Giáo viên Nghệ An nhận xét về đề thi THPT môn Ngữ văn

(Baonghean.vn) - Đề thi môn Ngữ văn dẫu không trúng tủ với nhiều thí sinh nhưng đây vẫn là đề thi được đánh giá cao và có tính phân loại.

Cô giáo Nguyễn Thị Lam Thủy – Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn là giáo viên đã có nhiều năm kinh nghiệm dạy lớp 12 với nhiều học sinh được điểm cao. Nhận xét về đề thi năm nay, cô cho rằng: Đề thi môn Ngữ văn tôi thấy nhẹ nhàng. Ban đầu đọc đề thi có thể không đúng như dự đoán vì năm ngoái đã đi thơ và nhiều cháu dự đoán năm nay thi văn xuôi. Nói vậy, nhưng điều này không quan trọng vì chúng tôi không dạy học sinh học tủ và trong những bài thơ thì bài thơ “Sóng” luôn được đặt ở vị trí đầu tiên, không quá khó với học sinh.

Ngữ văn là môn thi đầu tiên tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Đức Anh
Ngữ văn là môn thi đầu tiên tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Đức Anh

Với đề thi năm nay, cô giáo Nguyễn Thị Lam Thủy cũng cho rằng: Đề đọc hiểu và phần thi nghị luận xã hội có phần ngữ liệu hay. Trong đó, câu hỏi đọc, hiểu không chú trọng vào kiến thức Tiếng Việt thông thường mà chú trọng về nhận thức văn bản để tìm kiếm thông tin. Do đó, với đề này các thí sinh có thể  tìm ngay câu trả lời trên văn bản.

Phần câu hỏi nghị luận xã hội là cũng rất hay,  phù hợp trong bối cảnh người dân cả nước đang phòng, chống dịch Covid – 19. Đây là vấn đề chúng tôi đã nói rất nhiều trong các bài giảng và nằm trong 10 vấn đề quan tâm. Trong đó, sự cống hiến xếp ở vị trí thứ 2.

Cô giáo Nguyễn Thị Lam Thủy và các học trò. Ảnh: PV
Cô giáo Nguyễn Thị Lam Thủy và các học trò. Ảnh: PV

Đề này, đảm bảo tính phân loại ở câu nghị luận văn học. Học sinh ngoài cảm nhận đoạn văn thì cảm nhận thêm vẻ đẹp nữ tính. Học sinh khá, giỏi sẽ nhận xét được câu hỏi này một cách sâu sắc.

Cô giáo Trần Thị Thương cũng là giáo viên có nhiều kinh nghiệm giảng dạy môn Ngữ văn ở Trường THPT Hoàng Mai. Cá nhân cô cho rằng: Đề thi năm nay xét về tổng thể cấu trúc và tổng số câu đã bám sát cấu trúc của đề thi minh họa với 2 phần, đọc hiểu và làm văn. Nội dung của đề cũng là nội dung đã học trong trường phổ thông.

Phân tích vào từng câu hỏi của đề thi, cô giáo Trần Thị Thương nói thêm: Câu đọc hiểu là một câu dễ ăn điểm nhưng đề thi cũng đã bám sát cấu trúc; đề có  4 câu với 4 mức độ: nhận biết – thông hiểu – vận dụng và vận dụng cao. Trong đó, câu 3 hơi khó, còn lại các câu 1,2,4 dễ và thí sinh có thể tìm ngay trong đoạn trích của phần đọc hiểu. Câu 3 khó hơn nhưng đây là câu để phân loại thí sinh...

Thí sinh làm bài thi môn Ngữ văn. Ảnh: Đức Anh
Thí sinh làm bài thi môn Ngữ văn. Ảnh: Đức Anh

Ở câu làm văn, cầu 1 phần nghị luận xã hội là câu tôi tâm đắc nhất. Đề thi đề cập đến vấn đề lý tưởng sống và  cống hiến thì bất cứ bạn trẻ nào và bất cứ trong thời đại nào cũng cần. Điều này cũng phù hợp trong thời điểm hiện nay khi chúng ta đang trong cuộc chiến chống dịch Covid – 19 và nó còn phù hợp trong mọi hoàn cảnh, mọi giai đoạn lịch sử của người Việt.

Ở câu nghị luận văn học, do năm ngoái đề thi đã thi bài Đất nước và Việt Bắc nên nhiều thí sinh hy vọng năm nay sẽ thi bài Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt. Tuy vậy, dù bất ngờ nhưng thí sinh có thể làm được bài.

Cô giáo Trần Thị Thủy trong một giờ dạy trực tuyến. Ảnh: PV.
Cô giáo Trần Thị Thương trong một giờ dạy trực tuyến. Ảnh: PV.

Với đề thi này, cô giáo Trần Thị Thương cũng cho rằng: Lệnh chính của đề thi yêu cầu cảm nhận về đoạn thơ thì cơ bản thí sinh nào cũng làm được. Thí sinh có thể bằng năng lực cảm nhận văn học, phân tích bình luận để phân tích bài thơ. Đây cũng là 3 đoạn đặc sắc của bài thơ Sóng.

Câu 2 của câu hỏi nghị luận văn học có tính phân loại, đòi hỏi thí sinh phải suy nghĩ và phân tích sâu sâu. Tuy nhiên, với câu hỏi này tôi cũng hy vọng thí sinh có thể làm tốt bởi bản thân nhà thơ Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ tính.

 
Thí sinh trao đổi bài sau khi kết thúc thi môn Ngữ văn. Ảnh: Đức Anh
Thí sinh trao đổi bài sau khi kết thúc thi môn Ngữ văn. Ảnh: Đức Anh

Ngoài ra, để làm được điểm cao thì thí sinh phải nắm được phong cách nghệ thuật thơ Xuân Quỳnh. Hơn thế, cần đặt bản thân mình vào thời điểm Xuân Quỳnh sáng tác bài thơ vào năm 1967 trong bối cảnh nhà thơ vừa trải qua nhiều biến cố để cảm nhận được vẻ đẹp nữ tính của phụ nữ truyền thống nhưng cũng rất mới mẻ và hiện đại.

Gợi ý đáp án đề thi môn Ngữ văn (nguồn Hocmai).
Nhận định về môn Ngữ Văn. Clip: Đức Anh - Mỹ Hà

Tin mới