Giáo sư Ngô Văn Hoàng: Những đóng góp cho vùng đất Phủ Quỳ

(Baonghean) - Ngày 24/6/2013, giáo sư Ngô Văn Hoàng đã về cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 94 tuổi. Cả cuộc đời ông cống hiến cho sự nghiệp khoa học, đặc biệt là sự phát triển ngành cà phê, cao su Việt Nam.

Ông tốt nghiệp Trường Canh nông Đông Dương năm 1944, theo cách mạng từ năm 1945, đồng hành với 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đến ngày thống nhất đất nước. Phú Yên là nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng hơn nửa cuộc đời, sức trẻ và trí tuệ, ông lại gắn bó với miền Tây Nghệ An. Ông để lại nhiều dấu ấn trong giới làm khoa học về lĩnh vực nông nghiệp trên vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ giàu có.

Năm 1946, Ngô Văn Hoàng là thành viên của Bộ Canh nông được Chính phủ giao vào tiếp quản các đồn điền của người Pháp bỏ chạy để lập ra Doanh điền quốc gia Phủ Quỳ, tiền thân của hàng chục nông trường quốc doanh sau này. Nhiệm vụ của doanh điền lúc đó là tổ chức quản lý, phục hồi và khai thác các vườn cà phê bị bỏ hoang.

Tại đây, có một thời gian ông tham gia giảng dạy Trường Trung cấp Canh nông Liên khu 4 (cũ) sơ tán từ Huế ra, tại đồi Yên Tâm thuộc Nông trường Đông Hiếu. Ông có 4 năm công tác tại vùng tả ngạn sông Ngàn Trươi, Hà Tĩnh với cương vị là Giám đốc Doanh điền quốc gia Ngàn Trươi, vốn là một đồn điền cũ của người Pháp lập ra năm 1910.

Trước yêu cầu phát triển của ngành cà phê, ông trở ra Phủ Quỳ làm Phó Giám đốc Nông trường Tây Hiếu những năm đầu xây dựng. Miền Bắc bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển, ông nhận ra, Phủ Quỳ cần có một cơ quan để nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế. Nhân dịp đoàn chuyên gia của nước Cộng hòa dân chủ Đức (cũ) đến làm việc, ông bày tỏ ý tưởng thành lập một Viện Cây nhiệt đới và được các chuyên gia ủng hộ. Nhưng trong điều kiện thời bấy giờ, Nhà nước chỉ cho thành lập Trạm Thí nghiệm cây nhiệt đới Tây Hiếu, ông được giao làm giám đốc đầu tiên. Tại đây, với tầm hiểu biết và nhìn xa của mình, ông đã đề xuất nhiều công trình nghiên cứu về cây lâu năm không chỉ là cà phê, cao su mà còn nhiều cây trồng nhiệt đới khác như cây cọ dầu, cây ăn quả, hồ tiêu, chuối…

Với cây cà phê, theo Yves Henry, tác giả cuốn “Kinh tế nông nghiệp Đông Dương” thì cây cà phê được đưa vào trồng ở nước ta đầu tiên tại Quảng Bình và Quảng Trị. Từ căn cứ đó, ngay sau khi thành lập trạm, giáo sư Ngô Văn Hoàng đã trực tiếp kiếm tìm lại những cây cà phê chè bị bỏ quên, trở thành hoang dại tại nhà thờ Sen Bàng, Bố Trạch, Quảng Bình, thu thập làm thực liệu cho đề tài nghiên cứu về cải tiến giống cà phê chè do ông chủ trì. Bằng cách đó, những năm 1960-1961, ông đã dẫn các cán bộ kỹ thuật của Trạm Tây Hiếu lăn lộn đến những đồn điền cũ trồng cà phê từ Tiên Sinh, Nai Sinh (Phủ Quỳ), Vực Rồng, Hạ Sưu (Tân Kỳ), Phúc Do (Thanh Hóa), Ghềnh, Hữu Viện (Ninh Bình), Chi Nê (Hà Nam) rồi lên cả Tuyên Quang, Phú Thọ…, nguồn gen cà phê chè ở miền Bắc cũng bắt đầu từ đó.

