Giáo viên được dùng những hình thức kỷ luật nào với học sinh?

Trong khi những quy định mới về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông vẫn đang nằm trong dự thảo, nhà trường có thể áp dụng những biện pháp kỷ luật nào với học sinh?

Sau khi có những ý kiến về mức kỷ luật với học sinh, mới đây, Trường THPT Giồng Ông Tố (Quận 2, TP.HCM) đã quyết định giảm mức phạt với 2 nam sinh có hành vi quay lén trong nhà vệ sinh nữ. Cụ thể, từ việc bị đình chỉ học 1 năm, 2 học sinh này chỉ bị đình chỉ 2 tuần, xếp loại hạnh kiểm yếu trong học kỳ 1 của năm học 2020 - 2021.

Một vụ việc khác gây tranh cãi hơn là vụ nữ sinh N.T.N.Y (học sinh lớp 10A4, Trường THPT Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang) nghi tự tử trong nhà vệ sinh sau khi bị nêu tên dưới cờ, phải cấm túc hằng ngày trong vòng 2 tuần...

Giáo viên có thể phạt học sinh như thế nào?

Vậy, nếu vi phạm kỷ luật, học sinh sẽ bị phạt như thế nào?

Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ GD&ĐT hoàn tất thời gian lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo (lần 2) Thông tư Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo Dự thảo, nhà trường xem xét thực hiện các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực hoặc áp dụng các hình thức kỷ luật khác (khiển trách; cảnh cáo; tạm dừng học tập trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng với học sinh vi phạm). Quy định nêu tên học sinh vi phạm kỷ luật dưới cờ bị bãi bỏ.

Trong khi quy định mới về khen thưởng và kỷ luật học sinh chưa được ban hành, các trường trung học vẫn có thể bám sát các quy định hiện hành để áp dụng, cụ thể là theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT do Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Nữ sinh nghi tự tử ở An Giang: "Em tìm cái chết để chứng minh mình không sai".
Nữ sinh nghi tự tử ở An Giang: "Em tìm cái chết để chứng minh mình không sai".
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/11. Theo đó, các hành vi học sinh trung học không được làm bao gồm: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác; Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh; Mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác và pháo, các chất gây cháy nổ; Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép; Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng; Sử dụng, trao đổi sản phẩm văn hóa có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; Sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân.
Học sinh không được vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.
Cũng theo thông tư này, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau: Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm; Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Giáo viên cũng không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.
Những biện pháp “ngoài lề”
Tuy nhiên, đã từ lâu, ngoài các biện pháp kỷ luật có tên chính thức trong các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số giáo viên đã tự nghĩ ra nhiều hình thức khác nhau.
Trên một nhóm diễn đàn của hàng nghìn giáo viên, quản trị trang đã từng tổng hợp và chia sẻ với cộng đồng hàng loạt hình thức xử phạt:
“- Học sinh nói chuyện riêng nhiều lần, làm phiền các bạn xung quanh => phạt ngồi riêng lên đầu lớp trong vài ngày.
- Học sinh đánh nhau => Phạt lao động/trực nhật cùng nhau.
- Học sinh không làm bài cũ => Phạt học thuộc và giảng bài lại cho cả lớp.
- Học sinh mất trật tự ảnh hưởng đến lớp học => Phạt xin lỗi từng người trong lớp.
- Học sinh chửi bậy => Phạt đứng cúi đầu xin lỗi 20 lần.
- Học sinh xúc phạm giáo viên => Mời phụ huynh lên làm việc và khen ngợi trước, sau đó mới nói về vấn đề giáo viên bị xúc phạm. Học sinh tự xấu hổ và chủ động xin lỗi thầy cô (tâm phục khẩu phục).
- Học sinh bị điểm kém => Phạt chép bài nhiều lần.
- Học sinh trốn học đi chơi game => Phạt trực nhật đầu và sau giờ học, chép bài cũ đã trốn.
- Học sinh chửi bố mẹ => Phạt viết thư cảm ơn bố mẹ.
- Học sinh hiếu động, nô nghịch (tiểu học) => Phạt đứng góc lớp”.
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Mai Sơn (Tương Dương). Ảnh tư liệu M.H
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Mai Sơn (Tương Dương). Ảnh tư liệu M.H
Tuy nhiên, các ý kiến bình luận cũng rất đa chiều, có ủng hộ và có cả phản đối.
Ví dụ như hình thức phạt ngồi riêng lên đầu lớp hay phạt đứng xó, ý kiến ủng hộ thì cho rằng khi học sinh bị ngồi một mình sẽ thấy ngại mà sửa đổi. Nhưng ý kiến khác phân tích rằng nếu cho ngồi riêng hay đứng xó mà học sinh đó vẫn nghịch thì càng thu hút sự chú ý của cả lớp, cả lớp sẽ mất tập trung. Rồi sau đó vẫn nghịch thì giáo viên sẽ phải làm gì?
Hay hình thức phạt chép bài nhiều lần được cho rằng tác dụng không lớn. Hình thức phạt lao động, trực nhật, phạt xin lỗi… nhiều giáo viên nhận định ít tác dụng, học sinh chỉ làm đối phó cho xong việc…
Chia sẻ áp lực với giáo viên, phụ huynh Nguyễn Văn Sơn (TP.HCM) nhìn nhận những biện pháp nói trên chỉ có hiệu quả với các em học sinh vốn ngoan nhưng lỡ vi phạm.
“Còn những học sinh ngỗ nghịch, bị coi là cá biệt rồi thì bắt chép phạt hay xin lỗi cũng vô ích. Các em đã dám xúc phạm bố mẹ, thầy cô thì mấy việc như bắt viết thư xin lỗi liệu có khiến các em thật tâm hối cải?”.

Tin mới