Giấy triệu tập, lệnh bắt giả 'giăng bẫy' nhiều người ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Lo sợ sau khi nhận được lệnh bắt giữ, giấy triệu tập trên mạng xã hội, điện thoại, nhiều người đã chuyển một số tiền lớn vào tài khoản ngân hàng của các đối tượng lừa đảo.

Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An vừa phát thông báo cảnh báo một thủ đoạn lừa đảo mới khiến nhiều người dân sập bẫy. Theo đó, trong những ngày qua, nhiều người dân ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhận được “Giấy triệu tập”, "Lệnh bắt bị can để tạm giam" (hoặc lệnh, quyết định khác của Tòa án, Viện Kiểm sát, Cơ quan điều tra các cấp), trong khi bản thân người nhận không vi phạm gì.

Lệnh
Quyết định giả của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Ảnh công an cung cấp

Các đối tượng lợi dụng tâm lý lo sợ của một số người nhẹ dạ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo một cán bộ điều tra, có nhiều người vì lo sợ, đã chuyển số tiền hơn 4 tỷ đồng cho các đối tượng lừa đảo sau khi nhận được "Lệnh bắt bị can để tạm giam" qua mạng xã hội Zalo.

Công an Nghệ An khẳng định, những văn bản này là giả và cho rằng, trước đây đã có rất nhiều vụ lừa đảo thông qua các cuộc gọi tự xưng là Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát,... yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để chứng minh mình vô tội. Vụ việc gửi “giấy triệu tập”, "Lệnh bắt"... giả này cũng là một trong những thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm.

Theo Phòng cảnh sát hình sự Công an Nghệ An, khi muốn mời làm việc và triệu tập ai đó thì sẽ có đại diện cơ quan điều tra (Điều tra viên, Cán bộ điều tra) cùng công an địa phương đến gửi giấy chứ không có việc gửi giấy qua mạng xã hội hoặc đường bưu điện.

Ngoài việc tạo ra các Lệnh, Quyết định giả như trên, để nạn nhân tin tưởng hơn, các đối tượng lừa đảo còn lập các tài khoản Zalo, Facebook, trang web mạo danh các cơ quan công an để liên lạc với nạn nhân.

Giấy
Giấy triệu tập giả mà các đối tượng lừa đảo gửi cho nạn nhân. Ảnh công an cung cấp

Nếu ai nhận được những văn bản như trên thì hãy đến cơ quan công an gần nhất để trình báo và cung cấp những văn bản đó cho cơ quan công an. Đặc biệt, cần tỉnh táo, không được làm theo hướng dẫn của các đối tượng lừa đảo.

Trước đó, ngày 9/9/2019, Công an huyện Nam Đàn cũng phát Văn bản số 25/CSĐT-HS về tuyên truyền phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội. Theo Công an huyện Nam Đàn, thời gian qua, đơn vị tiếp nhận một số tin báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn: Đối tượng đã lấy cắp tài khoản mạng xã hội facebook của những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài (như Nhật Bản, Hàn Quốc…).

Trang
Tài khoản Zalo giả mạo của Cục cảnh sát hình sự. Ảnh công an cung cấp

Sau khi lấy cắp được, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, lo lắng cho con/cháu của các bậc sinh thành, bọn chúng đã liên lạc (gọi điện, nhắn tin) qua mạng xã hội facebook về cho người thân trong gia đình, bạn bè, giả mạo là con, cháu của họ với nội dung như: “Con/cháu hiện nay đang rất cần tiền, nhờ bố mẹ lấy tiền chuyển khoản gấp cho con/cháu để giải quyết công việc”.

Sau đó, người thân, gia đình ở quê nhà chủ quan, tin tưởng là con/cháu của mình nên đã gấp rút chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng theo yêu cầu của đối tượng mà không hề có chút nghi ngờ. Sau khi chuyển tiền thành công, đối tượng tiếp tục lợi dụng, đòi gửi thêm tiền vào tài khoản ngân hàng.

Lúc này, người thân của họ mới nảy sinh nghi ngờ đã bị lừa đảo nên đã tìm cách khác để liên lạc trực tiếp với con/cháu của mình ở bên nước ngoài thì mới biết mình đã bị lừa. Khi gia đình, người thân biết mình đã bị lừa thì đối tượng đã rút hết tiền trong tài khoản ngân hàng và lập tức chặn tài khoản facebook của người bị hại.

Tin mới