Giảm nghèo bền vững miền Tây: Kỳ 2: Áp lực giai đoạn mới

Theo Nghị quyết số 88/QH của Quốc hội khóa XIV, giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình 135 được thay đổi, chuyển sang Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số có hỗ trợ. Theo đó, từ nay đến năm 2025, với việc đầu tư khoảng 75 nghìn tỷ đồng, phấn đấu có 50% số xã và thôn, bản thoát khỏi khu vực III và giảm nghèo bền vững.  

Mặc dù kết quả giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn vừa qua của Nghệ An là rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác, do chuẩn nghèo theo giai đoạn mới được nâng lên nhưng nguồn lực đầu tư, nhất là đầu tư công ngày càng thắt chặt; các công trình được đầu tư trước đây nay bắt đầu xuống cấp nên khó khăn, áp lực ngày càng lớn.

Không những thế, địa bàn miền núi, nhất là vùng cao và vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nói chung và Nghệ An nói riêng là điều kiện giao thông đi lại rất khó khăn, đất đai sản xuất hạn chế nên chỉ cần gặp thiên tai như lũ lụt hoặc dịch bệnh như Covid-19 hiện nay thì nguy cơ tái nghèo ngày càng cao.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế mở hướng thoát nghèo cho bà con các xã miền Tây Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải
Nhiều mô hình phát triển kinh tế mở hướng thoát nghèo cho bà con các xã miền Tây Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải

Trường hợp của gia đình ông Lương Văn Sơn ở bản Tam Liên, xã Tam Quang (Tương Dương) là một ví dụ. Gia đình ông có 6 nhân khẩu, trong đó 5 người trong độ tuổi lao động.

Ông Sơn cho biết, trước đây bản còn thuộc diện đặc biệt khó khăn, gia đình được hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế. Để sản xuất, hàng năm gia đình còn được hỗ trợ giống cây trồng phục vụ sản xuất. Thế nhưng, từ tháng 7 này, do bản không còn là khu vực III nên gia đình không còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế nữa. Mặc dù 3 đứa con đi làm thuê ngoại tỉnh từ 3 năm qua, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên từ đầu năm 2021 đến nay không có đồng tiền nào gửi về, cuộc sống đang gặp nhiều khó khăn.

Bản Tam Liên có 99% là đồng bào Thái sinh sống, một trong những bản khó khăn nhất của xã Tam Quang hiện nay. Ông Vi Văn Minh – Trưởng bản Tam Liên băn khoăn: Mặc dù cuộc sống của người dân trong bản đã có nhiều cải thiện so với trước, số hộ nghèo chỉ còn 3 hộ và 22 hộ cận nghèo, nhưng khi không còn bản đặc biệt khó khăn thì băn khoăn nhất là người dân không được cấp thẻ bảo hiểm y tế; cùng đó, từ nay bản không được đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng. Nhờ Chương trình 135/CP nên cách đây 10 năm, bản được đầu tư xây dựng nhà văn hóa, điểm trường học mầm non, mương thủy lợi nội đồng…

Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, các công trình đã xuống cấp mà chưa có nguồn nào để duy tu, sửa chữa. Huy động sự đóng góp của người dân giờ cũng khó. Mừng vì bản thoát nghèo nhưng vẫn thấp thỏm lo là ở chỗ đó.

Bà Kha Thị Hiền – Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết thêm: Tam Quang có 2 bản biên giới, trong đó bản Tam Liên vừa là bản người Thái nhưng cũng được xếp vào những bản khó khăn nhất xã. Tuy nhiên, do xã đã đạt chuẩn NTM và từ tháng 7 không còn diện hưởng lợi khu vực III trong khi nhiều hạng mục còn thiếu nên vào mùa mưa, người dân đi lại khó khăn.

Ở xã Nghĩa Liên trước đây và nay là xã Nghĩa Thành (Nghĩa Đàn), giai đoạn 2016 – 2020, xã thuộc khu vực II và có 6/9 thôn bản thuộc khu vực III nhưng sau khi đạt chuẩn NTM năm 2018, hiện tại mặc dù đồng bào thiểu số toàn xã chiếm 30% số hộ nhưng do các hộ phân bổ rải rác tại các thôn nên không còn bản nào khu vực III. Ông Trương Thanh Trúc – Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Đây là thiệt thòi không nhỏ cho bà con dân tộc thiểu số vì không còn khoản đầu tư hạ tầng đã đành, nay chế độ các hỗ trợ mua bảo hiểm y tế và giáo dục cho bà con dân tộc thiểu số tại 6 bản bị cắt hết nên nguy cơ tái nghèo khá cao.

Đường vào bản xã Liên Hợp. Ảnh: Nguyễn Hải
Đường vào bản xã Liên Hợp. Ảnh: Nguyễn Hải

Tại xã Liên Hợp (Quỳ Hợp) thì lại có nỗi lo khác. Liên Hợp là xã vùng sâu, điều kiện đi lại khó khăn, mặc dù những năm vừa qua xã được đầu tư một số hạng mục như trường học và đường trung tâm xã. Tuy nhiên, do hệ thống đường từ trung tâm xã vào bản quá xa và cách trở nên các sản phẩm bà con làm ra bị tư thương liên tục ép giá. Ví dụ như giá keo 1 triệu đồng/tấn nhưng trong bản các tư thương chỉ mua 500 – 600 nghìn đồng nên bà con rất thiệt thòi. Kiến nghị mãi thì giai đoạn vừa rồi mới làm được 1 đoạn đường vào bản Duộc Quắn nhưng cũng mới chỉ được 2/3 chiều dài.

