Giảm nghèo bền vững miền Tây: Kỳ cuối: Những giải pháp

Để thực hiện mục tiêu thoát nghèo và giảm nghèo bền vững cho miền Tây Nghệ An, thời gian qua Nhà nước và tỉnh đã quan tâm, dành nguồn lực đầu tư từ khá sớm. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, để mục tiêu sớm trở thành hiện thực và mang tính khả thi cao, mấu chốt là phải phát huy được tiềm năng, lợi thế địa phương; khơi dậy ý chí để người dân vào cuộc thực sự.   

Ở huyện rẻo cao Kỳ Sơn những năm qua địa phương này quan tâm phát triển diện tích gừng, tạo sinh kế cho đồng bào các dân tộc. Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, diện tích gừng của Kỳ Sơn hiện nay đạt khoảng gần 600 ha, chủ yếu tập trung nơi đồng bào dân tộc người Mông sinh sống. Hiện nay, sản lượng gừng đạt hơn 4.500 tấn củ, giá trị ước đạt gần 30 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Trường – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kỳ Sơn cho biết: Sau khi sản phẩm gừng Kỳ Sơn được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý (năm 2019), là điều kiện cho địa phương phát triển thêm diện tích, nâng cao sản lượng gừng. Theo đó, kế hoạch của huyện, bằng nguồn vốn phát triển nông thôn mới, hàng năm huyện tổ chức trồng thêm một số mô hình giống gừng sừng trâu ruột vàng bằng hình thức thâm canh trên địa bàn các xã: Na Ngoi, Nậm Cắn, Tây Sơn. Từ đó, các địa phương tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích gừng trên nương rẫy.

Sản phẩm gừng Kỳ Sơn được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý là điều kiện cho địa phương phát triển thêm diện tích, nâng cao sản lượng gừng. Ảnh: Lữ Phú
Sản phẩm gừng Kỳ Sơn được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý là điều kiện cho địa phương phát triển thêm diện tích, nâng cao sản lượng gừng. Ảnh: Lữ Phú

Hiện nay đồng bào các dân tộc ở Kỳ Sơn, Tương Dương còn chú trọng sản xuất các mặt hàng nông sản như: Bí xanh, khoai sọ, dưa chuột rẫy, cà ngọt, xoài đặc sản Tương Dương… chăn nuôi có gà đen, lợn đen địa phương, dê… từ nhiều năm nay, một số địa phương đã quan tâm thực hiện một số mô hình bí xanh ở xã Lưu Kiền (Tương Dương); mô hình trồng xoài đặc sản ở xã Xá Lượng, thị trấn Thạch Giám (Tương Dương)… Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, các mô hình chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên việc nhân ra diện rộng chưa được như mong muốn.

Với xã biên giới Thông Thụ (Quế Phong) đến nay đã định hướng được mũi nhọn phát triển kinh tế. Ông Lương Thanh Huân – Chủ tịch UBND xã cho biết: Thời điểm xã mới bố trí tái định cư thủy điện Hủa Na xong, địa phương rất lúng túng trong tìm hướng giảm nghèo.

Tuy nhiên, nhờ được tỉnh hỗ trợ theo cơ chế nuôi cá lồng bè nên cơ bản xã đã tìm ra hướng thoát nghèo khả quan. Cùng với tận dụng vùng lòng hồ thủy điện Hủa Na để đầu tư 144 lồng cá nuôi, còn trồng cây dược liệu và trồng cỏ để nuôi gia súc. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ trên 70% cuối năm 2016 nay chỉ còn 19% hộ nghèo và 32% hộ cận nghèo; xã đạt 15/19 tiêu chí NTM, chỉ còn 1 bản chưa có điện.

