Giáo viên Văn dạy Sinh học: Nghịch lý ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Chúng ta thường nghe nói đến tình trạng học sinh học "nhầm" lớp. Thế nhưng ở một số trường học trên địa bàn Nghệ An, có cả tình trạng giáo viên dạy "nhầm" lớp. Thực hư việc này như thế nào?

Giáo viên xã hội... dạy môn tự nhiên

Chuyện xảy ra ở lớp 9C, Trường THCS Diễn Lợi (Diễn Châu) trong các giờ sinh học từ đầu năm học tới nay. Sáng 4/10, khi PV báo Nghệ An đến lớp, dù đang là tiết Sinh học nhưng giáo viên đứng lớp không phải là giáo viên dạy Sinh mà là cô giáo Lê Thị Vinh, giáo viên dạy môn Văn học. Do không đúng chuyên môn, nên trong buổi dạy, đáng lẽ phải giảng cho học sinh thì cô giáo cho học sinh tự nghiên cứu trong sách giáo khoa.

Cô Vinh cho biết: "Tôi là giáo viên dạy Văn, nhưng vì tổ điều sang dạy Sinh nên tôi không dạy được mà chỉ lên lớp và quản lý lớp thôi”. Nói về điều này, học sinh Nguyễn Thị Trúc Linh, lớp 9C, cho biết: Năm nay là năm cuối cấp nên việc thiếu giáo viên chúng em rất lo lắng.

Học sinh lớp 9C, Trường THCS Diễn Lợi trong giờ
Học sinh lớp 9C, Trường THCS Diễn Lợi trong giờ "tự học"

Trước đó, trong đơn kiến nghị gửi các đơn vị liên quan, nhiều phụ huỵnh của lớp cũng cho biết: Từ đầu năm học, vì học sinh lớp 9 thiếu giáo viên dạy môn Sinh học nên phụ huynh nhà trường đã đề nghị trường và phòng giáo dục sắp xếp giáo viên về để dạy cho học sinh. Sau đó, Phòng Giáo dục huyện Diễn Châu cũng đã điều một giáo viên dạy Sinh về trường.

Tuy nhiên, việc điều chuyển chỉ là hình thức bởi giáo viên này lại vừa có đơn nghỉ phép 2 tháng để đi chữa bệnh hiểm nghèo. Không có giáo viên nên nhà trường phải điều các cô giáo dạy môn xã hội sang dạy các môn tự nhiên. Ngoài ra, mặc dù đã vào năm học, nhưng nhà trường lại tiến hành nhập 3 lớp 9 thành 2 lớp, gây xáo trộn việc học của học sinh.

Trường THCS Diễn Lợi có 8 lớp nhưng có đến  21 giáo viên, thừa 5 giáo viên theo quy định. Tuy nhiên, chỉ thừa giáo viên các môn xã hội và thiếu các giáo viên tự nhiên, đặc biệt là giáo viên môn Sinh – Hóa. Sự thiếu hụt nghiêm trọng giáo viên bộ môn Sinh hóa buộc nhà trường phải đưa các thầy cô bộ môn khác vào đứng lớp.

Ông Nguyễn Hữu Cầu, Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Diễn Châu cho biết: việc thiếu giáo viên và việc sáp nhập từ 3 lớp 9 xuống 2 lớp 9 ở Trường THCS Diễn Lợi là điều có thật. Trong đó, việc sáp nhập lớp là bởi năm nay, trường có 78 học sinh lớp 9 nhưng theo kế hoạch mà Sở duyệt là mỗi lớp có tối thiểu 40 học sinh và tối đa là 45 học sinh nên năm nay nhà trường phải nhập 3 lớp thành 2. 

Riêng việc thiếu giáo viên Sinh học là điều mà phòng đã dự báo trước và trên thực tế đã điều một giáo viên ở trường THCS Thắng Minh về để dạy cho học sinh. Tuy nhiên, trong thời điểm này, cô giáo mới điều về đang đi điều trị nên chưa dạy được cho học sinh và việc ban giám hiệu Trường THCS Diễn Lợi để giáo viên dạy văn về đứng lớp môn sinh học là không đúng theo quy định. Cũng sau sự việc này, Phòng Giáo dục cũng đã yêu cầu ban giám hiệu Trường THCS Diễn Lợi kiểm điểm về việc bố trí sai giáo viên ở trường.
Cô giáo dạy Văn sang dạy giờ Sinh học ở Trường THCS Diễn Lợi
Cô giáo dạy Văn sang dạy giờ Sinh học ở Trường THCS Diễn Lợi

Trên toàn huyện Diễn Châu ở bậc THCS đang thừa khoảng 200 giáo viên, tập trung chính ở các môn Toán, Văn, Lịch sử. Trong khi đó, lại thiếu các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghiệp.

