Gian nan dẹp nạn "thiếc thổ phỉ", "vàng tặc" tuyến QL 48

(Baonghean.vn) Lợi dụng những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, người dân địa phương ồ ạt đổ vào nhiều khu vực được cấp phép khai thác thiếc, vàng tự do đào đãi thiếc trái phép ở huyện Quỳ Hợp, Quế Phong... Ngay từ ngày mồng 7 âm lịch, Đoàn công tác số II (Phòng Cảnh sát Môi trường tỉnh) đã triển khai lực lượng tổ chức đẩy đuổi.


Rộ nạn "thiếc tặc", "vàng tặc"


Chúng tôi cùng với Đoàn công tác số II vào khu vực Pa Pọ thuộc bản Cuống, xã Châu Tiến. Bất chấp giá rét, có khá nhiều nhóm người vẫn đang triển khai đào đãi thiếc. Có nhóm dùng máy nổ "vòi rồng" bắn xịt nước vào lòng núi, khu vực này vốn được cấp phép cho một công ty. Nhưng các "thiếc tặc" vẫn nhảy vào tranh giành, thậm chí có người đứng ra bảo kê cho dân địa phương vào khai thác trái phép.

Có những thời điểm căng thẳng, "thiếc tặc" còn dùng cả súng và cung tên để uy hiếp đơn vị được cấp phép. Nguyễn Trần Nam , một người dân địa phương đang đãi thiếc nói: "Bọn em chỉ mót lại thiếc thôi, mỗi ngày được khoảng 70 - 100 nghìn đồng, khi nào ngành chức năng đến đẩy đuổi thì bỏ chạy". Thượng tá Nguyễn Viết Nhi - Trưởng Đoàn công tác số II (Phó phòng Cảnh sát môi trường tỉnh) tâm sự: Chủ yếu người dân địa phương lợi dụng ngày nghỉ Tết Nguyên đán tràn vào khu vực được cấp phép của các công ty khai thác thiếc. Riêng ngày mồng 10 âm lịch, đoàn đã đẩy đuổi được trên 100 người đang vào khai thác trái phép tại khu vực được cấp phép của Công ty CP Khai khoáng Lạng Sơn.

Gian nan dẹp nạn "thiếc thổ phỉ", "vàng tặc" tuyến QL 48 ảnh 1

Khai thác thiếc thổ phỉ ở Châu Tiến - Quỳ Hợp.


Chưa kể là nhiều công ty được cấp phép khai thác thiếc vẫn xảy ra tình trạng tranh chấp. Như tại khu vực suối Bắc, xã Châu Hồng, Châu Thành có 5 công ty khai thác quặng thiếc nhưng đang tranh chấp vị trí khai thác. Điều nguy hiểm là các công ty này đều khai thác tranh chấp ngầm dưới lòng núi. Như Công ty Đức Chính đã bị một công ty khác đào hầm xuyên cả sang diện tích của mình khoảng trên 200 m. Chưa kể nhiều mỏ đá, mỏ thiếc khai thác không đúng với quy trình thiết kế, dẫn đến ô nhiễm môi trường, mất an toàn lao động, nhiều mỏ còn chia nhỏ "phát canh thu tô".

Qua điều tra, Đoàn công tác số II còn phát hiện ra hàng trăm xưởng xẻ, chế biến đá "mọc" lên trái phép. Các chủ xưởng này hầu hết không có mỏ đá, chủ yếu đi mua đá chui lủi hoặc khai thác đá trái phép. 3 nội dung cơ bản chấp hành về môi trường không có: Chưa được cấp có thẩm quyền cho phép thành lập cơ sở chế biến; chưa có đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống xử lý môi trường; chưa có các thiết bị về công nghệ đảm bảo an toàn lao động và môi trường. Dọc các xã Thọ Hợp, Đồng Hợp, hàng chục xưởng chế biến đá tư nhân "mọc" lên, đá thải, bùn thải vô tư "đùn" ra cả ngoài đường, thậm chí chất thải cho chảy trực tiếp xuống khe suối. Bên cạnh đó là tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra khá nóng bỏng, chủ yếu tập trung ở các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quế Phong.


