Hãy để học sinh tự chọn môn học và giáo viên ở buổi học thứ 2 trong ngày

(Baonghean) - Theo tôi biết, các trường THCS ở Nghệ An (và hầu hết ở các tỉnh, thành trên cả nước), buổi học thứ hai trong ngày đều theo thời khóa biểu do trường sắp xếp, cố định cho 4 khối lớp 6, 7, 8, 9. Và người lên lớp từng môn trên thời khóa biểu ấy là giáo viên đã trực tiếp dạy buổi sáng, thậm chí có giáo viên dạy suốt cả bốn năm theo học sinh ở môn học đó.
Cách làm “truyền thống” mang tính nhân tuần - làm theo lối cũ này có hai bất cập nổi bật:
Thứ nhất: Học sinh học ở buổi thứ hai (thường sắp xếp vào buổi chiều), dù sức học giỏi, khá, trung bình, yếu kém và trình độ về các mặt kiến thức, kỹ năng,… ở mỗi môn học có điểm mạnh, yếu khác nhau nhưng tất cả đều phải ngồi vào một lớp, một thời gian theo thời khóa biểu đã định. Hậu quả sẽ là: Hứng thú học tập của học sinh rất thấp, có em chán, ngồi vào lớp một cách miễn cưỡng. Về kết quả, chất lượng các buổi học ở mỗi em hầu như không đáng kể. Cách làm quen thuộc này đã không tính đến tri thức, kỹ năng và thói quen học tập của học sinh vốn rất khác nhau ở mỗi em.
Giờ học của học sinh lớp 8 Trường THCS Quỳnh Lâm (Quỳnh Lưu). Ảnh: Phương Hà
Giờ học của học sinh lớp 8 Trường THCS Quỳnh Lâm (Quỳnh Lưu). Ảnh: Phương Hà
Thứ hai: Giáo viên, thời gian qua có được nâng cao ít nhiều về chuyên môn, nghiệp vụ dạy học qua các đợt chuyên đề do Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức, qua sinh hoạt chuyên môn ở tổ, nhóm trong trường, cụm - liên trường. Tuy nhiên, vốn liếng chuyên môn mình phụ trách, nhất là nghiệp vụ sư phạm, cả về tâm huyết, điều kiện đầu tư cho công việc lên lớp,… khác nhau khá rõ giữa các giáo viên.
Trên thời khóa biểu (buổi thứ hai), người lên lớp vẫn là giáo viên dạy buổi sáng, ngay cả bản thân họ cũng khó tự nhận ra mình đã có gì, thiếu hụt gì, mạnh yếu từng phương diện kỹ năng, kỹ thuật lên lớp ra sao khi sử dụng một giáo án chung cho cả cộng đồng học sinh quen thuộc ở buổi sáng.
Bước vào năm học 2016 - 2017 này, ở thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã có 10/11 trường THCS táo bạo mở ra cách làm mới: Cho học sinh tự chọn giáo viên và tự chọn môn học. Chúng tôi hình dung lộ trình làm việc như sau: Học sinh được bố mẹ, người hiểu biết và giáo viên tư vấn đề xuất học môn nào (và chú trọng phần nào trong môn đó) với giáo viên chủ nhiệm, với hội đồng giáo dục nhà trường. Ban giám hiệu tổng hợp, xét duyệt rồi lên quy hoạch cho khóa trình học tập từng môn theo buổi (buổi thứ hai). Đồng thời, học sinh trên cơ sở tự đánh giá chỗ mạnh, yếu về các mặt ở từng môn, xin ý kiến phụ huynh, giáo viên,… đề nghị giáo viên lên lớp phù hợp. 
Ở đây không nên quá quan ngại hai vấn đề: Việc học sinh tự chọn môn học, phần học có thể ngẫu hứng, thiếu chỉn chu. Như trên đã nói, các em có cha mẹ, người lớn, giáo viên nhà trường định hướng. Và sẽ có sự bất mãn, tự ái ở những giáo viên không được học sinh lựa chọn?
Điều này có thể có. Song việc chọn môn học, phần học của từng môn khá phong phú, mỗi giáo viên có mặt mạnh riêng (ví dụ: Kiến thức chuyên môn phần nào đó của chương trình, sách giáo khoa, kỹ năng lên lớp cụ thể,…) sẽ được học sinh đề nghị phụ trách, trực tiếp giúp các em tiến bộ. Dĩ nhiên, số giáo viên yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, hoặc thiếu ý thức, tâm huyết với nghề dạy học thì sẽ bị loại ra ngoài số giáo viên được tín nhiệm đề xuất.
Với mong muốn học sinh học hồ hởi, tiến bộ; giáo viên được lựa chọn lên lớp các buổi thứ hai phấn khởi, nỗ lực; chất lượng giáo dục - đào tạo của các trường THCS được góp phần nâng cao, mong rằng Ban giám đốc Sở, lãnh đạo các phòng giáo dục và đào tạo tỉnh nhà nghiên cứu, triển khai.
NGƯT Lê Thái Phong
TIN LIÊN QUAN

Tin mới