Gian nan đi tìm 'bệnh nghề nghiệp'

(Baonghean) - Theo phản ánh của người lao động, nếu chẳng may để xảy ra tai nạn lao động, họ không nhận được những chính sách bồi thường như cam kết trong thỏa ước; hoặc nếu bị mắc các bệnh nghề nghiệp thì rất khó được nhận các khoản hỗ trợ.

“Được vạ thì má đã sưng”

Trong năm qua, qua đợt khám sức khỏe định kỳ tại Công ty Gạch và Xây lắp Diễn Châu, có tới hàng chục công nhân được ghi nhận có bụi phổi, là bệnh lý nằm trong danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế phê duyệt. Chiếu theo Luật An toàn lao động, các công nhân này được hỗ trợ chi phí để điều trị bệnh; thế nhưng họ lại không nhận được bất kỳ khoản phí nào. Lý do là bởi, để có chi phí hỗ trợ cho công nhân khi họ mắc các bệnh nghề nghiệp, chủ sủ dụng lao động phải được bên BHXH hỗ trợ, thế nhưng, nếu đệ trình phía bảo hiểm thì chỉ nhận đươc câu trả lời, không thể hỗ trợ vì người lao động chưa phải điều trị nội trú tại các trung tâm y tế.

Tương tự, các công nhân nhà máy may cũng được liệt vào danh sách là những lao động hành nghề độc hại, và trong danh mục nghề nghiệp có nguy cơ cao về mất ATVSLĐ, bởi lượng bụi vải mà họ hít phải hằng ngày rất có thể gây ra những bệnh lý như tắc nghẽn phổi mãn tính, hay các bệnh về mắt.

Thế nhưng, những năm qua, các công nhân thuộc các công ty may trên địa bàn tỉnh Nghệ An hầu như không được hỗ trợ các khoản phí về bệnh nghề nghiệp, mặc dù qua các đợt kiểm tra sàng lọc, họ đều được ghi nhận có bệnh trong danh mục quy định.

Công nhân Công ty Gạch và Xây lắp đóng trên địa bàn huyện Diễn Châu. Ảnh: Thanh Nga
Công nhân Công ty Gạch và Xây lắp đóng trên địa bàn huyện Diễn Châu. Ảnh: Thanh Nga

“Trên thực tế để người lao động được hưởng khoản hỗ trợ thì phải có giám định y tế. Đồng thời, người bệnh phải đang trong giai đoạn điều trị và bệnh này nằm trong danh mục bệnh nghề nghiệp mà Bộ Y tế quy định”. 

Tuy nhiên, theo giám đốc một công ty may đóng tại địa bàn TP. Vinh: “Đa số nhân viên chỉ xin nghỉ việc khi ốm, sốt và thường chỉ mua thuốc về điều trị tại nhà, chứ không nằm nội trú nên không thể có bệnh án”.

Thời gian qua, các chính sách dành cho lao động bị tai nạn trong lúc làm việc đang có nhiều tranh cãi. Cụ thể như chế độ tai nạn lao động đối với trường hợp người lao động bị tai nạn khi đi từ nơi làm việc về nơi ở, hoặc nơi ở đến nơi làm việc còn có những bất cập, gây rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xác định, khai báo điều tra, giải quyết chế độ. Đơn cử như năm 2018, có trường hợp một công nhân ngành Điện lực không may bị tai nạn trong lúc di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc, nhưng sau đó chính sách cho công nhân này rất khó để giải quyết.

“Khó là bởi hồ sơ thủ tục xác nhận khó khăn, vì trong bộ hồ sơ hợp lệ cho phía BHXH cần có xác nhận của chính quyền địa phương về vụ tai nạn đó. Thế nhưng, rất ít khi chính quyền địa phương chịu xác nhận, vì trên thực tế họ không chứng kiến tai nạn. Thế nên, để giải quyết chế độ bồi thường tai nạn lao động cho đối tượng này rất khó khăn”.

Đại diện phòng Việc làm và ATLĐ - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết.

