Giáo viên cắm bản: Chuyện bây giờ! – Kỳ II: Hiện hữu “khoảng trống” giáo dục vùng cao

Cô giáo La Mỹ Linh – Trường Tiểu học Lượng Minh là một trong những giáo viên gần đây nhất của huyện Tương Dương đã quyết định viết đơn xin thôi việc để gửi UBND, Phòng Nội vụ và Phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện. Tuy nhiên, ngay sau khi nghỉ việc, chị đã xin được công tác tại một địa phương khác và chấp nhận bắt đầu lại từ đầu. Trước đó, chị cũng đã đề đạt nguyện vọng xin thuyên chuyển nhưng không thành. Nhưng vì hoàn cảnh “chồng xa nhà, con cái gửi ông bà ngoại già yếu không có ai chăm sóc”, nên chị đành chấp nhận thôi việc để được gần gia đình.

Lớp học của Trường Tiểu học Đọoc Mạy - Kỳ Sơn.
Lớp học của Trường Tiểu học Đọoc Mạy - Kỳ Sơn.

Quyết định xin thôi việc để được về công tác tại Trường Tiểu học Thanh Mỹ (Thanh Chương) của cô giáo Trịnh Thị Tuyết (nguyên là giáo viên Tin học ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tam Hợp – Tương Dương) với mức lương giảm một nửa so với tại ngôi trường chị từng công tác gần 6 năm vốn nằm ở khu vực biên giới, đặc biệt khó khăn và lại là trường bán trú đặc thù nên có thu nhập cao…

Kể lại về lá đơn xin thôi việc để chuyển về xuôi, cô giáo Tuyết nói “là điều bất đắc dĩ”. Thế nhưng vì sau nhiều lần viết đơn xin thuyên chuyển và bị từ chối, chị buộc phải chấp nhận phương án này: “Trong hoàn cảnh của tôi khi đó, tôi không có lựa chọn nào tốt hơn. Bởi lẽ, lúc ấy mẹ tôi ốm nặng, bị bệnh hiểm nghèo. Gia đình tôi có hai con nhưng vì chồng công tác tại Kỳ Sơn, nên đứa đầu 3 tuổi phải gửi ông bà. Có lẽ vì thiếu sự chăm sóc của bố mẹ nên cháu bị suy dinh dưỡng. Đứa con thứ 2 mới sinh được mấy tháng tôi phải đưa lên trường ở cùng. Hàng ngày tôi đi dạy và phải thuê một người bản địa chăm sóc cháu vì còn quá nhỏ”.

Cửa hàng tạp hóa của cô giáo huyện Quế Phong sau khi chuyển nghề.
Cửa hàng tạp hóa của cô giáo huyện Quế Phong sau khi chuyển nghề.

Tại huyện Quế Phong, có một trường hợp cá biệt khi cả hai vợ chồng cùng viết đơn xin nghỉ việc, đó là cô giáo Lê Thị Thu Hiền và thầy giáo Nguyễn Đình Trung. Cả hai vốn là giáo viên môn Tiếng Anh của Trường THCS Cắm Muộn.

Nói về quá trình gần 20 năm lên công tác vùng cao, cô Hiền nói rằng đã thấm thía mọi nỗi vất vả khi phải qua nhiều trường, nhiều địa bàn khác nhau. Thời mới lên công tác, lương của anh chị mỗi người cũng chỉ được 516.000 đồng, nhưng phải trừ nhiều khoản phụ phí. Có khi, để thuê một chuyến xe lai từ trường ra đến trung tâm huyện phải mất 80.000 đồng. Để tiết kiệm mỗi lần muốn về quê, hoặc muốn xuống trung tâm có việc gì anh em giáo viên ở đây thường phải chịu khó cuốc bộ.

Do điều kiện kinh tế khó khăn nên, chị Hiền và chồng mở cửa hàng tạp hoá từ năm 2010. Qua quá trình buôn bán thuận lợi đời sống trở nên khá giả và nghề phụ trở thành nghề chính. Bận rộn “chân trong, chân ngoài”, sợ không đảm bảo chất lượng giảng dạy, hai vợ chồng đã quyết định xin nghỉ việc để về quản lý cửa hàng. Chị Hiền cũng nói rằng, quyết định xin nghỉ việc hai vợ chồng cũng suy nghĩ và khóc rất nhiều bởi “Chúng tôi cũng đắn đo lắm, bởi mất mấy năm học sư phạm, rồi lên đây cống hiến dạy học gần 2 chục năm, nên nghỉ cũng rất tiếc…). 1 năm trước khi nghỉ, vợ chồng chị Hiền cũng đã có ý định xin không dạy học nữa, nhưng do trường thiếu giáo viên dạy Tiếng Anh nên cả hai cố gắng ở lại để giúp trường, giúp các em học sinh trước khi trường được bổ sung giáo viên mới.

