Giáo viên Nghệ An đến từng nhà giao bài tập, giảng bài cho học sinh trong mùa dịch

(Baonghean.vn) - Việc làm ý nghĩa này đang được những giáo viên thuộc các trường ở vùng khó, vùng sâu, vùng xa của Nghệ An triển khai và đã phần nào giúp học sinh được ôn tập thường xuyên và bổ trợ kiến thức trong kỳ nghỉ dài ngày để phòng chống bệnh Covid - 19

Mất một buổi sáng thứ 3, cô giáo Đặng Thị Minh Như - Giáo viên chủ nhiệm lớp 3A và cũng là tổ trưởng tổ 1,2,3 của Trường Tiểu học Liên Thành (Yên Thành) mới đến đủ nhà của 35 học sinh trong lớp. Lẽ ra, thời gian để hoàn thành cũng có thể sớm hơn nhưng đến nhà học sinh nào chị cũng nán lại để hỏi han những công việc học sinh đã làm trong thời gian nghỉ học. Ngoài ra, nhiệm vụ quan trọng hơn là giao bài cho học sinh và trong khi học sinh xem qua đề chị sẽ ôn thêm bài cho các em và giải đáp những thắc mắc nếu học sinh và phụ huynh yêu cầu.

_Giáo viên ở huyện Yên Thành đến phụ đạo cho học sinh ở các gia đình. Ảnh: PV
Giáo viên ở huyện Yên Thành đến phụ đạo cho học sinh ở các gia đình. Ảnh: PV

Trong quãng đời đi dạy của cô giáo Đặng Thị Minh Như, việc học sinh phải nghỉ học dài ngày là một điều hy hữu và chưa từng xảy ra. Chính vì thế, sau kỳ nghỉ thứ nhất (1 tuần) đến kỳ nghỉ thứ hai (2 tuần), chị và nhiều giáo viên khác trong trường hết sức lo lắng. Trước đó, ở kỳ nghỉ đầu tiên, chị cũng đã giao bài tập cho học sinh trên lớp và yêu cầu học sinh làm hết các sách bổ trợ ở nhà như sách bài tập, sách thực hành. Tuy nhiên, việc học sinh phải kéo dài kỳ nghỉ là điều các chị chưa lường trước.

Để học sinh không bị gián đoạn, các giáo viên  đã cập nhật những bài tập mới lên trang cá nhân của mình. Nhưng với đặc thù của một trường thuộc vùng nông thôn, phụ huynh đa phần còn khó khăn, chưa có điều kiện để tiếp cận các công nghệ hiện đại thì việc theo dõi và chia sẻ bài tập cho học sinh gặp rất nhiều hạn chế.

Nói thêm về điều này, cô giáo Đặng Thị Minh Như cho biết: Sau kỳ nghỉ tết nửa tháng học sinh đã trở lại lớp trong tình trạng ngơ ngác và để lấy lại tâm thế cho học sinh rất vất vả. Nay các em nghỉ thêm  tuần nữa, chúng tôi xem đây như kỳ nghỉ hè thứ 2 và nếu không đốc thúc việc học cho các em thì ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả học tập... Trong khi đó,  nếu ra bài tập cho học sinh qua các mạng như Zalo, Facebook thì chỉ có khoảng 40% phụ huynh tiếp cận được.

Việc đến từng nhà học sinh giao bài tập là nỗ lực cố gắng của giáo viên vùng cao để chống tái mù chữ. Ảnh: PV
Việc đến từng nhà học sinh giao bài tập là nỗ lực cố gắng của giáo viên vùng cao để chống tái mù chữ. Ảnh: PV

Thực trạng này cũng là tình trạng chung của nhiều lớp khác ở Trường Tiểu học Liên Thành. Chính vì thế, cuối tuần trước sau khi có quyết định nghỉ học của Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban giám hiệu nhà trường đã họp toàn bộ giáo viên và yêu cầu mỗi giáo viên phải tự xây dựng một chương trình ôn tập. Cuối cùng các tổ chuyên môn sẽ họp lại và chọn một bài ôn tập chuẩn, phô tô copy thành nhiều bản và sau đó phân công giáo viên chủ nhiệm trực tiếp đến từng nhà để gửi bài tập về nhà cho học sinh. Các bài tập được ra theo 4 mức độ từ đơn giản đến khó để mỗi học sinh đều có thể làm bài theo khả năng của mình. Những bài toán khó, phụ huynh và học sinh có thể trao đổi trực tiếp với giáo viên.

Nói thêm về quá trình thực hiện, cô giáo Trần Thị Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liên Thành cho biết: Trường chúng tôi có 17 lớp với gần 550 học sinh. Đến thời điểm này, đa phần học sinh đều đã nhận được bài tập ở nhà từ giáo viên với nhiều hình thức khác nhau. Nhưng, do đặc thù ở vùng nông thôn nên hầu hết giáo viên đều đến từng nhà để giao bài cho học sinh và nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của các gia đình.

Tại huyện Tương Dương, từ cuối tuần trước, Phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện đã có chỉ đạo khá ráo riết về việc tổ chức ôn tập cho học sinh ở các nhà trường trong thời điểm phòng chống dịch. Bên cạnh đó với đặc thù của huyện miền núi cao, điều kiện người dân còn nhiều khó khăn nên bên cạnh dạy học thì Phòng cũng đã khuyến khích các trường đưa ra các giải pháp riêng để học sinh có thể vui chơi lành mạnh ở nhà. Dù thời gian triển khai khá gấp nhưng chỉ sau vài ngày phát động, hiệu quả đã mang lại rõ rệt ở tất cả các nhà trường.

Giáo viên Trường Tiểu học Tam Quang (Tương Dương) đưa sách báo đến cho học sinh. Ảnh: PV.
Giáo viên Trường Tiểu học Tam Quang (Tương Dương) đưa sách báo đến cho học sinh. Ảnh: PV.

Nói về kết quả, bà Võ Tuyết Chinh - Phó phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện cho biết: Mặc dù địa bàn của huyện Tương Dương đi lại rất khó khăn, cách trở nhưng hưởng ứng chỉ đạo  của phòng, các trường đã chỉ đạo giáo viên đến từng bản để ra bài tập và chữa bài cho các em. Nhiều trường giáo viên còn mang theo sách truyện và các sách tham khảo để học sinh có sách đọc thêm ở nhà, tránh tình trạng đi chơi, khó phòng tránh dịch.

Trong đợt nghỉ dài này, huyện Tương Dương và nhiều huyện vùng núi cao khác cũng lo lắng đó là học sinh sẽ tái mù chữ (đặc biệt là với học sinh lớp 1). Thế nên dù học sinh không đến trường nhưng các trường cũng đặt ra mục tiêu vừa “chống dịch” nhưng cũng “chống mù chữ”.

Dù nghỉ học nhưng việc ôn tập vẫn được các nhà trường duy trì cho học sinh. Ảnh: PV
Dù nghỉ học nhưng việc ôn tập vẫn được các nhà trường duy trì cho học sinh. Ảnh: PV

Trong đó giải pháp thiết thực nhất của các thầy cô là “đi từng nhà, rà từng đối tượng” để phụ đạo bồi dưỡng thêm cho học sinh. Thầy giáo Kha Văn Thông - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nga My nói thêm: Trường chúng tôi có 5 điểm trường, nơi xa nhất cách trung tâm xã tới 20 km đường rừng. Trong những ngày này, để học sinh không quên sách vở, chúng tôi cắt cử nhau cứ 3 ngày sẽ xuống từng bản để giao bài tập và chữa bài cho học sinh. Một số giáo viên còn tự nguyện cắm bản 24/24h và thường xuyên sâu sát bài vở để học sinh không quên bài.

Kỳ nghỉ “thứ 2” trong năm học để phòng chống Covid -19 đang có thể sẽ kéo dài. Và, những nỗ lực của các thầy giáo, cô giáo đã phần nào giúp phụ huynh, học sinh yên tâm vượt qua mùa dịch.

Tin mới