Thay đổi bắt đầu từ chủ doanh nghiệp 

Mới đây nhất, ông Nguyễn Khắc Thiều ở huyện Yên Thành cầu cứu LĐLĐ tỉnh, vì con trai ông bị tai nạn lao động với thương tật lên tới 90% nhưng chưa được chủ sử dụng lao động bồi thường. Trước đó, trong thời gian nằm viện điều trị dài ngày, với tỷ lệ thương tật lớn, nhưng chủ sử dụng lao động chỉ đến thăm nom vài lần và đưa một ít tiền thăm hỏi, chứ các khoản hỗ trợ theo luật định thì chủ công ty này không đả động. Được sự giúp đỡ, tư vấn của LĐLĐ tỉnh, gia đình đã hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết để yêu cầu chủ sử dụng hỗ trợ bồi thường theo luật định.
Không riêng gì con trai ông Thiều, nhiều lao động chẳng may bị tai nạn lao động trong lúc làm việc nhưng hầu như không được chủ sử dụng lao động bồi thường, hỗ trợ chi phí điều trị.

“Nếu chủ sử dụng lao động nào có tâm thì thăm hỏi chứ họ không bao giờ hỗ trợ chi phí chữa bệnh như luật quy định”. 

Anh Trần Văn Trường - một lao động xây dựng tự do đang làm việc thời vụ cho Công ty Trung Đô cho biết

Công ty may trên địa bàn Diễn Châu. Ảnh: Thanh Nga
Công ty may trên địa bàn Diễn Châu. Ảnh: Thanh Nga

Đối với các bệnh nghề nghiệp, gần như không có người lao động nào được hỗ trợ chi phí. Bởi, để được hỗ trợ, ngoài giám định bệnh lý của một cơ sở y tế thì phía doanh nghiệp cần phải xác nhận vào hồ sơ, môi trường làm việc của họ có bụi công nghiệp gây độc hại đối với cơ thể người, nhất là với người tiếp xúc hàng ngày, lâu năm.

“Trên thực tế, chả có đơn vị nào xác nhận thông số này, nên người lao động rất khó nhận được khoản hỗ trợ từ nguồn Quỹ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp” - Ông Chu Văn Lực  - Chuyên viên phòng Việc làm và ATLĐ - Sở LĐ-TB&XH cho biết.

Tuy nhiên, ông Ngô Sỹ Lộc - Giám đốc Công ty Gạch và Xây lắp Diễn Châu lại cho rằng, mỗi một lao động khi vào làm việc đều được ký ước vào thỏa ước lao động do công đoàn công ty soạn thảo và được sự chấp thuận và đồng tình của ban giám đốc. Vì thế, lao động đều được biết quyền và nghĩa vụ của mình trong suốt thời gian làm việc.

“Đồng ý ký vào thỏa ước có nghĩa là lao động đã nghiên cứu mình sẽ có quyền gì trong suốt thời gian làm việc ở công ty”. - Ông Lộc nói. Ví như ở Công ty Gạch và Xây lắp Diễn Châu có quy định được nêu rõ trong thỏa ước: “Người lao động chết do tai nạn, lao động rủi ro mức trợ cấp là 10.000.000 đồng/người; Bị bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài ngày (trên 3 tháng), gia đình quá khó khăn tùy theo số năm công tác sẽ có các mức cụ thể, nhưng ít nhất là phải từ 5 năm trở lên”. 

Theo Điểm c, Khoản 1, Điều 6, Luật An toàn lao động: “Người lao động được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”. 

Như vậy, ngoài mức hỗ trợ do các doanh nghiệp quy định thì người lao động sẽ được hưởng thêm các mức hỗ trợ khác do Luật An toàn lao động quy định, nhưng không phải ai cũng rõ điều này.

Tuy nhiên, những bất cập, vướng mắc từ các quy định cũng như trong thực tế quan hệ lao động làm người lao động gặp khó khăn để được hưởng các chính sách về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. 

Tin mới