Cách giải nhiệt lạ thường của gấu túi

Các nhà khoa học rốt cuộc đã phát hiện lí do tại sao loài gấu túi thường ôm cây mỗi khi thời tiết nóng bức. Đó thực chất là một cách giải nhiệt cho cơ thể độc đáo của loài sinh vật này, theo một nghiên cứu mới.
Gấu túi thường ôm thân cây khi thời tiết nắng nóng. Ảnh: Corbis
Gấu túi thường ôm thân cây khi thời tiết nắng nóng. Ảnh: Corbis
Các chuyên gia đến từ Đại học Melbourne (Australia) đã tiến hành tìm hiểu cách loài gấu túi điều phối nhiệt độ của chúng. Đây là một phần của nghiên cứu rộng hơn về ảnh hưởng của khí hậu đối những động vật cư trú trên cạn ở Australia, đất nước vừa trải qua một đợt nắng nóng cực điểm hồi đầu năm nay.
Nhóm nghiên cứu phát hiện, vào mùa đông, các con gấu túi sẽ trèo cao lên cây, gần chỗ ăn lá. Tuy nhiên, vào mùa hè nóng bức, chúng sẽ di chuyển xuống thấp hơn và thậm chí áp chặt cơ thể vào phần thân cây trơ trọi.
Sử dụng các camera nhiệt, nhóm nghiên cứu khám phá ra rằng, hành vi ôm thân cây kỳ lạ của gấu túi thực chất là một cách làm mát cơ thể vô cùng độc đáo của chúng.
Kết quả đo nhiệt độ của các thân cây hé lộ, vào những ngày nắng nóng đến 39 độ C, chúng dịu mát hơn không khí tới 7 độ C. “Đó là lí do tại sao chúng tôi hoài nghi liệu gấu túi có sử dụng cây như công cụ giảm nhiệt hay không”, tiến sĩ Michael Kearney, một thành viên nhóm nghiên cứu giải thích. 
Hình ảnh chụp bằng camera nhiệt hé lộ, phần thân chúng ôm có nhiệt độ thấp nhất trên cây. Ảnh: BBC
Hình ảnh chụp bằng camera nhiệt hé lộ, phần thân chúng ôm có nhiệt độ thấp nhất trên cây. Ảnh: BBC
Ông Kearney đã dùng camera nhiệt để chụp ảnh các con gấu túi vào một ngày đặc biệt nóng. Chùm ảnh thu được đã cho thấy rõ ràng những gì loài sinh vật này đang làm: Các con gấu túi ngồi trên phần mát nhất của thân cây và phần mông của chúng áp chặt vào điểm mát nhất.
Theo tiến sĩ Kearney, các cây to lớn có “vi khí hậu” bảo vệ của riêng chúng. Hệ thống này nhiều khả năng ngày càng quan trọng đối với các sinh vật sống dựa vào cây như gấu túi, nếu nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng lên.
Một nhà nghiên cứu khác, tiến sĩ Justin Welbergen đến từ Đại học James Cook (Australia), nói thêm rằng, các hình ảnh nhiệt đã tiết lộ chính xác cách động vật có thể khai thai hệ thống vi khí hậu mát mẻ hơn ở cây cối., giúp chúng tối đa hóa cơ hội sống sót trong những thời điểm nắng nóng cực điểm.
Nghiên cứu của ông Welbergen từng phát hiện, 45.000 con cáo bay đã chết chỉ trong một ngày cực nóng ở đông nam Queensland. Các đàn cáo bay đã cố gắng đối phó với thời tiết nóng bức cực điểm bằng cách rải nước bọt trên cánh của chúng.
Theo chuyên gia này, ôm cây cũng giúp các con gấu túi tránh sự mất nước tương tự như trên. Hành động này cho phép chúng thải loại bớt nhiệt vào cây và tránh phải thở hổn hển.
Theo Vietnamnet

Tin mới