Giáo sư Mỹ đoạt giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh

Giáo sư Peter Zinoman nhận giải Việt Nam học vì những nỗ lực trong việc quảng bá văn học, văn hóa Việt ra thế giới.

Lễ trao giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ chín diễn ra ở TP HCM vào tối 24/3, thu hút sự tham dự của hàng trăm độc giả, nhà nghiên cứu...

Năm nay, ban tổ chức trao 5 giải, trong đó, Giải Việt Nam học được dành cho Giáo sư Peter Zinoman vì những đóng góp xuất sắc của ông trong sự nghiệp nghiên cứu, quảng bá Văn học hiện đại Việt Nam.

Giáo sư Peter Zinoman và vợ

Giáo sư Peter Zinoman và vợ - bà Nguyễn Nguyệt Cầm. Ảnh: UCBerkeley News.

Giáo sư - Tiến sĩ Peter Zinoman nghiên cứu, giảng dạy bộ môn Lịch sử và môn Nghiên cứu Nam Á - Đông Nam Á tại Đại học California, Berkeley, Mỹ. Ông là đồng sáng lập và nguyên là Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam (The Journal of Vietnamese Studies). Ông là tác giả cuốn sách Nhà tù thực dân (The Colonial Bastille: A History of Imprisonment in Vietnam, 1862-1940, Berkeley: University of California Press, 2001). Giáo sư còn nổi tiếng với việc dịch tiểu thuyết Số đỏ (tên tiếng Anh là Dumb Luck) của nhà văn Vũ Trọng Phụng sang tiếng Anh. Lĩnh vực nghiên cứu của ông bao gồm lịch sử văn hóa, xã hội, chính trị của Việt Nam cận đại, cùng lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ 20.

Do đang bận công tác và giảng dạy ở Mỹ, Giáo sư Zinoman không thể có mặt ở lễ trao giải. Ông gửi đến ban tổ chức một video chia sẻ niềm vinh dự khi được trao giải.

giao-su-my-doat-giai-thuong-van-hoa-phan-chau-trinh-1

Bìa tiểu thuyết "Số đỏ" bản tiếng Anh của Vũ Trọng Phụng.

Giáo sư Mỹ chia sẻ ông may mắn được học với nhiều thầy cô giáo tài giỏi, truyền cảm hứng cho ông rất nhiều ở Đại học Tufts (Boston, Mỹ), Trường Đông Phương Học và Châu Phi Học ở London (Anh), và Đại học Cornell ở Ithaca, tiểu bang New York (Mỹ). Các nghiên cứu cũng như nền tảng học thuật của ông được định hình bởi các đồng nghiệp trong giới hàn lâm. Đó là gồm các nhà nghiên cứu Đông Nam Á Học ở Đại học Cornell, và sau này là một nhóm nhiều học giả về Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới.

"Tôi may mắn thiết lập được quan hệ thân thiết với các sử gia như Phan Huy Lê và Phạm Quang Minh khi nghiên cứu về lịch sử nhà tù thuộc địa ở Việt Nam, rồi với các cố học giả Hoàng Ngọc Hiến và Văn Tâm, cũng như với các nhà nghiên cứu phê bình văn học như Trần Hữu Tá, Nguyễn Đăng Mạnh, Lại Nguyên Ân và Phạm Xuân Nguyên trong quá trình nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng", ông Zinoman nói.

Giáo sư không quên nói lời cảm ơn người vợ Việt Nam của ông - bà Nguyễn Nguyệt Cầm. Với ông, bà là cộng tác viên gần gũi nhất và là một nhà nghiên cứu văn chương, một dịch giả tài năng. "Tôi không thể kể hết được những đóng góp của cô ấy cho các nghiên cứu của mình", ông bày tỏ.

Giáo sư Peter Zinoman gia nhập ngành Việt Nam Học vào giữa thập niên 1980, thời điểm ngành này vừa bắt đầu phát triển, và bước vào giai đoạn bền vững đầu tiên kể từ Thế Chiến thứ hai. Ông thuộc thế hệ học giả Mỹ đầu tiên được theo đuổi nghiên cứu về Việt Nam mà không phải chịu áp lực từ các cuộc nội chiến, cách mạng xã hội và xung đột quốc tế.

giao-su-my-doat-giai-thuong-van-hoa-phan-chau-trinh-2

Nhà văn Nguyên Ngọc (trái) trao giải Phan Châu Trinh năm nay. Từ phải qua: nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Ngọc Lanh, Giáo sư Đào Hữu Dũng, Giáo sư Pierre Darriulat và người đại diện nhận giải của Giáo sư Peter Zinoman.

Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh mang tên nhà văn hóa lỗi lạc Phan Châu Trinh (1872 - 1926). Quỹ này được thành lập với sứ mệnh "Góp phần phục hưng, du nhập, khởi phát, gìn giữ và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa nhằm phục vụ công cuộc canh tân văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 21". Quỹ trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, do một nhóm các trí thức tâm huyết với văn hóa của nước nhà thành lập. Việc trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh hàng năm là một trong những hoạt động văn hóa quan trọng của Quỹ nhằm vinh danh các cá nhân xuất sắc đã và đang có những nỗ lực không mệt mỏi cho sự nghiệp canh tân văn hóa và giáo dục Việt Nam.

Tại buổi lễ trao giải lần thứ chín, trước phần công bố kết quả, ban tổ chức và hàng trăm khách mời đã đứng dậy dành phút mặc niệm tưởng nhớ nhà nghiên cứu sử học Tạ Chí Đại Trường - nhận giải Phan Châu Trinh vào năm 2014 và Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê - nhận giải năm 2012. Ông Tạ Chí Đại Trường qua đời tại nhà riêng ở TP HCM vào sáng 24/3 sau một thời gian dài nằm bệnh. Còn Giáo sư Trần Văn Khê qua đời vào tháng 6/2015.

Các nhân vật nhận giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ chín - 2016:

- Giáo sư Trịnh Xuân Thuận được trao giải "Vì sự nghiệp Văn hóa - Giáo dục". Ông có những tác phẩm phổ biến kiến thức thiên văn học hiện đại dưới hình thức văn chương đã được dịch sang tiếng Việt. Do đang sống và giảng dạy ở nước ngoài, ông gửi video diễn từ về ban tổ chức đêm trao giải.

- Giáo sư Pierre Darriulat được trao giải "Vì sự nghiệp Văn hóa - Giáo dục" cho những đóng góp tâm huyết và sâu sắc ở chính sách phát triển Giáo dục Đại học Việt Nam.

- Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Lanh được trao giải "Nghiên cứu" vì những công trình độc đáo trong một số lĩnh vực lịch sử và văn hóa Việt Nam

- Giáo sư Đào Hữu Dũng (bút hiệu: Nguyễn Nam Trân) được trao giải "Dịch thuật" vì những công trình dịch thuật các tác phẩm lịch sử và văn hóa nổi tiếng của Nhật Bản sang tiếng Việt.

- Giáo sư Peter Zinoman được trao giải "Việt Nam học" vì những đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp nghiên cứu và quảng bá văn học hiện đại Việt Nam.

Ngoài 5 giải thưởng này, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh còn tôn vinh danh nhân văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh trong dự án "Tôn vinh văn hóa Việt Nam thời hiện đại". Nguyễn Văn Vĩnh là nhà báo, nhà văn, nhà chính trị Việt Nam đầu thế kỷ 20.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Tin mới