Thầy Văn Như Cương trong ký ức những đồng nghiệp xứ Nghệ

(Baonghean.vn) - Trong quãng đời công tác trong ngành giáo dục, thầy giáo Văn Như Cương có nhiều năm gắn bó với mảnh đất xứ Nghệ, với trường Đại học Vinh. Ở nơi đây, ông có những người học trò, những người bạn đồng nghiệp và cả những năm tháng tươi đẹp...

Nhà giáo Trương Đức Hinh (nguyên quyền Trưởng khoa Sư phạm Toán – ĐH Vinh): "Một người chân thành, một người hào hoa"

Tôi là lứa học trò thuộc lớp đầu tiên của thầy Văn Như Cương tại Trường ĐH Sư phạm Vinh vào những năm cuối cùng của thập niêm 50. Khi ấy cả trường chỉ có hai khoa Toán và Văn, mỗi khoa chỉ có một lớp với khoảng 80 sinh viên và chỉ ít là học sinh phổ thông. Số còn lại là giáo viên cấp II và bộ đội trở về.

Thời điểm về làm giảng viên Trường Đại học Vinh, thầy Cương còn trẻ lắm, chỉ mới 22, 23 tuổi và rất nhiều học trò bằng hoặc hơn tuổi thầy. Cũng vì lý do đó nên giữa thầy và trò hầu như không có khoảng cách. Hàng ngày sau giờ học ở nhà dòng (nay là Bệnh viện Thành phố Vinh) chúng tôi lại ngồi chia sẻ với nhau rất nhiều câu chuyện về gia đình, về cuộc sống.

Tốt nghiệp ra trường, tôi may mắn được giữ lại trường và trở thành đồng nghiệp với thầy Cương trong tổ hình học. Cả bộ môn chỉ có một phòng làm việc duy nhất, mỗi người một bàn, vất vả thiếu thốn vô cùng.  

Dù khó khăn nhưng anh em trong trường khi nào cũng lạc quan. Hạn chế lớn nhất của chúng tôi khi đó là không có tài liệu để nghiên cứu. May nhờ có thầy Cương, chúng tôi được tiếp cận với các tài liệu của Pháp, của Nga và lần nào anh cũng chỉ dẫn chúng tôi rất tận tình.

Sau này, vì hoàn cảnh gia đình, anh chuyển ra Hà Nội công tác nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc, cùng nhau trao đổi chuyên môn, nghiên cứu Toán học.

Thầy giáo Văn Như Cương bên các đồng nghiệp thuộc khoa Toán - Trường Đại học Vinh. Ảnh tư liệu
Thầy giáo Văn Như Cương bên các đồng nghiệp thuộc khoa Toán - Trường Đại học Vinh. Ảnh tư liệu


Trong cuộc sống, thầy Cương đều có biểu hiện “rất hay”. Nhìn bề ngoài trông thầy đĩnh đạc, hơi tây với tóc dài, râu dài, nhưng lại vô cùng hòa đồng, vui vẻ chân thành với học trò, với đàn em trong nghề, và gần gũi với mọi người xung quanh.

Tôi nhớ, những năm Trường ĐH Sư phạm Vinh sơ tán về các vùng quê trong cuộc kháng chiến chống Mỹ như: Nghi Lộc, Yên Thành, Quỳnh Lưu, hay ra tỉnh Thanh Hóa, đến đâu thầy cũng được người dân yêu quý, thích đến để nghe thầy kể những câu chuyện dí dỏm. Thậm chí, có nhiều người chỉ đến tìm gặp gỡ thầy, để “ngắm nghía” một người đàn ông hào hoa như thế”.

Nhà giáo Trần Xuân Sinh, Giảng viên Khoa Toán – Trường Đại học Vinh: Không chỉ dạy kiến thức, thầy còn dạy lối sống, cách đối nhân xử thế

Tôi là sinh viên khóa 5 của Trường Đại học Vinh (1963 – 1966) và may mắn vừa được là sinh viên, vừa được là đồng nghiệp của thầy. Thời chúng tôi khi đó, giữa sinh viên và giảng viên rất thân thiện, cùng đồng cam cộng khổ. Ngày trường sơ tán về Thanh Chương, đường đường là một giảng viên đại học nhưng thầy vẫn xắn quần lội ruộng cùng chúng tôi tăng gia sản xuất.

Thầy giáo Văn Như Cương với học sinh Trường Lương Thế Vinh. Ảnh: tư liệu
Thầy giáo Văn Như Cương với học sinh Trường Lương Thế Vinh. Ảnh tư liệu

Cũng tại Thanh Chương, trong căn lán nhỏ, tôi được học một bài học lớn từ thầy, bài học trở thành châm ngôn, theo tôi cho đến mãi bây giờ. Khi đấy chúng tôi được học bộ môn cơ sở hình học của thầy Cương. Đây là môn học liên quan đến những vấn đề lý luận cơ bản của hình học.

