Tái bản cuốn sách 'Phan Bội Châu ở Nhật Bản, 1905-1909'

(Baonghean) - Hướng tới kỷ niệm 150 năm ngày sinh chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu (1867-2017), Nhà xuất bản Nghệ An tái bản sách “Phan Bội Châu ở Nhật Bản, 1905-1909”.

Sách được UBND tỉnh Nghệ An đặt hàng, xuất bản lần đầu vào năm 2011. Năm 2012, cuốn sách đã được trao giải Đồng sách Hay - Giải thưởng Sách Việt Nam năm 2012. Năm 2017, cuốn sách tiếp tục mang đến vinh dự cho tác giả Chu Văn Thông, nhận giải Nhất - Giải thưởng Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An.

Bìa sách “Phan Bội Châu ở Nhật Bản, 1905 - 1909”.
Bìa sách “Phan Bội Châu ở Nhật Bản, 1905 - 1909”.

Trong lần tái bản này, cuốn sách “Phan Bội Châu ở Nhật Bản, 1905-1909” vẫn giữ nguyên bố cục gồm 4 chương: Điều kiện để Phan Bội Châu sang Nhật Bản; Phan Bội Châu và cộng sự lên đường cứu nước; Cầu học văn minh - phong trào Đông Du; Phan Bội Châu và mối quan hệ Việt - Nhật.

Biên soạn tác phẩm “Phan Bội Châu ở Nhật Bản, 1905-1909”, tác giả Chu Văn Thông đưa ra nhận xét: “Phan Bội Châu hành xử cách mạng trên đất nước Nhật Bản trong một thời gian không dài, từ 1905-1909. Một quãng đời, theo Cụ Phan là thời gian hoạt động có ý nghĩa nhất trong sự nghiệp cứu nước của mình”.

Là một công trình nghiên cứu độc lập, tác giả đã tiếp thu, đi sâu nghiên cứu và cố gắng khám phá một mảng mới về Phan Bội Châu, một mảng mà xưa nay chưa được chú ý đúng mức, đó là việc xây dựng một nước Việt Nam mới, từ xã hội nông nghiệp cổ truyền chuyển sang một xã hội công nghiệp hiện đại.

Đọc “Phan Bội Châu ở Nhật Bản,1905-1909” ta sẽ thấy tác giả với tư duy mới mẻ, bút pháp đầy sinh lực, mạnh mẽ đã phân tích, đánh giá, làm rõ những luận điểm, những vấn đề cốt yếu liên quan đến các mặt nhận thức vượt lên thời đại của Phan Bội Châu.

Đan xen, xâu chuỗi với nhau giữa từng chương và các tiểu mục nhỏ, tác giả cho rằng Phan Bội Châu là một nhà nho chính hiệu, được học tập sách thánh hiền từ thuở nhỏ, được thấm đẫm tư tưởng Khổng Mạnh từ rất sớm, nhưng Cụ Phan không giống với những nhà nho Việt Nam trước đó và cả cùng thời. Cùng với năm tháng, khi đã có sức vươn nhìn xa hơn, vượt tầm chắn của lũy tre làng, nhìn ra một thế giới đầy mới lạ, Phan Bội Châu đã có một sự thay đổi toàn diện.

Từ là một nhà nho giống như các nhà nho khác, Cụ Phan trở thành nhà hoạt động chính trị. Từ tham gia hoạt động chính trị, Cụ trở thành nhà văn. Nhiều nhà nho cùng thời với Cụ cũng hoạt động chính trị, cũng viết văn nhưng con đường trở thành nhà văn - chính trị của Cụ Phan trải qua nhiều hoàn cảnh cụ thể, độc đáo, qua đó thời đại khắc lại nhiều dấu ấn sâu sắc, làm cho Cụ khác với họ, mà lại tiêu biểu nhất cho họ.

Sự tiêu biểu, khác biệt đó thể hiện ở chỗ, khi gặp Nguyễn Thượng Hiền, tiếp xúc với tân thư, Cụ đã có một tầm nhìn mới, nhìn ra tính tất yếu của tư tưởng dân chủ của thời đại. Khi Cụ gặp Tiểu La Nguyễn Hàm, qua trao đổi, phân tích, đánh giá thời cuộc, Cụ nhìn ra phương hướng tổ chức chính đảng chống Pháp trên quy mô toàn quốc, nó không giống với các mẫu hình trước đó như khởi nghĩa Hương Khê, Yên Thế,…

Tác giả cũng khẳng định rằng, Phan Bội Châu đã đi vào con đường hoạt động cách mạng như một chính khách thuộc phạm trù tư sản. Đó là một thay đổi quan trọng, có tính chất bước ngoặt. Dù có ý tôn Cường Để làm minh chủ, Cụ Phan cũng không đi con đường làm khanh tướng, mà đã thoát ra ngoài quy luật của nhà nho. Từ khi xuất dương trên cương vị lãnh tụ chính đảng, Cụ làm các công việc về ngoại giao, tổ chức tuyên truyền - những công việc hoàn toàn mới mẻ.

Cụ cũng bắt đầu tỉnh ngộ ra rằng, ngoài các yếu tố như: nhân dân bất phân giai cấp, tài chính và khí giới, còn thiếu một cái gì trọng đại, đó là giới lãnh đạo, thành phần trí thức mới thích hợp với thời đại mới. Vấn đề “phục quốc” không phải là vấn đề vũ lực có thể giải quyết được mà trước hết là vấn đề nhân tài, lớp người lãnh đạo hiểu biết thời thế. Tác giả kết luận “hành trình cứu nước của Phan Bội Châu và cộng sự trên đất Nhật Bản suy cho cùng được đúc kết lại với nội dung cơ bản là cầu học văn minh” - đó cũng chính là cốt lõi của phong trào Đông Du.

Tác giả dành thời lượng lớn đề cập đến việc tổ chức phong trào Đông Du, viết tác phẩm cổ động phong trào, về việc phát triển, tan rã của phong trào Đông Du và dành một chương riêng nói về “Phan Bội Châu và mối quan hệ Việt - Nhật”. Trong toàn bộ cuốn sách cũng như ở chương này, tác giả mong muốn được trao đổi, phản biện để làm rõ những nghi vấn, tồn tại dai dẳng hàng chục năm nay trong các nhà khoa học khi đánh giá về Phan Bội Châu.

Những ý kiến đề xuất, tranh luận của tác giả đưa ra đều có sự biện giải, với cách nhìn thực tế và có tính thuyết phục khi nói về những vấn đề còn chưa sáng tỏ. Hy vọng sách “Phan Bội Châu ở Nhật Bản, 1905- 1909” sẽ góp tiếng nói của mình giải mã, minh định những vấn đề còn tồn nghi đó./.

Nguyễn Dương Đức

(Nhà Xuất bản Nghệ An)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới