Giáo dục phổ thông: Thừa mà thiếu

GIÁO DỤC PHỔ THÔNG: THỪA MÀ THIẾU

Những ngày này, con gái tôi cũng như các bạn bè lại lúi húi chuẩn bị đồ dùng cho năm học mới. Vẻ mặt con bé có chút háo hức với việc sắp gặp lại bè bạn sau những ngày hè xa cách, nhưng không giấu được đôi chút âu lo khi đứng trước chồng sách vở mẹ vừa mua. Cũng với chồng sách vở như thế, không ít bậc phụ huynh phải thở dài: Hình như quá sức với con mình?

Trở lại với trường lớp, học sinh phổ thông ngoài văn, toán, ngoại ngữ, sẽ phải học giải phẫu động vật, phương trình hóa học, công thức vật lý… Sinh viên đại học sẽ phải nghiên cứu môn đại cương, toán cao cấp, Hán Nôm, ngoài kiến thức chuyên môn.

12 năm học phổ thông + 4 năm học đại học = 16 năm tròn trĩnh = khoảng ¼ cuộc đời là chặng đường để đứa trẻ trở thành thanh niên. Sau chuỗi năm tháng đằng đẵng của lý thuyết chuyên môn ấy, mỗi người sẽ bước vào vòng quay kiếm tiền – đóng thuế thu nhập – trả chi phí cho bản thân, gia đình; càng thăng tiến, càng vất vả, càng trang trải nhiều hơn. Vòng quay ấy kéo dài đến tuổi nghỉ hưu, khi mỗi công chức, viên chức phải sống nhờ vào tiền bảo hiểm, lương hưu; đối mặt với nghịch lý càng coi nhẹ tiền bạc, càng phải chịu đựng áp lực kinh tế.

Học thức trong nhà trường có ý nghĩa gì khi không ít người giàu phấn đấu vươn lên với quan điểm: Muốn giàu thì đừng đến trường? Liệu đó có là hành trang tối cần thiết khi không ít người trong nhóm nhân vật nổi tiếng, ảnh hưởng lớn trên thế giới như Bill Gates, Steve Jobs, Mark Zuckerberg, James Cameron… bỏ học giữa chừng.

Học trong nhà trường là tham gia vào quá trình đào tạo chuyên môn, để sau khi nhận bằng, tìm một công việc ổn định, có lương cao. Đa số các bậc cha mẹ đều khuyên con mình như thế. Để tồn tại và phát triển, xã hội cần những nhà chuyên môn; nhưng để giàu có, tự do, con người cần có sự thông minh tài chính. Trong thời đại thông tin, khi mọi thứ trên thế giới đều diễn ra nhanh với tốc độ kinh hoàng, cơ hội và thách thức biến đổi không ngừng; cuộc đời làm công, nhận lương tưởng là bình yên nhưng đầy bất ổn, cuộc sống kinh doanh, đầu tư tưởng mạo hiểm nhưng chứa đựng sự an toàn.

Nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới Warren Buffett từng đưa ra lời khuyên: “Hãy suy nghĩ cho tương lai lâu dài của mình nếu không muốn gặp rắc rối trong 10, thậm chí là 30 năm sau”. Tương lai lâu dài ấy chính là một kế hoạch tài chính chi tiết cho từng quãng thời gian ngắn của cuộc đời. Mỗi cá nhân tự quản lý bản thân với công cụ là bản báo cáo tài chính, làm rõ thu – chi, tài sản – tiêu sản. Từng ngày nhìn vào bản báo cáo ấy như nhìn vào đơn thuốc để hiểu cơ thể tài chính của mình đang khỏe mạnh hay đang mang bệnh, bệnh nặng đến mức độ nào và cần cứu chữa ra sao. Một kế hoạch tài chính chi tiết cũng chính là chặng đường biến thu nhập tiền lương, thay vì bị tiêu hết từng tháng, thành thu nhập thụ động như bất động sản và thu nhập đầu tư như cổ phiếu. Đó cũng là chặng đường giảm thiểu những thứ đắt đỏ, tăng chi phí, nhưng bị nhầm lẫn là tài sản; tăng nguồn thu.

Câu nói “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh” luôn đúng, nhưng trong thời đại thông tin, mỗi người cần thêm chuyên môn thứ hai – kiến thức tài chính. Mỗi nhân viên vẫn cần trung thành với nơi trả lương cho mình, nhưng đều có thể là nhà đầu tư. Mỗi chủ doanh nghiệp không nên băn khoăn, lo lắng khi biết nhân viên của mình đầu tư ở nơi khác, thậm chí vui mừng vì càng tự do về tài chính, nhân viên càng sáng tạo, cống hiến nhiều hơn.

Ở Việt Nam, không ít đứa trẻ được bố mẹ trang bị kiến thức tài chính duy nhất bằng việc nuôi heo đất. Tất  cả khoản tiền để bỏ ống heo mà các bé có là từ nguồn tiền mừng tuổi. Khi heo đầy thì… số tiền được đưa về túi mẹ, để mẹ chi trả tiền học phí, mua sắm áo quần… Thực tế, đó chỉ là bài học luẩn quẩn, không dành cho tương lai xa. Không ít cô cậu bé tỏ ra thờ ơ với ống heo (vì trước sau gì chả về túi mẹ) hoặc tiêu cực hơn là tìm cách gắp tiền ra khỏi ống heo bởi chỉ khi gắp tiền ra khỏi ống thì số tiền ấy mới được “tự do tài chính”. Nuôi heo đất sao cho hiệu quả, để giúp con có được những bài học tài chính đầu đời tưởng như có vẻ đơn giản nhưng không phải bố mẹ nào cũng biết.

Một số quốc gia phát triển đã nhận rõ tầm quan trọng của kiến thức tài chính và đưa giáo dục tài chính vào từ cấp mầm non. Ở Isreal, trẻ nhỏ được dạy từ sớm cách phân định chi tiêu hàng ngày, từ thiện, tiết kiệm, đầu tư và đóng thuế hợp lý. Kiến thức tài chính không nên chỉ là trường đời, mà là kiến thức chính quy, để mỗi bước chân đến trường háo hức hơn khi phía trước là chân trời rộng mở của tự do và hạnh phúc.