Giám sát cộng đồng để đảm bảo quyền lợi cho người dân

(Baonghean) - Trao đổi của bà Võ Thị Thanh Huyền - Phó Giám đốc Trung tâm XTĐT và TVPT -  Sở  Kế hoạch và Đầu tư; ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV về chương trình hành động nếu được cử tri tín nhiệm.

 
P.V: Đồng chí có cảm nghĩ gì khi được  giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV tại tỉnh nhà?
Đồng chí Võ Thị Thanh Huyền: Được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV là niềm vinh dự, đồng thời là trách nhiệm lớn lao của tôi trước cử tri. Tôi nguyện sẽ phấn đấu hết mình để hoàn thành nhiệm vụ của bản thân, đồng thời nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm của người đại biểu nhân dân.
P.V: Nếu trúng cử đại biểu Quốc hội, đồng chí có chương trình hành động như thế nào để đáp ứng được nguyện vọng của cử tri?
Đồng chí Võ Thị Thanh Huyền: Nếu trúng cử, với vai trò của người đại biểu Quốc hội và là một cán bộ công tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư của tỉnh, tôi sẽ tăng cường phản biện xã hội và giám sát cộng đồng trong đầu tư do hiện vẫn còn một số dự án không triển khai, triển khai không đúng tiến độ hoặc gây ô nhiễm môi trường, gây lãng phí quỹ đất, làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, quyền lợi của người dân...
Đồng thời nhằm thực hiện chủ trương đẩy mạnh, tăng cường và phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường sự tham gia của người dân trong giám sát hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, các chủ đầu tư, các nhà thầu trong cấp phép và triển khai các dự án đầu tư; mục tiêu là tiếp tục tăng cường sức mạnh chính quyền “của dân, do dân và vì dân”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Huy động tối đa trí tuệ của các tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương (các nhà khoa học, nhân sỹ, trí thức đối với hoạt động phản biện xã hội giai đoạn xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư; người dân vùng dự án đối với hoạt động giám sát cộng đồng khi triển khai thực hiện dự án). Thực hiện mục tiêu cải cách hành chính công, mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, hướng đến nền hành chính phục vụ, công khai, minh bạch và tương tác... 
Mặt khác, hiện nay chúng ta chưa có quy định về yêu cầu, trách nhiệm đối với từng vị trí việc làm của CB, CC (chưa sử dụng bảng mô tả vị trí việc làm); chưa có tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc, mà chủ yếu dựa vào vị trí và thâm niên công tác; chưa có thước đo đo mức độ hài lòng của đối tượng được phục vụ (ở đây là người dân và doanh nghiệp đối với hoạt động thực thi công vụ của CB, CC). Do đó cần nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ. Để thực hiện trước hết cần có bảng mô tả vị trí việc làm, trong đó có quy định các tiêu chí cụ thể, kể cả những tiêu chí ràng buộc trách nhiệm cá nhân cán bộ, công chức. Mức lương được trả căn cứ vào mức độ hoàn thành các tiêu chí đó.
Thứ hai là việc trả lương cần tạo ra dải khoảng cách giữa các vị trí việc làm.
Thứ ba, ứng dụng công cụ đo lường sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức
P.V: Là ứng cử viên nữ, ngoài vấn đề nêu trên, đồng chí  có chia sẻ điều gì thêm?
Đồng chí Võ Thị Thanh Huyền: Tôi quan tâm và làm hết khả năng của mình trong những vấn đề liên quan đến quyền lợi phụ nữ và trẻ em như sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới (cơ hội được học tập, lao động, việc làm cho phụ nữ) và hạnh phúc gia đình... bởi suy cho cùng “mỗi gia đình là một tế bào của xã hội”.
Trân Châu 
(Thực hiện)
 

Tin mới