Ông Lương Xuân Hiệp – Trưởng phòng Dân tộc huyện Tương Dương cho biết: Theo quy định, từ tháng 7 này, Tương Dương có 5 xã 135 đã về đích NTM là Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái, Xá Lượng và thị trấn Thạch Giám. Đạt được thành quả trên là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ huyện xuống cơ sở trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên nhìn vào thực tế để nói rằng, trong số các xã này vẫn còn nhiều bản vùng sâu, vùng xa là đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn khó khăn về mọi mặt. Trong khi đó, thời gian tới nhiều bản sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi Chính phủ cắt đầu tư các chương trình, dự án và các chính sách hỗ trợ khác trực tiếp đến đời sống người dân, chỉ còn trông chờ vào ngân sách địa phương là rất hạn hẹp.

Quá trình tìm hiểu và khảo sát thực tế cho thấy, so với miền xuôi, các công trình đầu tư xây dựng tại miền núi thường có tuổi thọ ngắn và xuống cấp nhanh. Chính vì vậy, một trong những yêu cầu đặt ra hàng năm đối với Giảm nghèo ở khu vực miền núi là cùng với đầu tư nguồn lực để khởi công xây dựng mới thiết yếu thì phải có kinh phí đầu tư để duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình đã được đầu tư trước đó.

Bên cạnh đó, Nhà nước phải bố trí ngân sách để hỗ trợ các mô hình sản xuất, hỗ trợ giải quyết việc làm, hỗ trợ người dân về giáo dục và y tế… Yêu cầu này tưởng đơn giản nhưng để đáp ứng trong điều kiện hiện nay là không hề đơn giản.

Các công trình 135 thường ở vùng sâu, địa hình dốc nên tuổi thọ ngắn. Ảnh: Nguyễn Hải
Các công trình 135 thường ở vùng sâu, địa hình dốc nên tuổi thọ ngắn. Ảnh: Nguyễn Hải

Trong số ngân sách phân bổ 75 nghìn tỷ cho Chương trình giảm nghèo bền vững cả nước giai đoạn 2021-2025, theo phân bổ của Quốc hội thì ngân sách Trung ương bố trí 48.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương 12.690 tỷ đồng, nguồn huy động khác là 14.310 tỷ đồng. Đối với các tỉnh chưa cân đối được ngân sách như Nghệ An thì việc bố trí nguồn ngân sách tỉnh là đầy thách thức.

Chính vì thế, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội các tỉnh, trong đó có Nghệ An đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc khoản bố trí ngân sách dự phòng của các địa phương trong chương trình giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo các địa phương, từ năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các địa phương đều dành phần lớn kinh phí dự phòng khẩn cấp và khoản thu khác để triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh. Vì lý do này nên theo đại diện Ban Dân tộc tỉnh cho biết: để triển khai Chương trình giảm nghèo của tỉnh giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, ban đầu Ban Dân tộc tỉnh tổng hợp dự kiến nhu cầu vốn chương trình giảm nghèo của tỉnh là gần 18 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, xuất phát từ tình hình ngân sách và qua các lần thảo luận, dự trù đã được điều chỉnh giảm dần xuống 12 nghìn tỷ đồng và cuối cùng 6 nghìn tỷ đồng cho tất cả các dự án. Mặc dù thấp so với dự kiến ban đầu nhưng giữ vững so với giai đoạn trước.

Ông Lô Thanh Đồng- Chủ tịch UBND xã Liên Hợp chia sẻ: là địa bàn khu vực III nên xã rất cần nhiều vốn đầu tư để nâng cấp các hạng mục. Thế nhưng giai đoạn trước, đến năm 2018 mới được công nhận bổ sung nên năm 2019 mới được bổ sung 1 tỷ đồng và sang năm 2021 lại hết nguồn, chờ giai đoạn mới…

Cái khó đối với địa bàn miền núi là các hạng mục, từ đường sá đến cầu cống đều cần nguồn vốn đầu tư lớn nhưng hiệu quả rất khó đong đếm. Vì lý do này nên tuyến đường huyết mạch của huyện Quỳ Hợp từ xã Châu Quang đi xã Châu Hồng dù xuống cấp nặng và các cơ quan chức năng nhiều lần khảo sát nhưng chưa được đầu tư, nâng cấp.

Thi công đường vào khu tái định cư bản Pật, xã Châu Tiến, Quỳ Hợp. Ảnh: Nguyễn Hải
Thi công đường vào khu tái định cư bản Pật, xã Châu Tiến, Quỳ Hợp. Ảnh: Nguyễn Hải

Ông Lê Thanh Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu chia sẻ thêm: yếu kém về hạ tầng khiến thu hút đầu tư vào địa bàn miền núi khá luẩn quẩn. Trong khi xác định địa bàn các huyện đường 48 là trọng điểm kinh tế nông lâm của tỉnh nhưng hệ thống giao thông và điện ở đây quá yếu kém, thường xuyên bị cắt hoặc mất điện thường xuyên nên nhiều nhà đầu tư đến rồi đi. Vì thiếu các dự án có tính động lực nên khó tạo các mô hình tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Sắp tới do chuẩn thu nhập giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ được nâng lên. Nếu không có giải pháp đầu tư, hỗ trợ căn cơ thì nguy cơ tái nghèo tại vùng miền núi vẫn còn.

Tại các huyện miền núi, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng thừa nhận của nhiều địa phương, khoảng cách giữa hộ nghèo và cận nghèo rất mong manh. Đã thế, theo quy định hiện nay, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chỉ thôn, bản, làng, có tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ dân sinh sống ổn định thành cộng đồng từ 15% trở lên thì mới được công nhận khu vực III. Vì lý do này nên một loạt các huyện miền núi Nghệ An như: Thanh Chương, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ… trước đây có nhiều bản khu vực III nhưng nay toàn tỉnh còn 38 bản khu vực III và 55 xã, thị trấn miền núi là khu vực I.

(Còn nữa)