Giáo viên Nghệ An 'giải mã' đề thi môn Tổ hợp Khoa học xã hội

(Baonghean.vn) - Môn thi tổ hợp Khoa học xã hội là môn thi cuối cùng của Kỳ thi THPT Quốc gia. Đây cũng là môn thi quan trọng để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Giáo dục công dân: Học sinh dễ có điểm ở những tình huống pháp luật xảy ra trong thực tế.

Đánh giá về đề thi môn Giáo dục công dân, cô giáo Lê Thị Thanh Hương - Giáo viên Trường THPT Lê Viết Thuật cho biết: Đề thi năm nay sát với kiến thức cơ bản và thực tế cuộc sống, vừa sức với học sinh và khá hay.

Thí sinh bước vào môn thi cuối cùng Tổ hợp Khoa học xã hội. Ảnh: Hồ Phương
 Thí sinh bước vào môn thi cuối cùng Tổ hợp Khoa học xã hội. Ảnh: Hồ Phương

Trong đó, câu lý thuyết bám sát kiến thức cơ bản về pháp luật. Đề cũng có nhiều câu hỏi yêu cầu học sinh những tình huống pháp luật xảy ra trong thực tế. Qua đó, chỉ cần học sinh thấy được cái đúng, cái sai trong pháp luật là các em có thể làm được.

Những câu hỏi khó tập trung vào những câu cuối của đề và chủ yếu là các bài tập vận dụng. Muốn làm tốt, đòi hỏi học sinh phải đọc nhanh, đọc kỹ. Thế nên, muốn chính xác thì phải chọn câu trả lời trọng tâm, đúng ý và suy luận logic để tránh nhầm lẫn.

Rất nhiều câu hỏi trong môn thi này có thể suy luận từ kiến thức thực tế. Ảnh: Hồ Phương
Rất nhiều câu hỏi trong môn thi này có thể suy luận từ kiến thức thực tế. Ảnh: Hồ Phương

Cô giáo Thanh Hương cho rằng: Với đề này học sinh được 7 - 8 điểm khá nhiều.

Địa lý: Sử dụng “công cụ” hỗ trợ học sinh đã đạt điểm trung bình

Cô giáo Nguyễn Thị Hà Phương - Giáo viên Trường THPT Nguyễn Trường Tộ - huyện Hưng Nguyên đánh giá đề Địa lý bám sát ma trận đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tương ứng với đề minh họa.

So với năm trước, đề năm nay có mức độ nhẹ nhàng hơn, không đánh đố học sinh. Đề thi cũng bám sát chương trình sách giáo khoa, chủ yếu trong chương trình lớp 12. Lớp 11 chỉ ra đề về các nước Đông Nam Á và khá gần gũi với học sinh.

Các thí sinh trao đổi lại bài thi sau môn thi cuối cùng. Ành: Đức Anh
Các thí sinh trao đổi lại bài thi sau môn thi cuối cùng. Ành: Đức Anh

Tất cả các kiến thức đều nằm trong chương trình ôn tập cho học sinh. Các dạng câu hỏi trong đề các em cũng đã được rèn luyện, thử sức nhiều lần ở các đề thi thử. Vì vậy, đề thi này cơ bản không làm khó thí sinh.

Với học sinh trung bình, các em được tạo điều kiện ở phần sử dụng Atlat, biểu đồ, số liệu. Đây là những câu ở mức độ nhận biết, có công cụ trợ giúp để học sinh ghi điểm, từ câu 1 đến câu thứ 15. Về sau các câu có mức độ phân hóa, vận dụng dần. Nhưng chỉ có một vài câu cuối nhằm phân hóa học sinh, xoáy chủ yếu vào các vùng kinh tế, ngành nổi bật của một vùng kinh tế.

Môn thi tổ hợp được nhiều thí sinh lựa chọn để xét tốt nghiệp. Ảnh: Đức Anh
Môn thi tổ hợp được nhiều thí sinh lựa chọn để xét tốt nghiệp. Ảnh: Đức Anh

Những câu này học sinh không biết phân tích, tư duy nắm vững kiến thức thì sẽ đánh bừa, khó đúng vì đáp án tương đương nhau.

Lịch sử: Thí sinh sẽ dễ sai ở những câu hỏi so sánh

Qua phân tích đề, cô giáo Bùi Bích Hậu –  giáo viênTrường THPT chuyên Phan Bội Châu đánh giá: Trước hết, phải khẳng định đề thi môn Lịch sử đúng với ma trận đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT. Kiến thức phủ đều trong chương trình học.

Đối với mã đề 315, trong khoảng từ câu 1 đến câu 28 là những câu nhận biết để học sinh trung bình, mục đích thi xét tốt nghiệp có thể làm được.

Bắt đầu từ câu 29 là các câu hỏi có tính vận dụng và mức độ khó hơn. Vì thế để đạt 7 - 8 điểm những học sinh khối C, có ôn tập và nắm kiến thức đầy đủ có thể làm được.

Các thí sinh tham dự Kỳ thi THPT Quốc gia. Ảnh: Hồ Phương
Các thí sinh tham dự Kỳ thi THPT Quốc gia. Ảnh: Hồ Phương

Trong đề, có 4 câu cuối có tính gây nhiễu với mức độ khó bằng hoặc hơn đề năm ngoái. Đây là những câu hỏi có hàm lượng kiến thức cao, học sinh phải phân tích, vận dụng, sử dụng kiến thức bên ngoài mới có thể làm được.

Cô Hậu cũng cho biết, ngay sau khi thi xong, học sinh của cô đã gọi điện thông báo và đã có một số em khẳng định được trên 9 điểm. Tuy nhiên, các em này lại không làm sai ở những câu hỏi có tính gây nhiễu, mà bị “vấp” ở câu hỏi dạng so sánh.

Những câu hỏi dạng này có khá nhiều trong đề, khoảng hơn 10 câu, so sánh giữa 2 -3 kiến thức hoặc vùng kiến thức với nhau. Cách hỏi cũng mới lạ hơn so với bình thường các em được ôn tập. Năm ngoái các câu hỏi có đáp án gây nhiễu nhiều hơn. Dạng đề so sánh này nếu  học sinh không tỉnh táo sẽ dễ bị nhầm lẫn và làm sai.

Sau khi thi xong môn thi cuối cùng, khoảng cuối tháng 7 thí sinh sẽ biết điểm. Ảnh Hồ Phương
Sau khi thi xong môn thi cuối cùng, khoảng cuối tháng 7 thí sinh sẽ biết điểm. Ảnh Hồ Phương

Ví dụ, như câu so sánh Cách mạng tháng 8 với Cách mạng tháng 10, bình thường giáo viên hay cho học sinh so sánh cách mạng tháng 2 với cách mạng tháng 10.

Hay như câu so sánh căn cứ của Cách mạng tháng 8 với hậu phương của kháng chiến chống Pháp, bình thường học sinh hay được so sánh giữa hậu phương kháng chiến chống Pháp với chống Mỹ.

 So sánh giai đoạn cách mạng 1939 – 1945, đường lối lãnh đạo của Đảng cộng sản  Đông Dương khắc phục được hạn chế gì trong Luận cương chính trị tháng 10/1930. Thông thường, chúng ta so sánh các giai đoạn cách mạng với nhau, hoặc so sánh luận cương với cương lĩnh, hội nghị Đảng… Việc so sánh như trong đề là giữa 2 vùng kiến thức rộng, các đáp án gợi ý khác với hàng ngày học sinh được học.

Kết thúc Kỳ thi THPT Quốc gia, toàn tỉnh Nghệ An chỉ có 1 thí sinh vi phạm quy chế thi. Ảnh: Đức Anh
Kết thúc Kỳ thi THPT Quốc gia, toàn tỉnh Nghệ An chỉ có 1 thí sinh vi phạm quy chế thi. Ảnh: Đức Anh

Vì vậy, học sinh bình tĩnh, nhanh nhẹn thì mới  chọn được đáp án đúng. Những câu hỏi này không có đáp án gây nhiễu, nhưng phải có cái đầu “tỉnh”, nếu không sẽ dễ đánh bừa, hên xui.

Ngoài ra, cô giáo Bích Hậu cũng tin rằng với đề thi này sẽ có học sinh đạt được điểm 10.

Tin mới