Từ khoảng 5 năm trở lại đây, toàn huyện Tương Dương đã có khoảng 50 giáo viên xin thuyên chuyển về xuôi, trong đó nhiều nhất là chuyển về Vinh và tập trung nhiều là giáo viên tiểu học, mầm non hoặc là giáo viên các môn như Tiếng Anh, Tin học. Trong số này, có nhiều người đã là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các nhà trường. Để giữ chân giáo viên, huyện đã sử dụng các biện pháp như vận động, ưu tiên thuyên chuyển ra vùng thuận lợi, nhưng số giáo viên có nguyện vọng được thuyên chuyển vẫn không giảm. Từ năm ngoái, trước tình trạng giáo viên chuyển nhiều, lại thiếu giáo viên, huyện Tương Dương quyết định không đồng ý thuyên chuyển nếu không có những lý do đặc biệt. Tuy nhiên, giải pháp này dường như vẫn không hiệu quả vì theo thống kê của Phòng Nội vụ huyện đến nay đã có thêm 37 giáo viên xin thôi việc để được chuyển công tác.

Học sinh bán trú ở Kỳ Sơn.
Học sinh bán trú ở Kỳ Sơn.

Quá trình “níu giữ” giáo viên của huyện Tương Dương dù được xem là vì sự nghiệp giáo dục của huyện nhà nhưng trên thực tế cũng để lại nhiều ý kiến trái chiều. Thậm chí nhiều giáo viên nói rằng “việc thuyên chuyển giáo viên là quyền lợi của giáo viên và nếu không cho thuyên chuyển là không đúng theo các quy định”. Về vấn đề này, ông Lô Thanh Nhất – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho rằng: Việc thuyên chuyển là nhu cầu của mỗi cá nhân, nhưng việc giáo viên thuyên chuyển quá nhiều sẽ khiến cho giáo dục huyện nhà “vỡ trận”…

Vấn đề thuyên chuyển giáo viên miền xuôi cũng đã từng được huyện Kỳ Sơn trăn trở trong nhiều năm để vừa “hợp lý, hợp tình”. Đó là lý do vì sao trong nhiều năm liên tục, huyện Kỳ Sơn đều khảo sát và đề nghị các giáo viên viết đơn có nguyện vọng thuyên chuyển. Tuy nhiên, trước tình trạng giáo viên về quá đông, từ năm học vừa rồi đến nay, huyện Kỳ Sơn không tiến hành khảo sát và chỉ ký quyết định thuyên chuyển đối với những giáo viên đã có quyết định tiếp nhận của địa phương khác.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để giáo viên ổn định, yên tâm công tác, về lâu dài các địa phương cần có phương án để đào tạo tại chỗ và tuyển dụng giáo viên là người bản địa. Mặc dù vậy, phương án này trong thời điểm này là khó phù hợp vì chưa có khảo sát đầy đủ về đội ngũ giáo viên và chưa có cơ chế để khuyến khích hoặc có chính sách thu hút giáo viên người bản địa về dạy học tại sở tại. Vì vậy, nếu làm không khéo hoặc không có sự tính toán căn cơ dễ dàng xảy ra hiện tượng thừa sinh viên cử tuyển tại các huyện miền núi như những năm trước.

Năm học mới đã gần kề nhưng thầy giáo Trần Hữu Trường – Trường Tiểu học Đọoc Mạy (Kỳ Sơn) vẫn chưa yên tâm bởi trường có đến 3 điểm lẻ, 14 lớp nhưng cho đến thời điểm này nhà trường chỉ mới có 13 giáo viên. Số lượng giáo viên chưa đủ để làm chủ nhiệm chứ chưa nói đến đủ để đứng lớp theo quy định. Sự bất thường này bắt đầu từ giữa năm học trước vì cùng một lúc nhà trường có 5 giáo viên cùng xin thuyên chuyển về xuôi. Trong khi đó, việc tuyển dụng giáo viên chính thức (chưa nói đến giáo viên hợp đồng) ở đây là bất khả thi vì không có nguồn tuyển dụng và nhiều giáo viên e ngại khi nhắc đến Đoọc Mạy – một trong những trường nằm ở vùng biên giới, nơi khó khăn, xa xôi nhất của huyện Kỳ Sơn, có 100% học sinh là người dân tộc Mông.

Một hoạt động ngoại khóa của học sinh Thạch Giám - Tương Dương.
Một hoạt động ngoại khóa của học sinh Thạch Giám - Tương Dương.

Trên toàn huyện Kỳ Sơn, hiện theo thống kê đang thiếu 44 giáo viên mầm non, 56 giáo viên tiểu học và thừa thiếu cục bộ ở giáo viên THCS. Riêng môn Tiếng Anh và Tin học thì thiếu rất nhiều bởi toàn huyện có 33 trường tiểu học nhưng chỉ có 14 giáo viên Tiếng Anh và 4 giáo viên Tin học. Ở cấp THCS, toàn huyện có 19 trường nhưng cũng chỉ có 4 giáo viên tin học. Ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết: Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, thời gian qua huyện Kỳ Sơn đã tiến hành sáp nhập trường lớp, đưa học sinh từ điểm lẻ về điểm trường chính, tổ chức học bán trú tiểu học, THCS với mong muốn các em học tập trung sẽ có điều kiện để học Tiếng Anh và Tin học. Nhưng với thực tế này, chúng tôi chưa biết tìm đâu ra giáo viên để dạy cho học trò.

Tình trạng thiếu giáo viên cũng diễn ra ở huyện Quế Phong, đặc biệt là bộ môn đặc thù. Khó khăn như nhân lên gấp đôi, khi vài năm trở lại đây có ít nhất 6 giáo viên ngoại ngữ đã xin chuyển về xuôi. Nói thêm về điều này, thầy giáo Nguyễn Đức Toàn – Phó Trưởng Phòng Giáo dục huyện Quế Phong tiếc nuối: Bây giờ có nhiều địa phương ở dưới xuôi có nhu cầu tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ, giáo viên tiểu học với nhiều chính sách thu hút. Mỗi một giáo viên rời đi, là trường và ngành giáo dục “trống” hẳn, đã yếu còn thiếu… Chúng tôi cũng rất muốn giữ lại nhưng đây là nguyện vọng chính đáng của giáo viên, muốn giữ cũng không giữ được.

Những lớp học ghép của học sinh Trường Tiểu học Mai Sơn (Tương Dương).
Những lớp học ghép của học sinh Trường Tiểu học Mai Sơn (Tương Dương).

Cũng theo tổng hợp của Phòng Giáo dục và Đào tạo Quế Phong, đến nay đội ngũ giáo viên của huyện đều chưa đủ so với nhu cầu. Trong đó, giáo viên Tiếng Anh đang thiếu với cả bậc tiểu học và THCS. Với giáo viên Tin học ở bậc tiểu học cũng đang thiếu thầm trọng và Phòng có phương án cử đi bồi dưỡng theo yêu cầu của Sở nhưng chưa đến nay vẫn chưa được đi học. Trong tình thế này, trong năm học 2023 – 2024, phương án tạm thời, trước mắt là cho giáo viên Tin học bậc THCS dạy các tiết Tin học bậc tiểu học. Giáo viên Tiếng Anh thì động viên giáo viên dạy vượt giờ… Khó khăn này cũng chưa biết khi nào để được tháo gỡ vì mỗi lần huyện ưu tiên tuyển 5-6 chỉ tiêu giáo viên Tiếng Anh thì chỉ có 1-2 hồ sơ nạp và tuyển không đủ người. Thậm chí, huyện đã thông báo tuyển dụng rộng rãi, liên lạc với phòng Đào tạo Trường Đại học Vinh để xin danh sách sinh viên tốt nghiệp sư phạm ngoại ngữ, điện thoại cho từng sinh viên xem có nhu cầu lên Quế Phong công tác hay không. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn không cao, sinh viên không có nguyện vọng lên công tác ở địa phương.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại huyện Quỳ Châu khi từ năm ngoái đến nay huyện có 3 giáo viên Tiếng Anh xin chuyển trường vào Nam hoặc về xuôi (một người về Vinh, một người về xuôi) và đều là giáo viên biên chế lâu năm, có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy. Bà Nguyễn Thị Bình – Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Vì thiếu giáo viên nên năm ngoái chúng tôi phải biệt phái, bố trí giáo viên THCS xuống dạy cho giáo viên tiểu học, không bố trí chủ nhiệm lớp cho giáo viên Tiếng Anh để các giáo viên tăng giờ đứng lớp. Năm nay, đã khó về chương trình giảng dạy vì tất cả học sinh lớp 3 đều phải học hai môn bắt buộc là Tiếng Anh và Tin học, lại thiếu giáo viên nên chưa biết tính thế nào. Riêng bậc tiểu học, chúng tôi phải có 35 giáo viên tiếng Anh mới phủ hết các trường nhưng chúng tôi chỉ có 18 giáo viên.

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Mường Nọc (Quế Phong).
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Mường Nọc (Quế Phong).

Trước thực tế trên, thời gian qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳ Châu cũng đã gấp rút phối hợp phòng Nội vụ phải tuyển được giáo viên nhưng khó là không có giáo viên mà tuyển. Trước đó, năm 2021, huyện đưa ra chỉ tiêu tuyển 8 giáo viên Tiếng Anh mà chỉ có 3 hồ sơ nạp…