‘Giám sát lời hứa’, tại sao không!

Trong một trả lời phỏng vấn gần đây, bà Võ Thị Minh Sinh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh – Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Nghệ An tâm tư rằng: “Cử tri họ sợ nhất là bị hứa suông. Họ sợ đại biểu sau khi “hóa thân” vào chương trình hành động và “chinh phục được trái tim thân yêu” rồi thì coi như xong. Có cử tri bày tỏ rằng ứng cử viên nói thì rất hay, hứa thì rất ưng tai… nhưng trí nhớ thì không tốt lắm, đắc cử xong hay… “quên”. Mặt trận chúng tôi đang nghĩ đến việc xây dựng kế hoạch giám sát việc thực hiện lời hứa đấy”.

Vâng, giám sát việc thực hiện lời hứa, tại sao lại không?  Chỉ còn tuần lễ nữa là đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp – ngày hội của toàn dân. Có thể nói từ nay đến ngày bầu cử chính là giai đoạn “nước rút” để các ứng cử viên thực hiện quyền vận động bầu cử theo luật định. Mọi ứng cử viên đều phải có chương trình hành động của mình để trình bày trước cử tri và nhân dân. Đó như là những “bản khế ước” với cử tri, là sự cam kết đầy lương tâm và trách nhiệm. Ai cũng muốn cử tri hiểu mình, tin mình và cao hơn nữa là lựa chọn mình, bởi vậy ai cũng… hết mình. Không ít những lời hứa “ưng tai” đã được các ứng cử viên trịnh trọng trình bày trước cử tri. Tất nhiên, cử tri cũng không dại gì bỏ qua cơ hội “vàng” này để “đòi nợ” những lời hứa đã vắt qua nhiều nhiệm kỳ trước. Không ai có thể phủ nhận mỗi kỳ vận động bầu cử là mỗi dịp “giải nợ” những lời hứa cũ và cũng là thời điểm để “nạp” những lời hứa mới hơn. Phải nói có vô vàn cái để hứa cũng như vô vàn cách hứa. Ai đó đã chế lại câu ca dao xưa một cách khá dí dỏm và thâm ý rằng: “Lời hứa không mất tiền mua/Lựa lời mà hứa cho vừa lòng nhau”. Hứa thì dễ, hứa cho vừa lòng cũng không quá khó. Chỉ mỗi hiện thực hóa lời hứa mới là thách thức thôi. Vấn đề là làm thế nào để lời hứa được thực thi trọn vẹn, hoặc ít nhất nó cũng có giá trị lớn hơn 0. Đấy là câu chuyện tất nhiên không phải của một ngày.

Tôi đã từng chứng kiến một nhân vật nói rất hay. Mỗi lần bác ấy xuất hiện trên diễn đàn thì những người xung quanh chỉ có biết há hốc mồm mà nghe, chả biết thực hư thế nào nhưng được cái là sướng lỗ tai. Thế rồi đùng đùng bác ấy được đôn lên làm lãnh đạo xã, mà cũng phải thôi một người am tường tinh thông thiên địa như thế không làm lãnh đạo xã thì phí quá. Mỗi cuộc đi tiếp xúc cử tri là những tràng pháo tay giòn giã dành cho bác ý. Bà con thắc mắc đơn thư tồn đọng ư… Bác ấy nói: “Đơn thư là vấn đề nhặm nhọt của xã nhà. Chúng tôi thực sự thất vọng khi các bậc tiền nhiệm đã để điều ấy tồn tại quá lâu. Tôi xin hứa  trong vòng 1 tháng sẽ giải quyết dứt điểm đơn thư tồn đọng. Mọi thắc mắc của bà con sẽ được giải quyết có lý, có tình, đúng pháp luật và cũng phù hợp với đạo lý ngàn đời của cha ông”. Trả lời kiến nghị của cử tri về môi trường bác ấy nói: “Môi trường ư, cái mương ở thôn 3 ư, có gì đâu, chúng ta dùng ngân sách xã kết hợp với nguồn xi măng hỗ trợ của huyện để thi công trong tháng 6 tới. Bà con không phải lo cảnh lũ lụt nữa”. Lại những tràng pháo tay. Thế rồi, một năm, hai năm, năm năm… khối đơn thư ngày nào vẫn còn đó, con đường bê tông vẫn hoành tráng trên giấy. Bác ý vẫn làm lãnh đạo, bác vẫn đi họp dân, bác vẫn có những bài phát biểu làm người nghe há hốc mồm nhưng những tiếng vỗ tay thưa dần. Rồi tôi nhớ trước nhiệm kỳ bầu cử cái năm ấy, tháng ấy, bác ấy lại hứa sang nhiệm kỳ tới, “Tôi sẽ tập trung vào 3 việc, một là… hai là… ba là… Khi bác đang thao thao bất tuyệt về cái “ba là” thì một cử tri  đứng dậy phát biểu: “Tôi đề nghị nhiệm kỳ tới ông (…) không cần tập trung nhiều việc thế. Ông chỉ nên tập trung làm một việc cho nó triệt để thôi, đó là ông hãy đổi qua họ Hứa. Ông chỉ được cái hứa thôi. Hứa hươu hứa vượn!”. Thế rồi, mùa bầu cử năm ấy bác nhà “thất thủ”, những lời hứa vượt nhiệm kỳ của bác sau đó được lớp cán bộ trẻ trả dần.