Khi dạy đến chuyên đề Ơ-clit về đường thẳng song song, thầy có nói: Để có một bộ môn hình học mới, cần hệ tiên đề bao gồm độc lập - đầy đủ - phi mâu thuẫn. Từ ba khái niệm cơ bản này, thầy cũng nhắc nhở chúng tôi rằng: Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, các bạn dự định làm việc gì lớn, thì điều kiện ban đầu đặt ra, cũng phải đảm 3 tính chất như trên. Tức là không thừa, không thiếu và không chống lại nhau. Nếu làm tốt điều này, các bạn mới hi vọng tìm được kết quả mới mẻ.

Chúng tôi cũng học được thầy ở tinh thần “tôn sự trọng đạo”, “kính trên nhường dưới”. Với thầy giáo Nguyễn Thúc Hào, người “thầy” và cũng là người đồng nghiệp của thầy Cương, thầy luôn trân trọng, lễ phép. Sau này, dường như năm nào sinh nhật thầy Hào thầy cũng tặng một bài thơ Đường tự làm. 

Thầy giáo Lê Thống Nhất (nguyên giảng viên Khoa Toán - Trường Đại học Vinh): Thầy là "Thầy giáo nhân dân"

Hạnh phúc ngẫu nhiên là tôi cùng quê gốc với thầy: xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Chất "ông đồ xứ Nghệ" vẫn mang nhiều dấu ấn trong cuộc sống của thầy qua nhiều câu chuyện lưu truyền trong xã hội. 

Thầy giáo Lê Thông Nhất và thầy giáo Văn Như Cương trong buổi gặp gỡ cuối cùng. Ảnh: NVCC
Thầy giáo Lê Thông Nhất và thầy giáo Văn Như Cương trong buổi gặp gỡ cuối cùng. Ảnh: NVCC

Các thầy cô và sinh viên trường Đại học Sư phạm Vinh không chỉ biết tới thầy là một giảng viên giỏi, dạy dễ hiểu, thường ví von kiến thức toán với những điều trong cuộc sống mà còn mê giọng hát của thầy. Trên sân bóng chuyền, thầy là một "tay đập" tuyệt vời (mỗi khi đập hỏng là thầy lại cúi xuống và thả hai cánh tay tỏ ra tiếc nuối).

Thầy cũng là người hóm hỉnh. Thời ấy, cái gì cũng phân phối trong đó có thuốc lá. Một lần đi công tác, thầy nghĩ ra một mẹo và bàn với thầy Nguyễn Trọng Tuất (giáo viên môn Nga văn) khi vào một cửa hàng có bán thuốc lá "phân phối". Lúc này, thầy nói tiếng Nga để thầy Tuất dịch lại và giới thiệu: "Đây là chuyên gia Liên Xô sang giúp ta, ông ấy hết thuốc lá dự trữ mà đang đi công tác vào phía Nam. Cô có thể linh động bán cho mấy bao không?". Cô bán hàng tròn mắt và tất nhiên không tiếc gì mà bán ngay cho "ông chuyên gia Liên Xô" hẳn một cây thuốc.

Thầy giáo Trần Trung Hiếu - Giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu: Thầy Cương là một người dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm

Từ những ngày chúng tôi đang học đại học đã biết “tiếng” của thầy Văn Như Cương. Thầy có rất nhiều câu nói nổi tiếng, thể hiện khí phách của một người thầy mà thế hệ chúng tôi đi học, ai cũng nhắc, ai cũng thuộc. Ví như câu nói “thầy giáo – tháo giày – tháo ủng – thủng cả áo – lấy giáo án – dán áo”...

Thầy giáo Trần Trung Hiếu và giáo sư Văn Như Cương tại buổi gặp gỡ các nhà giáo ưu tú do UBND tỉnh tổ chức năm 2013. Ảnh: NVCC
Thầy giáo Trần Trung Hiếu và giáo sư Văn Như Cương tại buổi gặp gỡ các nhà giáo ưu tú do UBND tỉnh tổ chức năm 2013. Ảnh: NVCC

Ở thầy tôi học được nhiều điều. Đáng lẽ với những con người đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, họ phải gạt bỏ đi những vướng bận của cuộc đời, của sự nghiệp để vui với tuổi già, con cháu nhưng thầy vẫn cực kỳ trăn trở với ngành Giáo dục và có những ý kiến thẳng thắn, thể hiện sự bứt phá của thầy về mặt tư tưởng. 

Thầy có nhiều hiến kế đối với đổi mới của ngành giáo dục, thầy đặc biệt trăn trở về vấn đề trường chuyên lớp chọn, tuyển sinh, đổi mới trong thi cử, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình VNEN, đổi mới phương pháp giảng dạy và cách giáo dục đối với thế hệ trẻ.

Thầy Cương qua đời, ngành Giáo dục mất đi một ý kiến phản biện thẳng thắn và có tác động rất lớn đến sự điều chỉnh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thầy Cương là một người dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Mỹ Hà (ghi)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới