Giáo viên cắm bản: Chuyện bây giờ! – Kỳ III: Những người ở lại

Năm 1987, cô giáo Phan Thị Huyền vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ Tĩnh. Cầm tấm bằng tốt nghiệp khoa Toán trên tay, lẽ thường chị có rất nhiều điều kiện để về công tác tại quê nhà. Tuy nhiên, khi đó bố chị vốn là hiệu trưởng, mẹ chị là giáo viên đã động viên con lên miền núi cao công tác theo “diện nghĩa vụ để có thể đóng góp cho các huyện vùng cao”… Chị lên đường về huyện Con Cuông với ý định ban đầu sẽ đi 2 – 3 năm rồi về.

Cô giáo Phan Thị Huyền và các học trò Trường THCS Trà Lân 2.
Cô giáo Phan Thị Huyền và các học trò Trường THCS Trà Lân 2.

Vậy mà, chuyến “lên non” dạy chữ ấy kéo dài cho đến nay, tròn 35 năm và chỉ một thời gian ngắn nữa cô giáo Phan Thị Huyền sẽ về hưu theo chế độ. Nhớ lại những ngày mới lên công tác tại xã Lục Dạ, một trong những xã xa xôi của huyện Con Cuông, theo cô giáo Huyền là “vô vàn khó khăn”. Hơn thế, việc dạy học ở nơi “rừng sâu nước độc” cũng khác hơn nhiều so với hình dung của một nữ sinh trường sư phạm vốn sinh ra ở vùng thuận lợi: “Trường chúng tôi ngày ấy tranh tre nứa lá, mỗi lớp học có khi chỉ có 2 – 3 học sinh và các em đều là học sinh người dân tộc thiểu số. Để vận động học sinh đi học, chúng tôi phải vào từng bản thuyết phục bằng mọi cách để các em đến trường…”, cô giáo Huyền nói.

Trong những ngày khó khăn ấy, cô giáo Huyền cũng đã từng “bỏ về xuôi mấy lần”, nhưng về đến nhà, nhớ trường lớp, nhớ học trò lại lặn lội bắt xe quay ngược trở lại. Những ngày gắn bó với học sinh Con Cuông, chị cũng nhận ra khoảng cách giáo dục “rất là xa” giữa học sinh vùng miền núi và khu vực đồng bằng. Đó cũng là một trong những lý do chị dành nhiều tâm huyết cho vùng đất này và kiên trì với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Nói thêm về điều này, cô giáo Phan Thị Huyền kể thêm: Những năm 90, việc thi học sinh giỏi tỉnh được chia thành 3 bảng và huyện Con Cuông nằm ở bảng C – những huyện miền núi cao. Nhưng rồi, giải cao nhất cũng chỉ có giải khuyến khích. Chất lượng dạy học quả thực còn rất nhiều hạn chế.

Sau này, nhờ năng lực của mình, cô giáo Phan Thị Huyền được chuyển sang dạy trường thị trấn và sau đó được chuyển về Trường THCS Trà Lân – trường điểm của huyện. Tại ngôi trường mới này, dù áp lực về chất lượng giáo dục là rất lớn nhưng với chuyên môn vững, sự tận tâm, tận tụy, trách nhiệm với nghề, chị luôn được ban giám hiệu, các đồng nghiệp và phụ huynh tin tưởng. Bản thân chị cũng tự nhủ phải nỗ lực, cố gắng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ. Thành quả của chị cũng ngày được khẳng định khi ban đầu chỉ có vài học sinh đạt giải Khuyến khích môn Toán thì bây giờ năm nào dường như chị cũng có học sinh giỏi tỉnh với nhiều giải Nhất, giải Nhì. Học sinh của Trường Trà Lân, có những năm đứng vào tốp đầu lớp chuyên Toán – Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, nhiều thế hệ học sinh của chị nay đã làm giáo viên, kỹ sư, bác sỹ, có người hiện đang là giáo viên trường chuyên của tỉnh.

Cô giáo Phan Thị Huyền và các học trò Trường THCS Trà Lân.
Cô giáo Phan Thị Huyền và các học trò Trường THCS Trà Lân.