Tiếp theo là cuộc khảo sát tìm lại những cây cao su búp đa do người Pháp đưa vào trồng thử năm 1911 tại Đồng Cụ, Bến Hới thuộc Tân Kỳ ngày nay, cho đến năm 1961 còn lại khoảng chục cây. Với cây cao su, giáo sư Ngô Văn Hoàng cho rằng, dù điều kiện sinh thái của Nghệ An so với miền Đông Nam bộ là không bằng, nhưng tiềm năng để phát triển cao su không chỉ ở Nghệ An mà cả vùng Bắc Trung bộ là rất lớn. Ông từng nói “ngoài các huyện vùng Tây Bắc của tỉnh ra thì từ Tây Nam Thanh Chương qua sông Ngàn Phố, Ngàn Trươi của Hà Tĩnh, nối với vùng Chu Lễ, Đồng Lễ của Quảng Bình, tiếp giáp vùng bán sơn địa Quảng Trị, Thừa Thiên, có thể nói, chưa có một cây trồng nào sáng giá hơn, bền vững hơn cây cao su”.

Từ những thông tin về những cây còn lại ở Phủ Quỳ, với những cây sở từ xa xưa được trồng trên núi dọc bờ biển từ Quỳnh Lập ra Hải Thanh tỉnh Thanh Hóa, giáo sư Ngô Văn Hoàng tổ chức đoàn, tiến hành khảo sát. Kết quả, đã phát hiện nhiều cây sở ở Phủ Quỳ và những gốc sở cổ thụ còn lại trên núi đá sa thạch của dãy Rú Xước. Từ đây, một ý tưởng về dự án phát triển cây dầu sở ở Nghệ An hình thành, được gửi đến Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực. Sau đó, ông đề xuất với tỉnh xây dựng Trạm Cây đặc sản Quỳnh Châu, Quỳnh Lưu cũng bắt đầu từ cây sở.

Theo lý giải của ông, từ vùng đất nghèo được hình thành trên đá mẹ sa thạch, cây sở sẽ chiếm lĩnh các vùng đất cằn dọc trung du Thanh Nghệ Tĩnh. Theo ông, người dân Nghệ An có điều kiện để tự túc dầu ăn thực vật từ cây sở, loại cây rất dễ phát triển. Vốn đam mê cây sở, nên ngày về làm việc ở Viện Cao su, ông vẫn nuôi hy vọng loài cây này sẽ được phát triển, nhất là sau chuyến khảo sát vùng sở nguyên sản tại Cam Lộ, Quảng Trị cùng với Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn và Cục Khuyến nông. Ông bắt đầu soạn thảo chương trình về phát triển cây sở ở Việt Nam bằng việc thu thập nguồn gen trong nước và các giống nhập từ Trung Quốc. Cũng thời gian đó, ông rất mừng khi thấy VTV3 đưa tin Nghệ An bắt đầu kế hoạch trồng 15.000ha sở.

Những năm bom đạn ác liệt vùng Khu 4, gian khổ là thế, nhưng dù ở nơi sơ tán của Trạm Thí nghiệm Tây Hiếu, hay dưới túp lán tre nứa bên con suối cạn ở Quỳnh Châu, đêm đêm giáo sư Ngô Văn Hoàng vẫn miệt mài bên bàn làm việc, dưới ngọn đèn dầu với những đề tài khoa học, những dự định khi nước nhà thống nhất. Nhiều cán bộ trưởng thành trở thành những giáo sư, tiến sĩ khoa học, nhà quản lý từ tổng giám đốc, cục trưởng, viện trưởng… đều nhớ đến công lao dìu dắt của người thầy, giáo sư Ngô Văn Hoàng. Ông cũng đã có một nhiệm kỳ là đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An.

Những năm cuối đời, sống cùng gia đình ở xã Suối Tre, Long Khánh, Đồng Nai, nhưng vẫn mong có dịp trở ra miền Bắc, thăm lại vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ, đến những vùng cao su mới của Nghệ An, chứng kiến sự đổi thay của quê hương thứ 2, nơi ông đã để lại nhiều dấu ấn sâu nặng.

Lê Đình Định

Tin mới