Gieo chữ ở miền khó – Bài 1: Những người ở lại với núi rừng

Sau hơn 15 lên công tác tại huyện Quế Phong, gia đình 4 người của thầy giáo Vũ Quang Trung và cô giáo Nguyễn Thị Nhân – giáo viên Trường PT Dân tộc Bán trú THCS Tri Lễ vẫn đang phải ở trong căn phòng chật chội rộng chỉ hơn 30m2 nơi dãy nhà công vụ của nhà trường. Phòng bé, các con lại ngày một lớn nên mọi sinh hoạt của gia đình thực sự khó khăn. Phần lớn diện tích trong phòng hiện đang được sử dụng để kể ba chiếc giường, trong đó có một chiếc gường hai tầng cho hai con, một bé lên lớp 6 và một bé lên lớp 3. Còn lại, tài sản cũng không có nhiều. Trong phòng, nhiều nhất vẫn là sách. Góc còn lại sát cửa sổ có kê một chiếc bàn gỗ cũ hình chữ nhật, vừa là bàn làm việc, vừa là bàn tiếp khách và đôi khi lại là nơi để hai vợ chồng tranh thủ phụ đạo thêm cho các học trò. Phòng bếp, nơi để đồ…được chái phía sau, còn tạm bợ, sơ sài.

Vợ chồng thầy giáo Vũ Quang Trung và Nguyễn Thị Nhân là hai giáo viên có nhiều thành tích ở Trường PT DTBT THCS Quế Phong.
Vợ chồng thầy giáo Vũ Quang Trung và Nguyễn Thị Nhân là hai giáo viên có nhiều thành tích ở Trường PT DTBT THCS Quế Phong.

Thầy giáo Vũ Quang Trung (sinh năm 1983) quê ở thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu. Năm 2004, sau khi tốt nghiệp khoa Toán – Lý của Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, thầy tự nguyện lên công tác ở huyện vùng cao Quế Phong theo diện tăng cường. Sau 5 năm, trong khi nhiều đồng nghiệp có cơ hội về xuôi thì thầy ở lại. Mối nhân duyên với cô giáo Nguyễn Thị Nhân – cũng là một giáo viên cùng trường, ở miền xuôi lên cắm bản lại càng giúp thầy cô có lý do để gắn kết với vùng đất này.
Kể lại những ngày mới lên công tác vùng cao, thầy tháo Vũ Quang Trung nói thêm: Trước khi đến Tri Lễ tôi đã từng công tác tại nhiều điểm trường khó khác. Ngày ấy, đường lên Quế Phong còn gian nan lắm. Vào đến các trường ở xã lại vất vả hơn vì đường, điện đều chưa có. Ngày mới lấy nhau, vợ chồng chỉ có hai bàn tay trắng, lương thấp, lâu lâu mới dám về quê một lần vì tốn kém.
Gắn bó với mảnh đất Tri Lễ của Quế Phong, nơi có 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, trong đó gần một nửa là học sinh người Mông nên thầy Trung và cô Nhân lại càng thấm thía nỗi khó khăn, vất vả của ngôi trường vùng biên này. Trước đây, khi trường chưa thực hiện bán trú, ngoài việc dạy ở trường, việc đến từng nhà, từng bản để vận động học sinh đến trường là chuyện thường ngày của các thầy cô. Ngay cả bây giờ, mỗi lần nghe một thông tin có học sinh rục rịch nghỉ học để lập gia đình, để đi vào Nam làm ăn, các thầy cô lại lo lắng, khuyên nhủ, động viên các em ở lại trường, gắng đi học để có bằng tốt nghiệp, học lên cấp III để có công việc tử tế.

Thầy giáo Vũ Quang Trung - Trường PT DTBT Tri Lễ và các học trò.
Thầy giáo Vũ Quang Trung - Trường PT DTBT Tri Lễ và các học trò.

Khó khăn trong vận động học sinh đi học là một lẽ. Nhưng để bồi dưỡng cho các em đạt học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh lại vất vả hơn bội phần. Những năm qua, cô giáo Nhân với vai trò là tổ trưởng tổ Văn và thầy Trung là giáo viên cốt cán của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong, cả hai đã cùng với các thầy, cô giáo trong trường bồi dưỡng được nhiều học sinh đạt giải cao tại các cuộc thi học sinh giỏi. Nhiều em sau đó, đã thi đậu điểm cao vào các trường THPT. Riêng trong 3 năm trở lại đây, học sinh của thầy giáo Trung có 3 em thủ khoa đầu vào và nằm trong tốp những thí sinh có điểm cao nhất vào của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh và Trường THPT Dân tộc nội trú số 2. Năm học 2022 – 2023 vừa qua, cô Nhân còn tham gia nhóm giáo viên ôn thi học sinh giỏi tỉnh của huyện và có 1 em đạt giải Nhì và 4 học sinh đạt giải Khuyến khích môn Ngữ văn cấp tỉnh.
Chia sẻ về quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy giáo Vũ Quang Trung nói thêm: Điểm xuất phát của học sinh trường chúng tôi không thuận lợi bởi những em học khá, các em thường vào trường nội trú của huyện để học từ lớp 6. Vì lẽ đó, trước khi chọn đội tuyển, tôi cho rằng, mình phải có niềm tin vào học trò. Sau đó, mình phải biết chắc năng lực của các em, bám sát năng lực để dạy phù hợp, sau đó mới dạy tăng dần. Nếu học sinh có kiến thức nền vững chắc, các em sẽ có động lực để tiếp tục học và cố gắng.
Để có được những mùa thi thành công, thầy Trung và cô Nhân cũng tự nỗ lực vươn lên để không tụt hậu. Kỷ niệm nhớ nhất gần đây đó là kỳ thi giáo viên dạy giỏi tỉnh năm 2020. Khi đó, cả hai là cặp vợ chồng hiếm hoi cùng đạt giải Nhất cấp huyện và được chọn tham gia dự thi cấp tỉnh và được công nhận giáo viên dạy giỏi tỉnh. Trong quá trình công tác, cả hai cũng thường xuyên viết sáng kiến kinh nghiệm, tham gia cuộc thi viết giáo án điện tử cấp Bộ để chia sẻ về những kinh nghiệm trong quá trình trực tiếp giảng dạy môn Ngữ văn, môn Toán ở môi trường dạy học đặc thù có đông học sinh là người dân tộc thiểu số, nhiều năm liên tục có bằng khen của tỉnh, của huyện, của ngành giáo dục…

Vợ chồng thầy giáo Vũ Quang Trung và Nguyễn Thị Nhân trong căn phòng tạm ở Trường PT DTBT THCS Quế Phong.
Vợ chồng thầy giáo Vũ Quang Trung và Nguyễn Thị Nhân trong căn phòng tạm ở Trường PT DTBT THCS Quế Phong.

Nói thêm về công việc của mình, cô giáo Nguyễn Thị Nhân chia sẻ: Dù chúng tôi công tác ở vùng khó, điều kiện còn nhiều vất vả nhưng chúng tôi xác định, dù ở đâu, với cương vị nào thì người thầy giáo, cô giáo phải tận tâm với học trò, phải có trách nhiệm với công việc của mình. Ở lại với mái trường vùng cao này, chúng tôi cũng thấy hơn giá trị của việc đem con chữ đến với bà con dân bản và điều đó đã níu chân chúng tôi lại, gắn bó với mảnh đất này.

Thò Bá Xa – cậu học trò cũ của Trường PT dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nậm Càn (Kỳ Sơn) nay đã là học sinh lớp 10 và là một trong ít học sinh của trường thi đậu vào trường THPT Dân tộc nội trú của tỉnh. Xa nhà, xa trường, xa cô giáo cũ, thỉnh thoảng được sử dụng mạng xã hội, Bá Xa lại tranh thủ lên mạng để nhắn tin về cho cô giáo Nguyễn Thị Tình – giáo viên dạy Toán và là chủ nhiệm của em khi đang học ở Nậm Càn. Nhiều lần nhắn tin, em đều nói với cô, nhớ cô, nhớ trường và nhớ cả món cơm cô nấu.

Vượt đường xa, con trai của cô giáo Nguyễn Thị Tình theo mẹ lên cắm bản ở huyện vùng cao Quế Phong.
Vượt đường xa, con trai của cô giáo Nguyễn Thị Tình theo mẹ lên cắm bản ở huyện vùng cao Quế Phong.

Niềm vui đối với một giáo viên vùng cao là gì? Chúng tôi đã hỏi cô giáo Nguyễn Thị Tình – một trong hơn 80 giáo viên tiêu biểu sẽ được Liên đoàn Lao động tỉnh biểu dương trong đợt kỷ niệm 20/11 năm nay và được chị trả lời rất chân thành “đó là khi được học trò đã ra trường vẫn nhớ và biết trở về thăm cô, thăm thầy, ngoan ngoãn, chăm chỉ”. Kể thêm về cậu học trò “nhớ cơm cô” Thò Bá Xa, cô Tình cho biết: Bá Xa mất bố từ nhỏ và mẹ đi lấy chồng nên ở với bác. Sau này lên THCS, Bá Xa vào ở bán trú tại trường và được tôi chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi môn Toán. Ngoài dạy trên lớp, phần lớn thời gian còn lại Bá Xa và các thành viên trong đội tuyển đến nhà tôi để học. Nhiều bữa tôi còn nấu cơm cho các em ăn. Hôm đi thi học sinh giỏi, đến cuối bài không làm được, cậu bé còn viết trong bài thi: Em xin lỗi cô, em ăn cơm nhà cô quá nhiều, nhưng lại không làm được hết bài. Nhưng rất vui là Bá Xa vẫn đậu học sinh giỏi huyện và sau này còn đậu vào trường dân tộc nội trú tỉnh.
Cô giáo Nguyễn Thị Tình sinh năm 1983 và bắt đầu đi dạy từ năm 2004. Bấy nhiêu năm ra trường thì cũng bấy nhiêu năm chị gắn bó với mảnh đất Kỳ Sơn, trong đó có gần 10 năm dạy ở Mường Lống và từ năm 2013 đến nay chị chuyển vào dạy ở xã biên giới Nậm Càn. Ở Trường PT dân tộc bán trú THCS Nậm Càn, cô Tình cũng là một hoàn cảnh đặc biệt bởi trước đây cả hai vợ chồng chị đều từ Thanh Chương lên dạy học ở vùng cao. Đến nay, dù chồng đã chuyển về xuôi dạy ở Thanh Chương 13 năm nhưng chị thì vẫn ở lại. Cách đây 6 năm, chị đem cậu con trai đang học lớp 3 lên ở cùng mẹ. Đầu năm nay, cậu con trai thứ 2 vừa vào lớp 6 cũng lên ở cùng. Ba mẹ con ở chung với nhau trong dãy nhà tập thể của trường. Cứ 2, 3 tuần một lần chồng chị lên thăm 3 mẹ con. Thỉnh thoảng, có việc, có công chị mới về quê. Phần còn lại thời gian chị chủ yếu dành cho trường và cho các học trò.
15 năm lấy nhau, quãng thời gian cả hai vợ chồng ở với nhau chỉ được vài năm nên mỗi lần nhắc đến hoàn cảnh của mình, cô giáo Nguyễn Thị Tình bao giờ cũng day dứt. Chị cũng kể, khi chồng có quyết định về xuôi, cả hai đã từng đắn đo giữa việc đi hay ở, giữa việc một người về, người còn lại có nên cùng bỏ việc. Nhưng rồi, vì tương lai của cả gia đình, chồng chị vẫn phải quyết định về trước và chị ở lại với học trò.

Cô giáo Nguyễn Thị Tình và đội tuyển học sinh giỏi cuả Trường PT DTBT Tiểu học và THCS Nậm Càn - Kỳ Sơn.
Cô giáo Nguyễn Thị Tình và đội tuyển học sinh giỏi cuả Trường PT DTBT Tiểu học và THCS Nậm Càn - Kỳ Sơn.

Thời gian đầu, khi mới về Thanh Chương, cứ một tuần một lần chồng chị sáng thứ 7 lại mất gần 7 tiếng đồng hồ đi xe máy lên thăm vợ con. Ở với nhau, chỉ hơn 1 đêm, sáng Chủ nhật lại lo lắng trở về cho kịp các tiết dạy đầu tuần. Vì vợ phải xa chồng, con phải xa mẹ nên việc chăm sóc gia đình và các con chị cũng tự nhận không chu tất. Thế nên con trai đầu sau 3 năm học tiểu học học ở quê, chị quyết định đưa con lên trường mẹ để dễ bảo ban. Con thứ hai thì vì “ngày nào gọi điện cho mẹ cũng khóc” nên chị chấp nhận vất vả để ba mẹ con được gần nhau. Nói về con, chị cũng có những áy náy riêng “khi con tôi đang học ở Thanh Chương, cháu được học Tiếng Anh đến lớp 3. Nhưng khi lên Nậm Càn, vì không có giáo viên, nên lớp 4, lớp 5 cháu không được học. Môn Tiếng Anh của con, giờ so với các bạn ở dưới xuôi có nhiều hạn chế”…
Kể thêm về công việc của mình, cô Tình say sưa nói về công tác giảng dạy học sinh, về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Để không tụt hậu với chương trình giáo dục mới, cô Tình rất ham học hỏi ở bạn bè của mình ở dưới xuôi, tự học trên mạng và chị dành khá nhiều thời gian để tự nghiên cứu. Tính từ năm 2011 đến nay, cứ chu kỳ 3 năm một lần, năm nào chị cũng đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, năm 2020 chị đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, với vai trò là tổ phó tổ Khoa học tự nhiên, năm nào chị cũng tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của trường ở nhiều khối lớp, nhiều năm liên tục đạt kết quả cao. Có được kết quả này, cũng không thể tính được đã bao nhiêu ngày thứ 7, Chủ nhật, bao nhiêu buổi tối chị đưa học sinh của mình về nhà bồi dưỡng, nuôi các em ăn ở trong nhà trong những ngày ôn thi cấp tốc… Gác tình cảm gia đình, cô Tình ở lại với học sinh vùng cao với một ước mơ đơn giản, học sinh đi học chăm chỉ, tiến bộ và sau này có cái chữ để bớt nghèo đói, bớt khổ và không còn cảnh thất học./.