Rất nhiều những lời hứa đi suốt cuộc đời nhưng cũng không ít những lời hứa nằm ở đầu môi chót lưỡi. Có những lời hứa đến từ lý trí, có những lời hứa đến từ trách nhiệm, cũng có những lời hứa đơn thuần đến từ cảm xúc. Người quân tử coi lời hứa là sinh mệnh, kẻ tiểu nhân lấy lời hứa làm công cụ. Lời hứa giá trị được chưng cất từ sự cháy bỏng của lòng quả cảm và ý chí quyết tâm. Không giả dối, không đối phó, không qua loa hình thức và không né tránh. Như câu ngạn ngữ của cha ông, “lời nói đọi máu”! Hứa suông đáng lên án, nhưng không dám hứa cũng cần phải xem lại. Có những lời hứa cần được công bố rộng rãi để mọi người theo dõi và kiểm chứng, nhưng cũng có những lời hứa không nhất thiết phải nói ra, đó là khi chúng ta tự hứa với chính mình. Thôi thì ai hứa cũng quý, hứa ở đâu cũng đáng trân trọng nhưng nếu khi người ta biết tự hứa với chính mình thì có lẽ nặng giá trị hơn. Có những lời hứa hay cam kết được đưa ra nhưng sự đón nhận nó lại hết sức dè dặt.

Thế đấy, họ có muôn trùng lời hứa, lời hứa nào cũng hay, cũng chuẩn và cũng rất đáng tin. Họ chỉ thiếu thứ duy nhất là thực hiện nó. Tổn thất họ mang lại không chỉ là lòng tin vào chính họ bị mất đi mà lòng tin vào những lời hứa cứ lần lượt cạn dần. Lời hứa không còn thiêng nữa. Dư luận không đòi ai phải hứa, nhưng dư luận lại có quyền đòi bất kỳ ai phải thực hiện lời hứa.

Một “mùa” bầu cử nữa lại về. Những lời hứa có thể lại được đưa ra. Có lẽ đã đến lúc chúng ta không thể lời hứa vốn dĩ là một cam kết tốt đẹp lại trở thành thứ triệt tiêu lòng tin của mọi người. Cần có một cơ chế để giám sát việc thực hiện lời hứa. Trước hết cần phải công khai lời hứa. Tiếp theo là xây dựng “kho” dữ liệu về lời hứa. Bao gồm lời hứa của ai, hứa với ai, hứa ở đâu, hứa trong hoàn cành nào, thời điểm nào, nội dung hứa là gì và thời điểm thực hiện lời hứa đó. Kế theo đó là cơ quan giám sát có theo dõi, yêu cầu chủ nhân lời hứa định kỳ báo cáo về tình hình, tiến độ và kết quả thực hiện lời hứa. Mọi thứ đều công khai minh bạch dưới sự giám sát đánh giá không chỉ của cơ quan chuyên môn mà là của toàn dân. Làm được điều này thì không chỉ làm tăng hiệu suất công việc mà sẽ cũng hạn chế đi những lời hứa hão. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy, “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Thiết nghĩ việc giám sát lời hứa không chỉ có lợi cho dân mà còn có lợi cho cả người hứa. Tại sao không?