Sáp nhập trường lớp-Điều kiện tất yếu để nâng cao chất lượng giáo dục

(Baonghean) - Đã gần 1 tháng trôi qua kể từ ngày khai giảng năm học mới, nhưng hơn 100 học sinh ở Trường THCS Tiến - Thiết vẫn chưa được đến trường. Người ngăn cản quyền học tập của các em không ai khác chính là các bậc phụ huynh. Vậy đâu là nguyên nhân của sự việc đáng tiếc này?!

Chủ trương sáp nhập trường lớp là cơ sở cho việc xây dựng các mục tiêu giáo dục và đào tạo dài hạn theo đúng định hướng, phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội. Việc làm này là một tất yếu khi mà tỷ lệ học sinh ngày càng giảm, quy mô trường lớp ngày càng thu hẹp. Trên thực tế từ những 80 - 90 của thế kỷ XX, căn cứ vào tình hình của từng địa phương, địa bàn (mật độ dân cư, số lượng học sinh từng thời kỳ..), UBND tỉnh đã có chủ trương tách, nhập các điểm trường lẻ và các cấp học để tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục. 
Lễ khai giảng của Trường THCS  Lê Xuân Đào (Hưng Nguyên), ngôi trường được sáp nhập từ Trường THCS Hưng Lĩnh và THCS Hưng Long từ năm 2011.
Lễ khai giảng của Trường THCS Lê Xuân Đào (Hưng Nguyên), ngôi trường được sáp nhập từ Trường THCS Hưng Lĩnh và THCS Hưng Long từ năm 2011.
Đến cuối năm học 2000 - 2001, tỉnh bắt đầu xây dựng các đề án về quy hoạch mạng lưới trường lớp nhằm đảm bảo kế hoạch dài hơi. Trên cơ sở những điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 271 về quy hoạch mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh đến năm 2015. UBND tỉnh đã cụ thể hóa Nghị quyết này bằng việc ban hành Quyết định 71 phê duyệt đề án về quy hoạch mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh đến năm 2015.
Hàng năm, căn cứ trên thực tế, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt Kế hoạch phát triển giáo dục theo lộ trình sáp nhập trường lớp, để tránh tình trạng quy mô trường nhỏ lẻ, hạn chế việc đầu tư xây dựng hệ thống phòng chức năng, phòng học bộ môn và giáo viên phải dạy chéo môn, ảnh hưởng chất lượng dạy và học. 
Thực hiện chủ trương này, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã thực hiện sáp nhập được trên 100 trường học các cấp. Hầu hết các trường sau khi sáp nhập đều tập trung được công tác quản lý, tạo điều kiện thuận lợi trong bố trí chuyên môn, tăng cường được các hoạt động trao đổi, dự giờ, thăm lớp... Học sinh và giáo viên có môi trường thuận lợi hơn để thi đua dạy tốt, học tốt. Việc sáp nhập trường lớp cũng tiết kiệm được chi phí đầu tư, đồng thời tạo cơ hội để bàn giao mặt bằng, bàn giao cơ sở vật chất cho những nơi còn khó khăn để phục vụ các mục tiêu phát triển giáo dục. Nhiều cơ sở vật chất sau khi sáp nhập đã được chuyển đổi mục đích để phục vụ cho các trường mầm non, tiểu học.
Trong quá trình thực hiện chủ trương sáp nhập, chất lượng giáo dục của nhiều địa phương được nâng lên rõ rệt. Huyện miền núi Quỳ Châu là một ví dụ điển hình. Trước thực tế quy mô trường lớp ngày một giảm, cấp ủy, chính quyền và ngành Giáo dục huyện đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện việc sáp nhập các điểm trường mầm non, tiểu học, các trường THCS nhỏ lẻ trên địa bàn và nhận được sự đồng thuận cao. Chẳng hạn như tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Hội - Nga được sáp nhập từ năm học 2013 - 2014. Ban đầu khi triển khai sáp nhập, chính quyền xã và Ban Giám hiệu nhà trường hết sức lo lắng, bởi từ bản Nga Sơn, nơi xa nhất của xã Châu Nga đến trường mới học sinh phải vượt một quãng đường trên 12 cây số. Thời gian đầu sáp nhập, vì thương học sinh, nhà trường vẫn duy trì 1 trường nhưng 2 điểm. Sau đó, do đặc thù, giáo viên cấp hai phải dạy theo tiết, có những buổi giáo viên phải đi cùng một lúc hai điểm trường nên chất lượng không thể đảm bảo.
Bữa ăn của học sinh Trường PT Dân tộc bán trú THCS Hội Nga (Quỳ Châu).
Bữa ăn của học sinh Trường PT Dân tộc bán trú THCS Hội Nga (Quỳ Châu).
Trước thực tế này, bước sang học kỳ II, nhà trường và chính quyền địa phương vận động bà con ở Châu Nga cho học sinh học tập trung tại 1 điểm. Nhà trường nhường toàn bộ dãy phòng công vụ để làm nơi ở bán trú cho học sinh. Hiệu quả thấy rõ, khi từ năm học 2013 - 2014 đến nay, trường không có học sinh bỏ học. Học sinh Châu Nga, sau nhiều năm “trắng” danh hiệu thì năm học 2014 - 2015 lần đầu tiên có 7 học sinh đạt học sinh giỏi huyện, em Hoàng Thị Liên còn được chọn đi thi học sinh giỏi tỉnh. Riêng trường cũ ngày xưa thì nhường lại cho Trường Tiểu học Châu Nga, vì lâu nay 2 trường đang phải học chung, phòng học thiếu thốn rất nhiều. Trường Châu Hội, nay cũng đã được công nhận trường chuẩn quốc gia.
Đến thời điểm này, toàn huyện Quỳ Châu đã sáp nhập được 4 trường THCS liên xã là THCS Bính Thuận, THCS Tiến Thắng, THCS Hòa Lãm và Trường THCS Hội - Nga, trong đó 3 trường sau khi sáp nhập nhờ được tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học và đầu tư về chất lượng nên đã được công nhận trường chuẩn. Ngoài ra, ở bậc mầm non đã giảm từ 56 điểm trường mầm non năm 2009 xuống còn 42 điểm trường mầm non (trong đó 30 điểm trường lẻ); giảm từ 48 điểm trường tiểu học xuống còn 40 điểm trường tiểu học (trong đó 24 điểm trường lẻ). Nhờ mạng lưới trường lớp được sắp xếp, bố trí và sáp nhập hợp lý, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương; tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường đạt cao (bình quân các cấp học trên 98%), chất lượng giáo dục được nâng lên vượt bậc, tỷ lệ học sinh Quỳ Châu đậu vào Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh và các trường chuyên trong tỉnh ngày một nhiều.
Tại huyện Hưng Nguyên, mặc dù có 23 xã, thị trấn, nhưng hiện quy mô cấp THCS của Hưng Nguyên chỉ có  11 trường, trong đó có 7 trường liên xã , trong đó có 2 trường liên 4 xã là Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai và THCS Lam Thành. Nhờ việc sáp nhập này, hiện mạng lưới các trường THCS của Hưng Nguyên đã đi vào ổn định. Không những tạo điều kiện để huyện bố trí đồng bộ đội ngũ giáo viên, tránh tình trạng giáo viên dạy chéo môn, mà còn giúp cho việc tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học. Ông Hoàng Nghĩa Hải, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hưng Nguyên chia sẻ rằng: Sáp nhập 2 trường đã khó, sáp nhập 3, 4 trường lại càng khó hơn, bởi tâm lý các địa phương đều muốn trường đóng trên địa bàn mình. Phụ huynh cũng muốn con học gần nhà. Tuy nhiên, huyện xác định, sáp nhập trường là một điều cấp thiết khi quy mô trường lớp đã thu nhỏ lại. Do đó, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, lựa chọn địa điểm xây trường hợp lý, hạn chế  thấp nhất việc huy động nguồn kinh phí đóng góp từ học sinh. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất sẵn có cũng được sử dụng hiệu quả như làm trường mầm non, trung tâm học tập cộng đồng... Vì vậy, việc sáp nhập đã được tiến hành thuận lợi.
Ngay tại địa bàn huyện Nghi Lộc, việc sáp nhập trường lớp cũng đã được thực hiện từ gần 10 năm nay, tạo nên những chuyển biến tích cực trong công tác dạy và học. Trường THCS Hưng Đồng (được sáp nhập từ Trường THCS Nghi Hưng và Nghi Đồng) là một trong số đó. Năm học 2015 - 2016 trường vừa đón nhận danh hiệu đạt chuẩn quốc gia, một thành quả mà những năm trước người dân ở vùng quê nghèo nơi đây chưa từng nghĩ tới. Trên toàn huyện, nhiều trường sau khi sáp nhập cũng đi vào hoạt động hiệu quả như Trường THCS Khánh Hợp, Trường THCS Thịnh Trường, Trường THCS Nghi Hưng... Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng Giáo dục huyện Nghi Lộc cho biết:  Do quy mô dân số giảm, nên việc sáp nhập trường là một điều hết sức cần thiết nhằm đảm bảo lợi ích cho học sinh và thuận lợi hơn trong công tác dạy và học. Tất nhiên, quá trình sáp nhập sẽ dẫn đến những xáo trộn cho phụ huynh và học sinh, nhưng vì lợi ích chung và lâu dài thì cần rất đến sự  ủng hộ của người dân và của chính quyền địa phương. Và chủ trương sáp nhập Trường THCS Nghi Thiết và THCS Nghi Tiến thành Trường THCS Tiến - Thiết cũng không phải là ngoại lệ mà đã nằm trong lộ trình kế hoạch được phê duyệt từ năm học 2008 - 2009...
Nhóm P.V

Tin mới