Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017: Thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử tăng đột biến

(Baonghean) - Năm nay số học sinh đăng ký các môn thuộc tổ hợp môn Khoa học xã hội tăng đột biến. Điển hình ở môn Lịch sử, thí sinh đăng ký môn thi này đã lên đến gần 19.600 em. 

Đến ngày 20/4, Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 đã hoàn thành bước đi đầu tiên là đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sư phạm. Tại Nghệ An, kết quả cho thấy có nhiều sự thay đổi so với những kỳ thi trước.

Các môn xã hội “lên ngôi”

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, Nghệ An có 30.947 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, thí sinh tự do là 2.261 em và có 10.577 thí sinh đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp (chiếm tỷ lệ khoảng 30%).

Trong số này,Tổ hợp môn khoa học tự nhiên (Vật lý - Hóa học - Sinh học) có trung bình mỗi môn khoảng 11.000 thí sinh đăng ký.

Tỷ lệ học sinh đăng ký các môn tổ hợp khoa học xã hội (Lịch sử - Địa lý - Giáo dục công dân) chiếm gần 70% với trung bình mỗi môn là khoảng hơn 19.000 thí sinh.

Đây thực sự là một điều khác biệt so với các kỳ thi trước khi số học sinh đăng ký các môn thuộc tổ hợp môn Khoa học xã hội tăng đột biến. Như ở môn Lịch sử, năm 2016, chỉ tính riêng cụm thi do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, chỉ có 41/12.113 thí sinh đăng ký  dự thi và có tới 16/26 điểm thi không có thí sinh nào thi Sử. Tuy nhiên, năm nay, số thí sinh đăng ký môn thi này đã lên đến gần 19.600 em. 

Giờ học của học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP. Vinh). Ảnh: Mỹ Hà
Giờ học của học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP. Vinh). Ảnh: Mỹ Hà

Nguyên nhân khách quan dẫn đến sự thay đổi này do năm 2017 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra phương án thi tổ hợp với hình thức trắc nghiệm. Quy chế cũng cho phép thí sinh được lựa chọn một trong hai bài thi tổ hợp hoặc có thể chọn lựa cả hai bài để lấy kết quả bài thi cao hơn xét tốt nghiệp.

Vì vậy, với quy định này, bên cạnh việc lựa chọn bài thi để xét tuyển vào đại học, thí sinh thường cân nhắc chọn bài thi phù hợp để đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp. Tại Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP Vinh), trong số 340 học sinh của trường thì số thí sinh đăng ký tổ hợp môn khoa học xã hội đã gần 300 em. 

Theo thầy giáo Trần Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường, trong 8 lớp thì chỉ có lớp 12A1 - lớp được định hướng theo khối A là đăng ký tổ hợp môn khoa học tự nhiên và là các em có khả năng thực sự. Số còn lại, các em chỉ có năng lực bình thường và không xác định được thế mạnh của mình.

Vì vậy, các em cùng lựa chọn đăng ký 2 tổ hợp với suy nghĩ  “cứ đăng ký thi, trông chờ vào may mắn”. Cũng theo thầy Tuấn, thường học sinh “sính” tổ hợp môn khoa học xã hội hơn bởi các môn như Vật lý - Hóa học - Sinh học yêu cầu tính chính xác cao, trong khi đó, với đặc thù của các môn xã hội, việc đổi mới phương thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm không bắt buộc học sinh phải học thuộc lòng máy móc và giúp cho thí sinh ôn tập các môn xã hội hiệu quả hơn. Thậm chí, nhiều em nghĩ rằng nếu đánh bừa vẫn có thể có điểm!

Làm tốt công tác phân luồng

Những năm trước Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các cụm thi riêng cho hai đối tượng khác nhau, trong đó thi để xét tốt nghiệp do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, thi để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng do các trường đại học chủ trì. Quy chế mới của Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 là không phân thành các cụm thi riêng mà tất cả đều do các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì.

Sỹ tử thay vì “khăn gói” xuống các thành phố lớn như trước đây thì năm nay sẽ thi tại địa phương, tại các trường học của mình.

Với nhiều thuận lợi như trên, đa phần thí sinh đều cho rằng, nếu cùng thi một địa điểm thì không vì lý do gì lại không đăng ký xét tuyển vào đại học để cho mình thêm cơ hội.

Tuy vậy, kết quả lại rất đáng mừng bởi ở Nghệ An có đến gần 11.000 thí sinh đăng ký thi để xét tốt nghiệp (chiếm 30% và cao hơn 5% so với mặt bằng chung của cả nước). Trong đó, nhiều trường tỷ lệ đăng ký thi để xét tốt nghiệp khá cao như Trường THPT Quỳ Châu 215/407 em, Trường THPT Kỳ Sơn 235/410 em, Trường THPT Phan Thúc Trực (Yên Thành) 235/410 em... 

Điều đó cũng cho thấy, kết quả phân luồng lâu nay đã tác động trực tiếp đến suy nghĩ, nhận thức của phụ huynh và học sinh. Trong đó, quan trọng nhất là đã thay đổi được quan điểm cứng nhắc là phải vào bằng được đại học.

Nói về những thay đổi này, thầy giáo Nguyễn Trọng Giáp - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Thúc Trực cho rằng, đây không phải là điều bất ngờ mà là kết quả sau một quá trình rất dài nhà trường làm công tác định hướng giáo dục về nghề nghiệp cho học sinh. 

Với những học sinh đăng ký để xét tuyển vào các trường đại học, nhận thức về nghề nghiệp của các em cũng khá rõ ràng. Em Tuấn Anh - học sinh lớp 12 C1, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, TP. Vinh chia sẻ, năm nay em chỉ đăng ký một nguyện vọng duy nhất vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bởi “từ nhỏ em đã rất thích được làm thầy giáo và em nghĩ môi trường ở Hà Nội sẽ cho mình năng động hơn”.

Tổng hợp toàn tỉnh cũng cho thấy, dù năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo không giới hạn đăng ký nguyện vọng nhưng học sinh khá cân nhắc khi đăng ký nguyện vọng và chỉ đăng ký trung bình từ 3 - 4 nguyện vọng/thí sinh.

Về kết quả đăng ký của học sinh lớp 12 trong năm học 2016 - 2017, ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: “Việc học sinh đăng ký tổ hợp môn khoa học xã hội tăng và việc học sinh đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp cao là một tín hiệu tích cực. Qua đó, cho thấy học sinh, giáo viên đã tiếp cận với những đổi mới của ngành giáo dục, giảm được tình trạng học lệch, học tủ. Đồng thời, sẽ giúp các em định hướng và lựa chọn tốt hơn nghề nghiệp sau khi ra trường, tránh tình trạng thất nghiệp do đào tạo mất cân đối”.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN

Tin mới