Nghệ An: 3 thí sinh bị đình chỉ, 58 em bỏ thi

(Baonghean.vn)- Đến thời điểm này, toàn bộ các môn thi của Kỳ thi THPT Quốc gia đã hoàn thành. Thống kê tại cụm thi số 28 của Nghệ An có 58 thí sinh bỏ thi và 3 thí sinh bị đình chỉ thi. Kỳ thi không có sự cố bất thường xảy ra.

Sáng nay, khoảng 19.000 thí sinh của Nghệ An đã bước vào môn thi cuối cùng của Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 – tổ hợp môn KHXH. Đây là lần đầu tiên thí sinh làm bài tổ hợp môn KHXH (Lịch sử - Địa lý – GDCD) với hình thức trắc nghiệm khách quan. Riêng môn GDCD lần đầu tiên được đưa vào Kỳ thi THPT Quốc gia.

Dù thi theo hình thức trắc nghiệm nhưng do đây là các môn KHXH nên trước các môn thi, tại các điểm thi công tác kiểm tra tài liệu được thực hiện nghiêm túc.

Mặc dù vậy, vi phạm vẫn xảy ra tại điểm thi Trường THPT Lê Viết Thuật khi thí sinh tự ý mang điện thoại vào phòng thi và bị lập biên bản.

Ở điểm thi Trường THPT Kim Liên, sau môn thi Lịch sử, Địa lý thí sinh Phạm Văn Dũng xã Nam Kim, Nam Đàn ( THPT Nam Đàn 2) là thí sinh tự do đầu tiên bước ra khỏi phòng thi. Hiện Dũng đang học ở Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật 3 nhưng em vẫn muốn thi lại để đăng ký vào trường đại học mà em đang mơ ước là Đại học Nông nghiệp.

Vì có thời gian ôn thi khá kỹ lưỡng nên Dũng làm được hơn 70% đề. Theo Dũng: đề Lịch sử cơ bản, bám sát chương trình. Tuy nhiên, với 50 phút mà làm 40 câu lịch sử thì hơi khó bởi có nhiều câu phải mất nhiều thời gian để suy nghĩ . Một số câu, để làm kịp giờ Dũng phải “đánh vội đánh vàng”.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh: Thành Cường
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh: Thành Cường

Về môn Địa lý, thí sinh Võ Thị Hải - THPT Mai Hắc Đế cho biết: So với các đề thi minh họa, đề thi môn Địa lý dễ hơn, trong đó có gần 40% các câu hỏi có thể sử dụng Át lát nên với những thí sinh thi để xét tốt nghiệp dễ dàng có điểm trung bình.

Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thực hiện đúng chủ trương, đó là đề hoàn toàn nằm trong sách giáo khoa, không có nhiều câu hỏi liên hệ với thực tế như những năm trước. Trường hợp nếu có thì có thể sử dụng Át lát để trả lời.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh: Thành Cường
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh: Thành Cường

Tại điểm thi Trường THPT Đặng Thúc Hứa (Thanh Chương) thí sinh Đinh Thị Diệu Linh (lớp 12C5 – THPT Nguyễn Sỹ Sách) cũng làm bài thi môn Địa lý khá tốt vì em cho rằng “ cấu trúc đề cân bằng ở các phần, đề cơ bản, bám sát chương trình”.

Tuy nhiên, từ câu 40 trở đi, những câu phân loại khá khó, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức rộng và có vốn hiểu biết nhất định ví dụ như: mùa mưa lớn nhất của Hà Nội là mùa nào, nghề làm muối ở Nam Trung Bộ phát triển mạnh là do đâu.

Điểm thi Trường THPT Đặng Thúc Hứa. Ảnh: Huy Thư
Điểm thi Trường THPT Đặng Thúc Hứa. Ảnh: Huy Thư
Thí sinh huyện Thanh Chương đã hoàn thành môn thi cuối cùng của Kỳ thi THPT Quốc gia. Ảnh: Huy Thư
Thí sinh huyện Thanh Chương đã hoàn thành môn thi cuối cùng của Kỳ thi THPT Quốc gia. Ảnh: Huy Thư

Về môn Lịch sử, thí sinh Nguyễn Thị Lộc (12C2 – Trường THPT Đặng Thai Mai) cho biết: Việc thi trắc nghiệm môn lịch sử là phù hợp nhưng đề thi năm nay hơi khó so với mặt bằng chung và những học sinh không chuyên  thì dù cố gắng cũng chỉ được 5 điểm.