Mô hình trồng chanh leo của gia đình ông Đinh Công Tâm ở xã Châu Kim (Quế Phong). Ảnh: Nguyễn Hải
Mô hình trồng chanh leo của gia đình ông Đinh Công Tâm ở xã Châu Kim (Quế Phong). Ảnh: Nguyễn Hải

Từ khó và bí bách về mô hình và cách làm, bước đầu huyện đã định hình được cây con và mô hình khai thác thế mạnh từng vùng địa phương. Hiện nay, cùng với mở rộng vùng nguyên liệu cây lùng và nguyên liệu sản xuất cho Nhà máy sản xuất than sạch hoạt tính tại Đồng Văn, huyện đang tập trung nguồn lực, kêu gọi hợp tác để làm thương hiệu và tìm đầu ra cho các sản phẩm địa phương để khích lệ bà con tham gia, nhân rộng… – Ông Bùi Văn Hiền cho biết thêm.

Tại huyện Quỳ Châu, theo trao đổi của ông Lê Thanh Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện, thì để giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ 2 nhiệm kỳ nay, huyện đều có Đề án giảm nghèo và giải quyết việc làm kèm theo đó là các giải pháp cụ thể. Cái khó hiện nay của các huyện miền núi là do nguồn lực hỗ trợ không có nên vừa triển khai vừa lo, nếu làm nhiều thì sản phẩm đầu ra của bà con bán thế nào? Vẫn còn nhiều băn khoăn trong bao tiêu sản phẩm, khẳng định thương hiệu.

Vài năm lại đây, huyện Quỳ Châu có các Đề án và vận động bà con khai thác lợi thế 20 ngàn ha đất rừng của huyện để trồng các loại cây gỗ lớn có giá trị, khi đủ kích cỡ mới bán thì giá cao hơn. Cùng với các dự án khác, huyện đang tập trung thu hút dự án Nhà máy chế biến gỗ tấm lớn về đầu tư tại địa bàn để thu mua sản phẩm thân gỗ nguyên liệu trên địa bàn, với  kỳ vọng tạo thêm việc làm cho bà con, góp phần để tỷ lệ hộ nghèo mới giảm bền vững.

Mô hình nuôi cá lồng bè của anh Vi Văn Long xã Tam Đình (Tương Dương) cho thu nhập khoảng trên 2 triệu mỗi vụ. Ảnh: Nguyễn hải
Mô hình nuôi cá lồng bè của anh Vi Văn Long xã Tam Đình (Tương Dương) cho thu nhập khoảng trên 2 triệu mỗi vụ. Ảnh: Nguyễn hải

Trong khi chờ Chính phủ ban hành Nghị định tiêu chí và phân bổ nguồn cho giai đoạn 2021-2025 căn cứ vào định mức hiện tại, Ban Dân tộc tỉnh đang hướng dẫn các huyện dự trù kinh phí để khi có quyết định thì phân khai cho kịp. Chương trình giảm nghèo bền vững hiện có tới 10 hợp phần, trong đó Giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số chỉ là 1 trong số đó. Hiện các xã khu vực III hàng năm được đầu tư hỗ trợ khoảng 1 tỷ đồng; tương tự, các thôn bản ĐBKK khoảng 200 triệu/năm và giảm tương tự xuống 70% và 50% cho khu vực  II và I để triển khai. Vì vậy, để hạn chế tình trạng đầu tư giàn trải dẫn đến hiệu quả thấp, công trình xuống cấp nhanh thì cần lồng ghép có hiệu quả và dồn vốn đầu tư có trọng điểm hơn.

Mặt khác, từ thực tế triển khai Chương trình 135 trước đây và nay là giảm nghèo cho vùng đồng bào thiểu số thời gian qua còn có những bất cập khiến chương trình dự án bị gián đoạn. Cụ thể, chương trình được Quốc hội phê duyệt từ 2016 nhưng mãi đến 2017 mới có quyết định phân bổ nguồn lực nên gián đoạn nguồn gần 2 năm. Đã vậy, do quá trình bình xét, trong tổng số 106 xã khu vực III, Nghệ An có 6 xã và 7 thôn bản bị bỏ sót, đến cuối 2018 bổ sung, công nhận và đến 2019 mới được phân bổ nguồn vốn thực hiện đến 2020 nên rất thiệt thòi.

