư sau sắp xếp, ngoài số lượng cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, thì số cán bộ, công chức còn lại sẽ được bố trí, tiếp cận công việc mới phù hợp với năng lực, sở trường ở cấp xã hoặc được điều chuyển lên cấp trên; cam kết, sau khi sắp xếp các đơn vị cấp xã sẽ sắp xếp, bố trí cán bộ, không để ai vì sắp xếp mà bị mất việc với lý do không rõ ràng, không chính đáng; đồng thời đảm bảo các quyền lợi tối đa có thể cho cán bộ dôi dư.

Xã Nghi Hợp và Nghị Khánh (huyện Nghi Lôc). Ảnh tư liệu
Xã Nghi Hợp và Nghi Khánh (huyện Nghi Lôc) sẽ sáp nhập thành xã Khánh Hợp. Ảnh tư liệu

Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã được HĐND tỉnh thông qua:

Huyện Quế Phong tiến hành điều chỉnh diện tích, dân số một số bản của xã Tiền Phong và Mường Nọc để mở rộng thị trấn Kim Sơn; đồng thời sáp nhập phần còn lại về diện tích, dân số của xã Mường Nọc vào xã Quế Sơn để thành lập xã mới, lấy tên xã Mường Nọc. Sau sắp xếp, huyện Quế Phong giảm 1 đơn vị hành chính, từ 14 còn 13 xã, thị trấn.

Huyện Tương Dương tiến hành điều chỉnh diện tích tự nhiên, dân số ở một số bản thuộc xã Thạch Giám vào thị trấn Hòa Bình và đổi tên thành thị trấn Thạch Giám; phần diện tích tự nhiên và dân số còn lại của xã Thạch Giám sẽ sáp nhập vào 2 xã Xá Lượng và Tam Thái. Như vậy, sau sắp xếp, huyện Tương Dương giảm 1 đơn vị hành chính, từ 18 còn 17 xã, thị trấn.

Huyện Thanh Chương tiến hành sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 3 xã Thanh Tường, Thanh Văn và Thanh Hưng để thành lập xã mới, lấy tên là Đại Đồng. Như vậy, sau sắp xếp, Thanh Chương giảm 2 xã, từ 40 còn 38 xã, thị trấn.

Huyện Diễn Châu tiến hành sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 3 xã Diễn Minh, Diễn Bình và Diễn Thắng để thành lập xã mới, lấy tên là xã Minh Châu. Sau khi sắp xếp, sáp nhập, huyện Diễn Châu giảm 2 xã, từ 39 còn 37 xã, thị trấn.

Huyện Nghi Lộc tiến hành sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số xã Nghi Hợp với xã Nghi Khánh để thành lập xã mới, lấy tên là Khánh Hợp. Sau sắp xếp, huyện Nghi Lộc giảm 1 xã, từ 30 còn 29 xã, thị trấn.

Huyện Nam Đàn tiếp hành sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số 3 xã Nam Phúc, Nam Trung, Nam Cường để thành lập xã mới lấy tên Trung Phúc Cường.

Sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số 2 xã Nam Lộc và Nam Tân cùng một phần diện tích, dân số xã Nam Thượng để thành lập xã mới, lấy tên Thượng Tân Lộc. Sáp nhập phần diện tích còn lại của xã Nam Thượng với xã Vân Diên và thị trấn Nam Đàn để mở rộng thị trấn Nam Đàn. Sau sắp xếp, huyện Nam Đàn giảm 5 xã, từ 24 còn 19 xã, thị trấn. đơn vị hành chính.

Thị xã Thái Hòa sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số xã Nghĩa Hòa với phường Long Sơn để thành lập phường mới, lấy tên là phường Long Sơn. Sau sắp xếp, thị xã Thái Hòa giảm 1 xã, từ 10 còn 9 phường, xã.

Huyện Nghĩa Đàn sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số 3 xã Nghĩa Tân, Nghĩa Thắng và xã Nghĩa Liên để thành lập xã mới, lấy tên là xã Nghĩa Thành. Sau sắp xếp, huyện Nghĩa Đàn giảm 2 xã, từ 25 còn 23 xã, thị trấn.

Huyện Hưng Nguyên sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số xã Hưng Xá với xã Hưng Long để thành lập xã mới, lấy tên là xã Long Xá. Sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số xã Hưng Lam với xã Hưng Xuân để thành lập xã mới, lấy tên là xã Xuân Lam.

Sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số xã Hưng Phú với xã Hưng Khánh để thành lập xã mới, lấy tên là xã Hưng Thành. Sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số xã Hưng Nhân với xã Hưng Châu để thành lập xã mới, lấy tên là xã Châu Nhân.

Sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số xã Hưng Tiến với xã Hưng Thắng để thành lập xã mới, lấy tên là xã Hưng Nghĩa. Sau khi sắp xếp, huyện Hưng Nguyên giảm 5 xã, từ 23 còn 18 xã, thị trấn.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 25/9/2019. HĐND tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ Nghị quyết này và những quy định của pháp luật hiện hành, hoàn chỉnh hồ sơ đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
 

Tin mới