Riêng môn Giáo dục công dân, do đây là môn điều kiện nên thí sinh không tập trung thời gian học nhiều. Dù vậy, đa phần thí sinh đều bảo đều dễ, toàn bộ kiến thức liên hệ thực tế để làm bài.

Tại điểm thi THPT Anh Sơn 1, thí sinh Đinh Thị Ngọc Ánh (xã Tường Sơn - Anh Sơn)  cho biết: “Đề thi năm nay khó hơn cả là môn Lịch sử. Đây lại không phải là môn chuyên của em, nên em thấy rất khó, khả năng đạt điểm cao là rất ít”.

Thí sinh ra về tại điểm thi THPT Anh Sơn 1. Ảnh: Đào Thọ
Thí sinh ra về tại điểm thi THPT Anh Sơn 1. Ảnh: Đào Thọ.

Cùng chung quan điểm với Ngọc Ánh, thí sinh Nguyễn Thị Quỳnh An cũng cho hay: “Trong 3 môn thi thì Lịch sử là khó nhất. Dù đây là môn chuyên của em nhưng em vẫn hoàn thành một cách mơ hồ. Môn Địa lý có dễ hơn nên em làm bài Địa Lý rất tốt”.

Tại điểm thi Trường THPT Tương Dương 1, thí sinh Vy Thị Chung (Trường THPT Tương Dương 2) cho rằng: Đề Địa lý và GDCD vừa sức với học sinh và bản thân em làm được 70%, Tuy nhiên môn Lịch sử em làm hơi “kém” vì đề dài, kiến thức rộng và có nhiều câu hỏi khó.

Thí sinh ở điểm thi Trường THPT Tương Dương 1 (ảnh: Đình Tuân)
Thí sinh ở điểm thi Trường THPT Tương Dương 1. Ảnh: Đình Tuân.

Em Trần Văn Duy cũng cho rằng: Em làm khá tốt, đề có nhiều câu hỏi trong sách giáo khoa. Em chỉ thi để xét tốt nghiệp nên em hài lòng với khoảng 60% các câu hỏi đã làm được.  Còn lại các câu khác em đánh “bừa” hi vọng vớt vát thêm được 1 số điểm.

Ở Thành phố Vinh, Tại điểm thi Trường THPT Lê Viết Thuật, đề Giáo dục Công dân được tất cả thí sinh đánh giá là dễ. Tất cả các đề đều trong chương trình học. Đặc biệt, hầu hết các câu hỏi đều liên quan đến thực tế nên dù không ôn thi nhiều thí sinh vẫn có thể liên hệ để làm bài.

Thí sinh Thành phố Vinh vui vẻ trở về sau môn thi cuối cùng. Ảnh: Mỹ Hà
Thí sinh Thành phố Vinh vui vẻ trở về sau môn thi cuối cùng. Ảnh: Mỹ Hà
Thí sinh điểm thi Trường THPT Lê Viết Thuật hài lòng vì đã hoàn thành kỳ thi THPT Quốc gia 2017. Ảnh: Mỹ Hà
Thí sinh điểm thi Trường THPT Lê Viết Thuật hài lòng vì đã hoàn thành kỳ thi THPT Quốc gia 2017. Ảnh: Mỹ Hà

Riêng đề thi môn Lịch sử, dù rất thích thú với hình thức trắc nghiệm nhưng nhiều thí sinh cho rằng đề khó và dài, có nhiều câu đánh đố. Thí sinh Nguyễn Võ Mai Trinh – Trường Hermann Gmeiner  cho rằng: Đề thi Lịch sử kiến thức dàn trong tất cả các chương, tập trung chính ở Lịch sử Việt Nam. Riêng những câu phân loại, có nhiều câu đưa ra đáp án gần giống nhau khiến cho thí sinh bị “nhiễu”. 

Như vậy, đến thời điểm này, toàn bộ các môn thi của Kỳ thi THPT Quốc gia đã hoàn thành. Thống kê tại cụm thi số 28 của Nghệ An có 58 thí sinh bỏ thi và 3 thí sinh bị đình chỉ thi. Kỳ thi không có sự cố bất thường xảy ra.

Mỹ Hà - Thành Cường - Huy Thư - Đào Thọ - Đình Tuân

TIN LIÊN QUAN

Tin mới