Kể về hành trình 35 năm lên vùng cao dạy chữ, cô Huyền cũng tâm sự rằng không hối tiếc dù rằng lứa sinh viên “tình nguyện” năm đó của lớp chị nay chỉ còn hy hữu một vài người ở lại với mảnh đất Con Cuông. Có lên vùng cao, gắn bó với bà con dân bản, với phụ huynh, với chính quyền sở tại chị mới có thể nhận ra sự thay đổi tích cực của vùng đất này. Trong đó, rõ rệt nhất chính là sự thay đổi trong nhận thức về sự học và quan tâm đến công tác giáo dục. Con Cuông hiện nay, cũng là một trong những điểm sáng về giáo dục vùng cao và nhiều năm liên tục nằm trong top 3 cả tỉnh về cả thành tích mũi nhọn và chất lượng đại trà. Thành công có được đó, một phần không nhỏ nhờ vào những giáo viên “ngược núi” lên dạy học như cô giáo Phan Thị Huyền.

Thầy giáo Phạm Xuân Quang vốn sinh ra tại xã Trù Sơn, huyện Đô Lương. Nhưng từ sau năm 1994, kể từ khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Miền núi và được cử về công tác tại huyện Quế Phong, thầy Quang được phụ huynh, học sinh ở đây xem là người bản địa.

Những trang chữ Mông thầy Quang tự học và tự ghi chép lại.
Những trang chữ Mông thầy Quang tự học và tự ghi chép lại.

Một trong những lý do chính bởi hiện nay thầy giáo Phạm Xuân Quang là một trong những người công tác kỳ cựu nhất ở huyện Quế Phong. Thầy có thể nói tiếng dân tộc Mông như người bản địa và có đến gần 20 năm công tác tại Trường Tiểu học Tri Lễ 4 – ngôi trường đặc thù đóng ở nơi xa xôi nhất của huyện Quế Phong và chỉ có mỗi giáo viên nam. Kể về điều này, thầy giáo Quang nói: “Trường Tri Lễ 4, đóng ở bản Mường Lống là nơi sinh sống của bà con người Mông. Để có thể dạy bà con ở đây, tôi phải bắt đầu học tiếng Mông bằng cách mỗi từ ngữ, mỗi câu thoại, tôi đều phải ghi vào cuốn sổ nhỏ và thường xuyên đọc đi, đọc lại. Ngoài công việc dạy học, thì tôi còn được giao nhiệm vụ thực hiện công tác dân vận. Do đồng bào Mông nên có nhiều phong tục riêng. Vì vậy để họ hiểu và dễ chia sẻ thì chúng tôi phải có cách tiếp cận và nói để họ hiểu họ tin”.

Qua nhiều năm công tác, thầy giáo Quang cũng đã được tín nhiệm làm lãnh đạo từ năm 2001 và nay thầy làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiền Phong 4. Không chỉ thầy, giờ gia đình thầy cũng chuyển lên Quế Phong và an cư lạc nghiệp ở vùng đất còn nhiều vất vả này. Thầy Quang tâm sự: Để lý giải vì sao tôi lại gắn bó với mảnh đất này lâu như vậy cũng bởi, khi lên đây công tác được gần gũi với bà con nên dần cũng yêu đồng bào ở đây. Ngoài ra, tôi nhận thấy rằng, với công sức, sự tâm huyết của mình và các đồng nghiệp đã làm thay đổi được nhận thức của bà con. Người dân ở đây đã biết chữ vì thế họ hiểu biết hơn và từ đó làm cho cuộc sống ngày một phát triển. Càng sống với đồng bào họ càng yêu quý mình, đùm bọc mình nên cảm thấy đây như quê hương thứ hai.

Thầy giáo Phạm Xuân Quang - Trường Tiểu học Tiền Phong 4 - Quế Phong.
Thầy giáo Phạm Xuân Quang - Trường Tiểu học Tiền Phong 4 - Quế Phong.

