Giáo viên xứ Nghệ nhận xét về đề thi môn Ngữ văn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Đề thi môn Ngữ văn được nhiều giáo viên nhận xét là phù hợp, phân hóa học sinh nhưng chưa có sự mới mẻ.

Đề thi môn Ngữ văn năm nay có cấu trúc quen thuộc với 3 phần: phần đọc hiểu, phần nghị luận xã hội và phần nghị luận văn học.

Đề thi môn Ngữ văn. Ảnh: Mỹ Hà

Đề thi môn Ngữ văn. Ảnh: Mỹ Hà

Nhận định về đề thi năm nay, cô giáo Nguyễn Khánh Ly - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT chuyên Đại học Vinh cho rằng: Đề thi tuân thủ theo cấu trúc, quy cách trình bày của một đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia môn Ngữ văn.

Đề thi vừa đảm bảo yêu cầu, mức độ của một đề thi tốt nghiệp nhưng vẫn có khả năng phân hoá học sinh - đặc biệt là câu nghị luận văn học.

Đề thi xoay quanh những kiến thức trọng tâm, bám sát nội dung chương trình Ngữ văn THPT. Tuy nhiên, với ai chờ đợi sự bứt phá, mới mẻ của đề thi so với các năm trước thì chắc sẽ chưa thấy rõ.

Các thí sinh thành phố Vinh hoàn thành môn thi Ngữ văn. Ảnh: Đức Anh

Các thí sinh thành phố Vinh hoàn thành môn thi Ngữ văn. Ảnh: Đức Anh

Đi sâu vào từng câu hỏi, cô giáo Nguyễn Khánh Ly nói thêm: Phần đọc hiểu: Đề thi có nội dung khá gần gũi với lứa tuổi học sinh THPT, đề cập đến vẻ đẹp và những khát khao, nung nấu của tuổi trẻ. Câu 1, 2 dễ làm, học sinh sẽ lấy được điểm tuyệt đối. Câu 3, 4 có độ khó hơn nhưng vẫn là những dạng câu hỏi học sinh đã được rèn luyện kỹ năng làm bài nhiều lần. Nhìn chung, câu đọc hiểu không làm khó được học sinh. Học sinh sẽ làm được và đạt được điểm cao ở phần này.

Câu nghị luận xã hội: Các vấn đề được đề cập về trách nhiệm của tuổi trẻ không mới, đã được nói nhiều, bàn nhiều và chắc chắn, học sinh sẽ không bỡ ngỡ với điều này. Tuy nhiên, dẫu vấn đề quen thuộc nhưng vẫn rất cần một cách viết mới, một cách nghĩ táo bạo hơn để tránh sa vào cuồng ngôn, sáo ngữ, hô hào khẩu hiệu: Các bạn trẻ bây giờ có chính kiến, tư duy độc lập hơn nên tôi hy vọng các em có thể nói được những điều thiết thực, mới mẻ, thực sự trăn trở của thế hệ mình, không cần phải đi theo một khuôn mẫu giáo điều nào cả.

Ngữ văn là môn thi duy nhất thi theo hình thức tự luận. Ảnh: Mỹ Hà

Ngữ văn là môn thi duy nhất thi theo hình thức tự luận. Ảnh: Mỹ Hà

Câu nghị luận văn học: Đề có ra phần kiến thức truyện, cũng là một trong những nội dung ôn tập trọng tâm trong năm nay. “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu là một văn bản rất hay nhưng cũng rất khó. Đoạn trích được đề cập cũng thuộc phần kiến thức trọng tâm nhưng để viết cho mạch lạc hệ thống ý, viết cho sâu sắc, làm bật lên ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu là không dễ. Đoạn trích ngắn nên phân tích cần sâu hơn, cần đến khả năng cảm thụ văn học nữa. Học sinh rất có thể sẽ sa vào diễn nôm, bình tán vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên.

Các thí sinh chuẩn bị làm bài thi môn Ngữ văn Ảnh: Thanh Yên

Các thí sinh chuẩn bị làm bài thi môn Ngữ văn Ảnh: Thanh Yên

Có tin chưa đọc

Cô giáo Nguyễn Thị Hương - giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Quỳnh Lưu 2 cũng đánh giá đề Văn năm nay bám sát chương trình sách giáo khoa theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, câu đọc hiểu đưa ra ngữ liệu là đoạn thơ của Nguyễn Trọng Tạo về tuổi trẻ không quá lạ, nhưng vẫn gợi cảm xúc của học trò, về thế hệ trước kết nối thế hiện tại.

Câu nghị luận xã hội cũng nối tiếp vấn đề này: Học sinh được viết về tuổi trẻ, về trách nhiệm của chính mình nên các em sẽ dễ hào hứng, bày tỏ suy nghĩ, chính kiến bản thân. Theo tôi, câu hỏi đọc hiểu và câu nghị luận xã hội ngoài kiểm tra kiến thức, thể hiện kỹ năng làm bài, hiểu biết xã hội còn có tính giáo dục cao - cô Hương cho biết.

Các thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Đức Anh

Các thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Đức Anh

Về câu nghị luận văn học, ra về tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" của nhà văn Nguyễn Minh Châu không xa lạ, nằm trong trọng tâm ôn tập nên sẽ không bất ngờ với thí sinh. Nhưng khả năng nhiều thí sinh sẽ bất ngờ khi đề ra vào đoạn đầu của tác phẩm.

Với học sinh đại trà, các em sẽ dễ lấy điểm trung bình và phân tích được các ý cơ bản với đoạn trích trên. Tuy nhiên, ý thứ 2 của đề chính là ý phân hóa học sinh giỏi. Với câu nghị luận văn học này, để viết được đầy đủ ý, phân tích sâu sắc thông điệp của Nguyễn Minh Châu không dễ.

Các thí sinh kiểm tra đề thi môn Ngữ văn. Ảnh: Đức Anh

Các thí sinh kiểm tra đề thi môn Ngữ văn. Ảnh: Đức Anh

Tôi rất thích cách đặt câu hỏi của người ra đề, bởi văn của Nguyễn Minh Châu rất hay nhưng cũng khó để phân tích sâu sắc. Nếu chỉ với 1 đoạn trích được đưa ra trong đề, thì sẽ không thấy được tư tưởng của tính luận đề của Nguyễn Minh Châu. Nhưng với ý 2 “từ đó, liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống” thì đặt ra yêu cầu thí sinh phải biết kết nối, đặt đoạn trích trong so sánh với toàn thể tác phẩm, làm rõ được chiều sâu của văn bản.

Giữa hình ảnh con thuyền thơ mộng, yên bình trong đoạn trích, với con thuyền nhỏ bé, chơ vơ chống chọi với sóng gió, đưa người chụp ảnh đi thơ mộng lãng mạn đến thực tế cuộc sống. Cũng như nghệ thuật phải bắt nguồn và không xa rời khỏi thực tế.


Nhìn chung, đề không đánh đố học sinh, có sự phân hóa rõ, để học sinh tùy vào lực học, mục tiêu của mình có thể đạt điểm số như mong muốn. Riêng để đạt điểm 9, 10 thì phải là học sinh có năng lực văn chương, biết cảm thụ, phân tích, so sánh, lập luận chặt chẽ. Với đề thi này, tôi mong đợi và hy vọng sẽ tìm được những bài văn hay, sáng tạo, cảm xúc của thí sinh.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT: Buổi thi thứ nhất môn thi Ngữ văn có 23 thí sinh vắng thi không có lý do. Không có thí sinh vi phạm quy chế thi, không có sự cố bất thường xảy ra. Buổi thi diễn ra bình thường, an toàn.


Tin mới