Hiện nay, năm 2021, danh mục các xã, thôn bản khu vực III, II, I đã có do phải chờ Quốc hội khóa mới nên không có nguồn triển khai. Vì vậy, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV vừa qua, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ phải đảm bảo 7.000 tỷ đồng theo nguồn chương trình của năm 2021 cho các địa phương; đồng thời, cân nhắc việc bố trí tỷ trọng vốn lớn vào năm 2025 là năm cuối cùng của giai đoạn; không nên huy động ngân sách địa phương quá lớn khi hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn về nguồn thu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Khách quan mà đánh giá, tiêu chí hộ nghèo hay cận nghèo hiện nay tại các địa phương đều chỉ có ý nghĩa tương đối nhưng quyền lợi đối với hộ nghèo lại rất lớn. Các địa phương, vì áp lực chỉ tiêu giảm hộ nghèo 3-5% mỗi năm/kèm theo nguồn lực đầu tư về vốn nhưng thực tế đầu tư không phải dự án nào cũng hiệu quả; đầu tư vào hạ tầng thiết yếu thì người dân nói chung được hưởng trong khi công nhận thoát nghèo thì người dân yếu thế, thu nhập bấp bênh không ổn định là thiệt thòi nhất.

Lớp học tại Tiểu học Mường Lống 2 được kiên cố hóa do doanh nghiệp tài trợ. Ảnh: Nguyễn Hải
Lớp học tại Tiểu học Mường Lống 2 được kiên cố hóa do doanh nghiệp tài trợ. Ảnh: Nguyễn Hải

Ông Vi Văn Sơn – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho rằng muốn giảm nghèo bền vững và hạn chế tái nghèo tại Nghệ An thì khâu đầu tiên phải bình xét, làm thực chất, không vì áp lực thành tích nhưng cũng không được trông chờ ỷ lại. Trên cơ sở xác định được hộ nghèo, cận nghèo hay xã, thôn bản nghèo một cách thực chất, nhà nước cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ tương ứng; phát triển các mô hình để người dân thu nhập ổn định và có tích lũy thì sẽ tự mua bảo hiểm y tế cho mình và không lo mỗi khi có con đi học, ốm đau phải đi viện.

Để đảm bảo các chính sách an sinh sức khỏe và giáo dục cho bà con, hiện tại, UBND tỉnh đang đề xuất với Chính phủ và các bộ ngành về cơ chế đặc thù cho Nghệ An, trong đó có một số chính sách chuyển tiếp cho bà con địa bàn vùng miền Tây mới thoát khỏi khu vực III.

Trong khi đó, để tạo điều kiện cho bà con, xã Mường Nọc đang đề xuất với huyện hỗ trợ 50% chi phí mua bảo hiểm y tế cho các hộ trung bình của xã, bản đã thoát nghèo; 2 xã Châu Tiến, Châu Bính (Quỳ Châu) xã Tam Quang (Tương Dương) dù thoát nghèo những vận dụng cơ chế xã an toàn khu hoặc biên giới để có các chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế và học hành cho bà con. Mặc dù cách làm trên mới xuất hiện ở 1 vài địa phương nhưng rất đáng suy nghĩ. Sắp tới, do tiêu chí bình quân thu nhập giai đoạn 2021-2025 đã được nâng lên, bình quân thu nhập các hộ thiểu số lâu nay thấp hơn cả tỉnh và các nước nên nếu rà soát lại chắc chắn tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng.

“Khác với trước đây, bà con vùng dân tộc thiểu số Nghệ An không còn đói nhưng để giảm nghèo bền vững là không dễ. Vì vậy, cùng với tiếp tục đầu tư cho hạ tầng thiết yếu, cần có các chính sách chuyển tiếp để động viên bà con vươn lên thoát nghèo; đồng thời tiếp tục hỗ trợ các mô hình bảo tồn, phát triển các sản vật thế mạnh địa phương, gắn với đó bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa để phát triển du lịch, qua đó tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân là lâu bền nhất”, ông Vi Văn Sơn – Trưởng ban Dân tộc tỉnh nói.