Việc giáo viên thuyên chuyển về xuôi được lý giải với nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, số giáo viên ở lại và nguyện gắn bó với sự nghiệp giáo dục vùng cao không ít. Để giáo viên yên tâm gắn bó với nghề, trong khả năng của mình, chính quyền địa phương và ngành Giáo dục cũng đã cố gắng để không phụ lòng cô thầy.

Nhìn lại 40 năm gắn bó với sự nghiệp vùng cao, thầy giáo Nguyễn Thế Hiền (sinh năm 1962) – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Bắc Lý (Kỳ Sơn) đúc kết lại ba điều “được”. Trong đó điều được lớn nhất mà thầy xúc động, trân trọng khiến thầy ở lại với mảnh đất này chính là “tình cảm của bà con, của phụ huynh học sinh, của người dân thôn bản”: Chúng tôi lên đây có những khi cơm chẳng có ăn, nhà chẳng có ngủ, bà con dân bản nuôi thầy trong nhà “xôi đó, cơm đó” xem như người thân trong gia đình – thầy giáo Hiền nhớ lại.

Trước đó, năm 1983, sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn – Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ Tĩnh, thầy giáo Hiền là sinh viên tự nguyện xin lên công tác tại trường vùng cao Kỳ Sơn. Quyết định của thầy khi đó được thầy Phó phòng Tổ chức cán bộ của Trường Sư phạm (vốn là đồng hương quê Thanh Chương với thầy) bảo là “chưa thấy ai như mi”. Bố mẹ thầy thấy con trai lên vùng cao thì lo lắm bởi “Kỳ Sơn xa lắm con, giáp với nước bạn Lào”. Hăm hở lên vùng cao, thầy Hiền cũng chưa hiểu khó khăn, vất vả là gì. Chỉ biết, mỗi lần lên Kỳ Sơn là thầy và các đồng nghiệp phải “cơm đùm cơm nắm”, chầu chực ở bến xe Vinh 5 ngày mới có xe lên trường…

Thầy giáo Nguyễn Thế Hiền (giữa) và các đồng nghiệp.
Thầy giáo Nguyễn Thế Hiền (giữa) và các đồng nghiệp.

Là một trong những lứa sinh viên đầu tiên lên với huyện vùng cao Kỳ Sơn nên thầy giáo Hiền cũng đã được chứng kiến sự đổi thay vượt bậc của vùng đất này. Riêng thầy, dù gặp nhiều gian khó, thiếu thốn, vất vả nhưng đây là mảnh đất giúp thầy được “thăng hoa” với nghề và sớm được đồng nghiệp và chính quyền địa phương ghi nhận: Tôi lên công tác hai năm thì Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn tổ chức thi giáo viên dạy giỏi của huyện và tôi được động viên đi thi. Bài giảng của tôi năm ấy được đánh giá cao và sau đó được tiếp tục đi thi giáo viên dạy giỏi tỉnh và trở thành giáo viên đầu tiên của huyện Kỳ Sơn đạt danh hiệu này. Công tác đến năm thứ 3 thì tôi được bổ nhiệm làm Hiệu phó Trường cấp II thị trấn và 1 năm sau thì lên làm Hiệu trưởng Trường cấp II Tà Cạ. Trong lứa sinh viên mới tốt nghiệp năm đó, ít có sinh viên nào được bổ nhiệm hiệu trưởng nhanh như vậy.

Sau khi được bổ nhiệm hiệu trưởng, thầy giáo Hiền có nhiều cơ hội khác để phát triển như về làm chuyên viên phòng giáo dục, Chủ tịch Công đoàn ngành của huyện rồi Phó Chánh văn phòng UBND huyện. Thậm chí cuối những năm 90 thầy còn được điều về công tác tại Liên đoàn Lao động tỉnh. Tuy nhiên, với tình yêu nghề, nghĩa sâu nặng với giáo dục vùng cao thầy đã trở lại và gắn bó cho đến nay và trở thành thầy Hiệu trưởng “kỳ cựu” nhất của huyện nhà. 40 năm xa nhà, xa quê, xa vợ con và nay vẫn đang sống cảnh “nhà tập thể, cơm tập đoàn”, nhưng thầy giáo Hiền không thấy ân hận bởi như thầy nói “ở đây tôi được dạy chữ, được chung sức cùng đồng đội, đồng chí và chứng kiến sự trưởng thành và tiến bộ của học trò”.

