Gian nan đường vào bản biên giới bị lũ tàn phá ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Để vào được đến xã Mường Típ (Kỳ Sơn, Nghệ An) trong những ngày này, một là phải đi bộ gần một ngày hoặc là phải vượt hơn 35 km đường sông kết hợp đi bộ hơn 5 km để tránh những đoạn thác, nước sông chảy xiết, nguy hiểm. ​
Ảnh: Đức Anh

Để đi vào bản Xốp Típ, bảng Vàng Phao phải lội qua con suối nước chảy xiết nguy hiểm. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Sau cơn bão số 3, số 4, tuyến đường Mường Xén - Tà Cạ - Mường Típ - Mường Ải bị sạt lở, vùi lấp phía taluy dương và bị nước lũ cuốn mất nhiều đoạn phía taluy âm. Mặc dù được huyện Kỳ Sơn tích cực chỉ đạo khắc phục để sớm thông xe, tuy nhiên sự tàn phá của đợt lũ vừa qua là vô cùng nặng nề không thể làm xong trong ngày một ngày hai, đồng nghĩa với việc đi lại của người dân, cán bộ, giáo viên sẽ còn lắm gian nan vất vả.

Ảnh: Tuấn Anh

Bên cạnh đi lại vất vả, nước sinh hoạt không có nên trẻ em phải tắm nước sông đục ngầu. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Vừa gồng mình để tập trung khắc phục hậu quả của mưa lũ, người dân nơi đây lại phải đối mặt với thiếu thốn về nước sạch do nhiều đường ống nước bị đứt gãy, nguồn nước tự chảy bẩn đục sau mưa dài ngày. Bên cạnh đó giá các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt lợn, xăng dầu, mì tôm… đều cao gấp nhiều lần so với giá thị trường do khó khăn khi vận chuyển từ thị trấn Mường Xén vào. Các thầy cô giáo dạy ở đây thường đùa rằng chúng tôi được ăn loại gạo "đắt nhất thế giới".

Bên cạnh đó, nỗi lo lớn nhất của hộ dân tại các bản Xốp Phong, Vàng Phao, Xốp Phe, Vàng Ngô và một số bản khác của xã là tình trạng sạt lở đất thường trực đe dọa tính mạng và tài sản của các hộ dân sinh sống nơi đây. Không có mặt bằng để làm nhà, nhiều hộ dân phải bất chấp nguy hiểm làm nhà trên sườn núi dốc đứng hoặc dọc bên bờ sông Nậm Mộ. Sau cơn bão số 4, tình trạng sạt lở trở nên nghiêm trọng, nhiều hộ phải tháo dỡ nhà, di dời khẩn cấp, ở tạm tại nhà bố mẹ, anh em trong bản.

Ảnh: Tuấn Anh

Hộ gia đình anh Loong Văn May ở bản Vàng Ngô kịp di dời trước khi sạt lở hoàn toàn diện tích đất ở và mặt đường. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Trước thực trạng trên, UBND huyện Kỳ Sơn đã phải họp bàn nghe ý kiến của các ngành và cơ sở, tìm giải pháp di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi vùng sạt lở. Ngày 31/8/2018, UBND huyện đã thành lập 4 đoàn công tác để thăm dò, khảo sát để xác định cụ thể địa điểm di dời. Trên cơ sở đó, các đoàn đã đến các điểm dân cư để lắng nghe nguyện vọng của người dân, làm việc với cấp ủy, chính quyền xã và ban quản lý các bản để thống nhất phương án di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi vùng sạt lở.

Việc khảo sát, đánh giá tính khả thi và khái toán nguồn vốn dự kiến xây dựng các điểm để di dời dân sẽ được huyện hoàn thành sớm trong vài ngày. Tuy nhiên, để huy động nguồn kinh phí thực hiện công việc này lại là bài toán nan giải. Để giải quyết đến cùng vấn đề, bảo đảm an toàn, ổn định đời sống cho các hộ dân vùng sạt lở tại xã Mường Típ, hơn lúc nào hết cần sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành.  

Tin mới