Bước đầu lập lại kỷ cương quản lý khoáng sản


Thượng tá Nguyễn Viết Nhi nói thêm: Trước thời điểm Đoàn công tác số II chưa được giao nhiệm vụ "cắm" ở tuyến QL 48 thì tình hình rất phức tạp. Đặc biệt là tại Quỳ Hợp có 113 điểm mỏ, trong đó rộ lên nạn khai thác thiếc thổ phỉ tràn lan. Người dân địa phương và các tỉnh phía Bắc tràn vào rừng đào những hang sâu hun hút khoảng 60-70 m, dài 500-1.000 m... Hầm được chống đỡ đơn sơ, nguy cơ sập hầm rất cao, có những thời điểm Đoàn công tác số II tổ chức lực lượng liều mình vào tận hang sâu kêu gọi, vận động được trên 300 người chui từ hầm sâu lên.


Trước sự ra quân quyết liệt của Đoàn công tác số II, bước đầu đã lập lại được kỷ cương về công tác quản lý khoáng sản. Đoàn đã phối hợp với công an xã tháo dỡ máy móc và vòi nước của người dân khai thác thiếc trái phép, dẹp được các điểm nóng khai thác thiếc thổ phỉ ở xã Châu Hồng, Châu Tiến, Châu Thành. Cụ thể, đẩy đuổi được trên 900 người khai thác thiếc trái phép; tạm giữ 38 xe máy, giữ 100 đối tượng khai thác thiếc trái phép giao cho xã Châu Hồng; giải toả 6 điểm chế biến thiếc trái phép. Đối với các điểm mỏ quặng thiếc tranh chấp, hiện tại Đoàn công tác số II đã vào kiểm tra và tổ chức 3 cuộc họp đối với các chủ mỏ, ký cam kết giữa các chủ mỏ không khai thác vượt ranh giới, đã xử lý đình chỉ hoạt động của các chủ mỏ cố tình vi phạm.


Đặc biệt, đã ngăn chặn kịp thời tội phạm và vi phạm pháp luật về hành vi tàng trữ mua bán thiếc thô chưa chế biến sang Trung Quốc. Theo điều tra của Đoàn công tác số II, địa bàn Quỳ Hợp có 19 mỏ quặng thiếc, trong năm 2011 sản lượng đạt 350 tấn. Trong khi lượng thiếc thổ phỉ tràn lan ngoài thị trường, trên 1.000 tấn hầu hết được bán sang Trung Quốc, riêng xã Châu Hồng tồn tại 6 xưởng sơ chế thiếc. Đoàn công tác số II đã xóa được 6 tụ điểm sơ chế thiếc trên. Đoàn còn tổ chức bắt được nhiều vụ vận chuyển bán thiếc trái phép sang Trung Quốc.


Theo Thượng tá Nguyễn Viết Nhi: Lâu nay vấn đề khai thác vàng trái phép ở Quế Phong khá nhức nhối, chủ yếu là ở 2 xã Quang Phong, Cắm Muộn, dọc các dòng khe người dân đào bới vô tội vạ. Một số người còn đưa cả máy xúc vào đào, vét cả khe suối và ruộng lúa của dân. Hiện tại UBND tỉnh đã cấp phép khai thác vàng cho Công ty TNHH Bắc Sơn tại khu vực Khe Quỷa xã Cắm Muộn - Quế Phong.

Tuy nhiên, lợi dụng ngày nghỉ Tết, người dân vẫn khai thác vàng trái phép trên cả diện tích được cấp phép. Các chiến sỹ của Đoàn công tác số II đã triển khai lực lượng vào thượng nguồn khe Quỷa đẩy đuổi, đã tịch thu được hàng chục máy nổ, vòi, các phương tiện khai thác vàng trái phép... Khó khăn đặt ra hiện nay là do ở địa thế xa, nên khi Đoàn công tác rút về thì các "vàng tặc" lại đưa máy móc ra làm trộm. Đối với đơn vị được cấp phép là Công ty TNHH Bắc Sơn, Đoàn Công tác số II đã yêu cầu Công ty ký cam kết thực hiện đảm bảo vấn đề phục hồi môi trường tại điểm khai thác, đồng thời thường xuyên kiểm tra để có những chấn chỉnh kịp thời.


Văn Trường

Tin mới