Thầy giáo Thái Văn Thành với học sinh bán trú của xã Mỹ Lý - Kỳ Sơn.
Thầy giáo Thái Văn Thành với học sinh bán trú của xã Mỹ Lý - Kỳ Sơn.

Kỳ Sơn là huyện miền núi 30a, khó khăn và xa xôi nhất của tỉnh Nghệ An. Những năm qua, vì nhiều lý do khác nhau (chủ yếu là vì hoàn cảnh gia đình), có không ít giáo viên về xuôi nhưng số ở lại cũng không ít. Ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết: Trong điều kiện hiện nay, việc có chính sách riêng cho giáo viên lên tăng cường vùng cao là điều ngoài quy định. Tuy nhiên, trong điều kiện của địa phương chúng tôi luôn cố gắng để tạo điều kiện tốt nhất cho các thầy cô giáo phát triển chuyên môn, cải thiện đời sống như thuyên chuyển các giáo viên về vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn để tăng thêm tiền lương, tiền hỗ trợ vùng đặc thù. Những giáo viên có năng lực, có chuyên môn được cử tham gia các kỳ thi giáo viên dạy giỏi, được bổ sung vào lực lượng cốt cán của phòng của tỉnh. Hiện tại, trong số 82 trường học trên toàn huyện thì có khoảng 65% trường có giáo viên vùng xuôi lên đang là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng ở các nhà trường.

Để các giáo viên yên tâm công tác, trong những năm qua những giáo viên lên công tác tại vùng cao được các địa phương quan tâm như thực hiện đúng, đủ các chế độ chính sách, ưu tiên tuyển dụng vào viên chức, tạo cơ hội cho các giáo viên đi học tập, nâng cao trình độ, tham gia các kỳ thi giáo viên dạy giỏi tỉnh. Hiện nay, hầu hết các trường học có giáo viên vùng cao lên công tác đều có nhà công vụ cho giáo viên. Những giáo viên có gia đình riêng, khi cắm bản ở vùng sâu, vùng xa được chính quyền địa phương tạo điều kiện để mượn đất dựng nhà, sớm ổn định cuộc sống. Nhiều năm liên tục, ngành Giáo dục Nghệ An đều tôn vinh các giáo viên cắm bản và nhiều giáo viên được nhận danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc. Trong danh sách nhà giáo ưu tú, danh sách giáo viên được trao thưởng “Quỹ phát triển tài năng” có nhiều giáo viên đến từ các huyện vùng cao.

Trong những năm gần đây, để rút ngắn khoảng cách giữa miền ngược và miền xuôi, nhiều chính sách ưu tiên đã được thực hiện cho giáo dục vùng cao như tăng cường cơ sở vật chất, xóa trường tranh tre dột nát. Toàn tỉnh hiện đã có 55 trường phổ thông dân tộc bán trú, 8 trường phổ thông dân tộc nội trú và điều đó không chỉ giúp học sinh mà giáo viên cũng ổn định được việc dạy và học, tăng thu nhập.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành kiểm tra một điểm trường lẻ tại huyện Tương Dương.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành kiểm tra một điểm trường lẻ tại huyện Tương Dương.

Đưa ra ý kiến của mình về vấn đề này, thầy Nguyễn Thanh Bình – Hiệu trưởng Trường THCS Tiền Phong – Quế Phong nói thêm: Để giáo viên yên tâm công tác, Nhà nước phải đảm bảo tốt các chế độ cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên công tác vùng núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Bên cạnh đó, trong công tác luân chuyển cần quan tâm đến nguyện vọng của giáo viên công tác lâu năm ở vùng sâu, vùng xa ra vùng thuận lợi. Ngược lại, người ở vùng thuận lợi thời gian dài cần thông cảm, chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp mình; nhận nhiệm vụ ở vùng khó khăn công tác.

(Còn nữa)