Giáo dục kỹ năng sống giúp học sinh, sinh viên tự bảo vệ mình

(Baonghean.vn) - Đó là ý kiến được đưa ra tại Hội thảo thực trạng và giải pháp Giáo dục kỹ năng sống trong trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào sáng 12/10.
Các đại biểu phát biểu tham luận chia sẻ về những kinh nghiệm giáo dục kỹ năng sống ở các địa phương. Ảnh: Mỹ Hà
 Tham dự hội thảo có các nhà khoa học, các chuyên gia về giáo dục và đại diện lãnh đạo của gần 40 Sở Giáo dục và Đào tạo trên toàn quốc. Ảnh: Mỹ Hà

Tại hội thảo, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị Công tác học sinh sinh viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Những thành tựu vượt trội trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nền kinh tế tri thức,  đã tạo nhiều cơ hội cho sự phát triển xã hội nói chung, cho công tác giáo dục và đào tạo nói riêng.

Tuy nhiên, các thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội ngày càng nhiều đã tác động tiêu cực đến quá trình học tập, rèn luyện của HSSV; quá trình toàn cầu hóa đã đặt ra nhiều thách thức cho nguồn nhân lực cần có những yêu cầu kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp khắt khe hơn...

Từ thực tế này, giáo dục kỹ năng sống là một trong những biện pháp quan trọng giúp học sinh sinh viên tự bảo vệ mình khi lâm vào hoàn cảnh nguy hiểm; giúp các bạn trẻ làm việc tốt hơn, có khả năng xử lý hiệu quả các tình huống khó khăn trong học tập, cuộc sống...

Ông Bùi Văn Linh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mỹ Hà
Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị Công tác học sinh sinh viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mỹ Hà

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến thời điểm này 100% các Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch/chương trình triển khai công tác giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống trong các nhà trường. Giáo dục kỹ năng sống còn là một nội dung quan trọng trong đổi mới giáo dục phổ thông và là một trong các giải pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện  nhân cách cho HSSV.

Một số kỹ năng sống đã triển khai hiệu quả thông qua các giáo trình giảng dạy trong nhà trường như: Rèn luyện kỹ năng ứng xử hợp lí với các tình huống trong cuộc sống; kỹ năng làm việc sinh hoạt theo nhóm; rèn luyện sức khỏe và ý thức bảo vệ sức khỏe; kỹ năng phòng chống tai nạn giao thông, đuối nước và các tai nạn thương tích; rèn luyện kỹ năng ứng xử văn hóa, chung sống hòa bình, phòng ngừa bạo lực và các tai nạn xã hội....

Giáo dục kỹ năng sống về phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh tiểu học thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà.
Giáo dục kỹ năng sống về phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh tiểu học thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Tuy nhiên, việc giáo dục kỹ năng sống trong các nhà trường đang có những hạn chế như đa phần là lồng ghép, tích hợp các môn học, chưa được xây dựng thành môn học riêng trong chương trình phổ thông nên việc thực hiện chưa thực sự mang lại hiệu quả.

Cơ sở vật chất, thiết bị trong trường học mới chỉ đáp ứng nhu cầu giảng dạy kiến thức cho học sinh, chưa đáp ứng được hoạt động giáo dục kỹ năng sống. Công tác đào tạo, bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên dạy kỹ năng sống gặp khó khăn; hình thức tổ chức kỹ năng sống chưa phong phú linh hoạt, phương pháp hạn chế, chưa triển khai đồng đều ở các trường học, cấp học, kinh phí hạn chế....

Từ thực tế này, tại hội thảo, đại diện của các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học có nhiều bài tham luận chia sẻ về việc thực hiện, kinh nghiệm và những khó khăn bất cập trong quá trình thực hiện giáo dục kỹ năng sống hiện nay. Hội thảo cũng đề xuất những giải pháp nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục kỹ năng sống, góp phần giáo dục toàn diện thế hệ trẻ trong các nhà trường.

Tham luận tại hội thảo, Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: Chương trình giáo dục Kỹ năng sống đã được tổ chức ở 1.500 cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh. Nhưng hiện tại công tác chỉ đạo, quản lý về hoạt động giáo dục kỹ năng sống ở bậc học nào thì do phòng chuyên môn ở bậc học đó tham mưu, triển khai vì vậy sự liên thông và đồng bộ chưa cao, ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động này. Quá trình triển khai đang còn nhiều lúng túng trong việc tổ chức, lựa chọn các hoạt động; việc triển khai dạy mới chỉ đảm bảo được chiều rộng đó là cung cấp thông tin, lý thuyết mà chưa đi vào các tình huống thực tế.

Tin mới