Công nghệ giúp chuyên gia tìm thấy xác tàu Titanic

Xác tàu Titanic nổi tiếng được phát hiện một cách tình cờ từ nhiệm vụ bí mật khảo sát hai tàu ngầm hạt nhân bị chìm của quân đội Mỹ.

Xác tàu Titanic được tìm thấy nhờ công nghệ sóng âm. Ảnh: News.com.au.
Xác tàu Titanic được tìm thấy nhờ công nghệ sóng âm. Ảnh: News.com.au.

Nổi danh là con tàu không thể chìm, tàu RMS Titanic đâm vào một tảng băng trôi tháng 4/1912 và biến mất dưới làn nước lạnh lẽo ở Bắc Đại Tây Dương, theo National Geographic. Xác tàu được phát hiện năm 1985 sau khi đắm nhiều thập niên. Trên thực tế, phát hiện về vị trí xác tàu Titanic là kết quả của một chuyến thám hiểm quân sự thời Chiến tranh Lạnh.

Theo Robert Ballard, nhà hải dương học có công tìm thấy tàu Titanic, ông có cuộc gặp với hải quân năm 1982 để xin vốn phát triển công nghệ lặn robot nhằm tìm kiếm con tàu đắm. Lãnh đạo hải quân bày tỏ hứng thú với công nghệ vì họ muốn khảo sát xác hai tàu ngầm hạt nhân bị chìm là USS Thresher và USS Scorpion. Chúng cũng nằm dưới đáy Bắc Đại Tây Dương và quân đội Mỹ muốn biết về số phận của các lò phản ứng hạt nhân cung cấp năng lượng cho tàu. Nhiệm vụ đặt ra là xác định độ an toàn về mặt môi trường khi xả thêm vật liệu hạt nhân xuống đại dương.

Tại thời điểm đó, chỉ huy hải quân nói sau khi nhiệm vụ Thresher và Scorpion hoàn thành, nếu còn thời gian, Ballard có thể sử dụng công nghệ sóng âm tùy ý. Cuối cùng, khi chỉ còn lại 12 ngày, Ballard quyết tâm áp dụng công nghệ mới để tìm kiếm tàu Titanic và cuối cùng đạt được phát hiện đột phá nhờ kiên trì lần theo vệt bụi đất sau đuôi con tàu nổi tiếng.

"Hải quân không ngờ tới tôi sẽ tìm thấy tàu Titanic, vì vậy khi điều đó xảy ra, họ thực sự lo ngại về việc công khai. Nhưng mọi người quá quan tâm tới huyền thoại tàu Titanic tới mức họ không bao giờ để ý những gì liên quan", Ballard nói.

Nhiều đội tìm kiếm đã cất công đi tìm vị trí con tàu nhưng đều trở về tay trắng. Con tàu nằm nguyên dưới đáy biển suốt hơn 7 thập niên cho đến khi Ballard và các đồng nghiệp quốc tế phát hiện xác tàu nhờ công nghệ sóng âm và những robot hoạt động dưới nước.

Công nghệ sóng âm là kỹ thuật dựa vào sự lan truyền của âm thanh để phát hiện các vật thể trên mặt nước, trong lòng nước hoặc dưới đáy nước. Các nhà nghiên cứu thường sử dụng sóng âm quét sườn (side scan sonar) để dò tìm vật thể bị chìm ở biển hoặc sóng âm đo độ sâu (bathymetry) để lập bản đồ địa hình vùng biển, đồng thời xác định tình trạng dưới đáy nước.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Tin mới