Cũng vì thừa  - thiếu giáo viên cục bộ này nên 8 năm nay các trường không được tuyển thêm giáo viên. Số giáo viên thiếu, xử lý bằng hình thức: để giáo viên cùng lúc dạy 2 – 3 trường (như trường hợp ở Diễn Lợi, giáo viên vừa dạy sinh học ở trường THCS Thắng Minh, vừa  dạy sinh học ở trường THCS Diễn Lợi). Hoặc sắp xếp để các giáo viên dạy gần với chuyên môn, ví dụ cho giáo viên dạy Toán dạy thêm một số tiết môn Lý, hoặc giáo viên dạy Sử dạy thêm các tiết về Giáo dục công dân.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thừa giáo viên là do quy mô trường lớp giảm và năm học 2016 – 2017 này là năm số lớp giảm xuống thấp nhất. Thống kê cũng cho thấy, nếu như 10 năm trước, học sinh THCS trên toàn huyện Diễn Châu mỗi năm có đến hơn 30.000 học sinh thì nay con số này chỉ khoảng 16.000 học sinh.

Dư hơn 1.000 giáo viên ở bậc THCS

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2016 – 2017, số viên chức giáo viên bậc THCS hiện có so với số giáo viên UBND tỉnh giao đang dư 835 giáo viên. Nếu tính cả số giáo viên UBND huyện hợp đồng dư 1.315 giáo viên. Những năm qua, tổng số giáo viên đã giảm tuy nhiên số giáo viên dôi dư không giảm là do giảm lớp.

Ngoài ra, ngành đang  “gánh” thêm  431 giáo viên đã bố trí làm việc ở trung tâm học tập cộng đồng nhưng nay tỉnh không giao nữa mà bố trí trở lại làm giáo viên. Bên cạnh đó, tình trạng dôi dư cục bộ vẫn xảy ra, tập trung ở một số huyện như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Nghi Lộc, Đô Lương, Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên,…).

Về cơ cấu, dôi dư chủ yếu các môn Toán, Lý, Văn, Sử… thiếu các bộ môn Hoá, Âm nhạc, Mỹ thuật. Ngoài ra, còn xảy ra tình trạng,  thừa giáo viên nhưng thiếu nhân viên thư viện, thiết bị…

Nguyên nhân chính của tình trạng thừa giáo viên THCS là do những năm qua quy mô trường lớp ở bậc THCS giảm. Bên cạnh đó, do nhiều năm trước ở nhiều địa phương, tuyển dụng giáo viên ồ ạt, không tính tới việc tăng giảm quy mô trường lớp.

Thống kê mới đây cũng cho thấy, trên toàn tỉnh, có hơn 1000 giáo viên tuyển dụng sai, trong đó tập trung chủ yếu ở bậc THCS.

Giờ học của học sinh Trường THCS Nghi Công - Nghi Lộc
Giờ học của học sinh Trường THCS Nghi Công - Nghi Lộc

 Để giải quyết vấn đề  dôi dư giáo viên, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 30 về tiếp tục chấn chỉnh tình trạng hợp đồng trong các cơ quan đơn vị; Yêu cầu các huyện rà soát để chấm dứt hợp đồng lao động đối với các cá nhân mà đơn vị không có nhu cầu, không có nguồn thu. Bên cạnh đó, hướng dẫn các huyện, thành phố, thị xã xây dựng đề án giải quyết giáo viên, nhân viên dôi dư.

Từ năm học 2015 – 2016, UBND tỉnh cũng đã có chủ trương chuyển giáo viên Tiểu học, THCS xuống giáo viên mầm non. Theo đó, trong năm 2016, đã có 54 giáo viên được chuyển công tác. Năm học 2016 – 2017 này, hiện đã có các huyện Đô Lương, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Thanh Chương… có kế hoạch đào tạo lại giáo viên THCS để chuyển xuống dạy bậc mầm non với tổng số gần 500 giáo viên. Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường bố trí giáo viên làm việc tại các trung tâm học tập cộng đồng, cử đi học văn bằng 2 tin học và ngoại ngữ; học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, bố trí biệt phái đến công tác ở cấp học còn thiếu giáo viên…

Ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết: Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục yêu cầu UBND các huyện giải quyết giáo viên dôi dư bằng các giải pháp cụ thể, khả thi; Tăng cường mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dôi dư chuyển sang làm việc các vị trí việc làm còn thiếu. Đồng thời, đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát lại đội ngũ giáo viên, căn cứ theo chỉ tiêu giáo viên mầm non đã được UBND tỉnh giao để đề nghị tuyển dụng, hợp đồng cơ bản đủ số lượng được giao trên cơ sở quy mô phát triển giáo dục ổn định lâu dài của địa phương…

Song Hoàng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới