'Gieo hạt giống đỏ' cho thôn bản vùng cao

(Baonghean.vn) -Mặc dù gặp khó khăn nhưng nhiều năm qua công tác phát triển Đảng ở huyện miền núi Quế Phong luôn đạt và vượt chỉ tiêu.

Chú trọng tạo nguồn

Tri Lễ là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Quế Phong, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 40,04%, 98% là đồng bào dân tộc thiểu số. Ấy thế nhưng, xã biên giới này luôn làm tốt công tác tạo nguồn đảng viên mới.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ Vi Văn Du: Đảng bộ xã hiện có 22 chi bộ, trong đó có 16 chi bộ thôn, bản với 569 đảng viên. Mặc dù khó khăn do nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, số lao động đi làm ăn xa tương đối đông. Tuy nhiên, các chi bộ luôn cố gắng tìm nguồn đảng viên mới từ đội ngũ HSSV ra trường, bộ đội xuất ngũ, các chi hội đoàn thể.

Cán bộ, đảng viên, nhân dân và lực lượng chức năng ở xã Tri Lễ tham gia bầu cử
Cán bộ, đảng viên, nhân dân và lực lượng chức năng ở xã Tri Lễ tham gia bầu cử. Ảnh tư liệu CTV

Để hỗ trợ cơ sở, ngoài phân công đảng viên là cán bộ, công chức xã về sinh hoạt tại các chi bộ thôn bản, duy trì tốt chế độ giao ban định kỳ, các kênh thông tin hai chiều.  Đảng bộ xã Tri Lễ cũng kịp thời ban hành đề án Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với mối quan hệ phối hợp công tác giữa bí thư chi bộ và trưởng bản giai đoạn 2021 – 2025. “Trước đây sự phối hợp giữa một số bí thư chi bộ với trưởng bản chưa thống nhất cao, nên kết quả thực hiện nhiệm vụ của chi bộ, của bản thấp.

Do vậy, Đảng bộ xã yêu cầu 100% chi bộ và BQL xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp công tác giữa bí thư chi bộ và trưởng bản. Bởi có thực hiện tốt mối quan hệ hai chiều giữa bí thư chi bộ và trưởng bản mới tạo sự đoàn kết, thống nhất trong bản để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị và hoàn thành các chỉ tiêu: Tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ đạt từ 85% trở lên và thực hiện tốt công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên, không để chi bộ 2 năm đến 3 năm không kết nạp được đảng viên mới”- Bí thư Đảng ủy xã Vi Văn Du cho hay.

Ngoài “phủ sóng” trưởng bản là đảng viên, Đảng bộ xã cũng giao trách nhiệm cho các chi bộ thôn, bản trước hết phải tuyên truyền, vận động, bồi dưỡng đội ngũ phó bản, thôn đội trưởng, trưởng, phó các đoàn thể chưa là đảng viên kết nạp vào đảng; phấn đấu đến năm 2025, đạt 90% phó bản, thôn đội trưởng, trưởng các đoàn thể là đảng viên. Bên cạnh đó thực hiện nghiêm túc việc phân công đảng viên gương mẫu, có uy tín bồi dưỡng, kèm cặp nhân tố “hạt giống” là quần chúng ưu tú để kết nạp vào đảng.

Một góc bản Huồi Mới xã Tri Lễ. Ảnh; Đào Tuấn
Một góc bản Huồi Mới xã Tri Lễ. Ảnh: Đào Tuấn

Nhờ vậy, công tác phát triển Đảng ở xã biên giới Tri Lễ luôn đạt và và vượt chỉ tiêu (bình quân mỗi năm kết nạp từ 12-15 đảng viên trên chỉ tiêu từ 10-13 đảng viên). Không có chi bộ nào thuộc diện nguy cơ tái trắng (dưới 5 đảng viên tại chỗ theo Đề án 01 của Tỉnh ủy). Điều đáng mừng là tỷ lệ đảng viên nữ người dân tộc thiểu số trong các chi bộ ngày càng tăng, toàn xã hiện có 51 đảng viên nữ, trong đó có chi bộ có tới 8-10 đảng viên nữ như ở Chi bộ Lam Hợp, Liêm Hợp…

Trong năm 2020, Đảng bộ xã Tri Lễ kết nạp 14 đảng viên vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Năm 2021, đến thời điểm này, đã kết nạp được 3 đảng viên mới đều là người Mông gồm Lầu Y Lầu  (SN 1995), Y tế bản Mường Lống; Và Bá Dì (SN 2000), Và Bá Dìa (SN 1993) ở Chi bộ Mường  Lống.

Mô hình chăn hiệu quả của ông Lỳ Nỏ Pó- hội viên hội nông dân Tri Lễ. Ảnh: Hoài Thu
Mô hình chăn nuôi hiệu quả của ông Lỳ Nỏ Pó- hội viên Hội Nông dân xã Tri Lễ. Ảnh: Hoài Thu

Còn tại xã Hạnh Dịch - xã biên giới có đồng bào dân tộc Thái chiếm 90% dân số toàn xã, vượt lên những khó khăn trong đó có thực trạng lao động đi làm ăn xa (toàn xã có 800 lao động đi làm ăn xa), công tác phát triển Đảng hàng năm vẫn đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu.

Theo đồng chí Hà Thanh Hải - Phó Bí thư Đảng ủy xã Hạnh Dịch: Toàn đảng bộ hiện có 251 đảng viên, có 6 chi bộ nông thôn, trong đó chi bộ đông đảng viên nhất là Vinh Tiến với 50 đồng chí. Bình quân mỗi năm xã Hạnh Dịch kết nạp 8-12 đảng viên, vượt chỉ tiêu giao. Năm 2021 chỉ tiêu giao 8 đồng chí đến thời điểm hiện tại đã kết nạp được 2 đồng chí, đang làm hồ sơ cho 3 đồng chí.

Chi bộ bản Vinh Tiến xã Hạnh Dịch sinh hoạt định kỳ. Ảnh: GH
Chi bộ bản Vinh Tiến, xã Hạnh Dịch sinh hoạt định kỳ. Ảnh: GH

Để tạo nguồn cho công tác phát triển Đảng ở địa phương, hàng năm, đảng ủy xã chủ động xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu và hướng dẫn từng chi bộ quan tâm phát hiện, bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới. Phân công các đồng chí Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã định kỳ hàng tháng về dự sinh hoạt với chi bộ cơ sở, vừa nắm bắt tình hình, vừa hướng dẫn, đôn đốc công tác xây dựng Đảng, trong đó có việc bồi dưỡng, kết nạp đảng viên.

Tương tự, tại các chi bộ đều phân công các đảng viên phụ trách các hộ gia đình vừa nắm bắt tư tưởng, giúp đỡ các hộ tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế, đồng thời qua đó phát hiện, lựa chọn nhân tố bồi dưỡng kết nạp Đảng. Nhiều chi bộ đã nỗ lực tạo nguồn và kết nạp được đảng viên tại chỗ như Chi bộ Vinh Tiến, Long Thắng…

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền xã Hạnh Dịch còn tìm giải pháp giúp dân, nhất là lực lượng thanh niên gắn bó và lập nghiệp tại địa phương. Xã khuyến khích người dân phát triển các mô hình kinh tế bằng việc ban hành các chương trình, đề án cụ thể. Nổi bật là kế hoạch bảo tồn, phát triển cây dược liệu; kế hoạch thực hiện mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm gắn với quy hoạch vùng chăn nuôi trở thành hàng hóa.

Xã Hạnh Dịch khuyến khích người dân phát triển bảo tồn, phát triển cây dược liệu, trong đó có chè Hoa Vàng. Ảnh tư liệu
Xã Hạnh Dịch khuyến khích người dân bảo tồn, phát triển cây dược liệu, trong đó có chè hoa vàng. Ảnh tư liệu

Hiện nay, cây chè hoa vàng có diện tích khoảng 14,3 ha, dự kiến trồng mới tập trung thêm 10 ha. Ngoài hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình thí điểm, huyện và xã còn có chính sách hỗ trợ phân bón, giống cho người dân khi chuyển đổi đất nông nghiệp, đất vườn đồi sang trồng cây dược liệu; thu hút vốn đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp cho công tác bảo tồn cây dược liệu... tạo việc làm cho lao động địa phương.

Đảm bảo cả chất và lượng

Đảng bộ huyện Quế Phong có 34 TTCS Đảng, trong đó, có 19 đảng bộ và 15 chi bộ cơ sở trực thuộc. Tổng chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở là 218 chi bộ (trong đó có 107 chi bộ khối, xóm, bản). Trên địa bàn có 4 xã biên giới: Tri Lễ, Nậm Giải, Hạnh Dịch, Thông Thụ; có 7 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 90,6% .

Theo lãnh đạo Ban Tổ chức Huyện ủy: Thực tế, việc phát triển đảng viên trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn, bởi nguồn phát triển đảng viên chủ yếu dựa vào lực lượng thanh niên, nhưng hiện nay lực lượng này số thì đi học, số thì đi làm ăn xa. Số ở nhà trình độ, năng lực hạn chế, thiếu ý chí phấn đấu hoặc không mặn mà nên khó có thể bồi dưỡng giới thiệu cho Đảng. Tuy nhiên, nhờ triển khai nhiều giải pháp trong công tác phát triển Đảng, đảm bảo cả về chất lượng và số lượng, từ năm 2016 đến nay, Quế Phong không có xóm không có chi bộ, không có đảng viên và xóm có nguy cơ không còn chi bộ (dưới 5 đảng viên) theo phạm vi Đề án 01-ĐA/TU của Tỉnh ủy.

Chi bộ bản Tam Tiến trao đổi với lãnh đạo xã Châu Thôn về giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ sau sáp nhập. Ảnh: HT
Chi bộ bản Tam Tiến trao đổi với lãnh đạo xã Châu Thôn về giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ sau sáp nhập. Ảnh: HT

Hàng năm, BTV Huyện ủy Quế Phong đều giao kế hoạch cụ thể đến từng tổ chức Đảng cơ sở; định kỳ, rà soát, nắm bắt  để kịp thời chỉ đạo cấp ủy các cấp về lộ trình bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên tại địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời biểu dương những đơn vị làm tốt, nhắc nhở, hỗ trợ các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu.

Căn cứ chỉ tiêu huyện giao và tình hình cụ thể, các TCCS Đảng trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên; phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện mở các lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng cho quần chúng ưu tú để tạo nguồn phát triển Đảng. Các cấp ủy chú trọng phân công cấp ủy viên hoặc đảng viên chính thức có kinh nghiệm trong công tác Đảng, có uy tín, am hiểu về phong tục, tập quán đồng bào dân tộc thiểu số về sinh hoạt tại thôn, bản, để xây dựng lực lượng nòng cốt...

Bí thư chi bộ bản Na Hứm ( xã Thông Thụ) Vi Chung Thủy
Bí thư Chi bộ bản Na Hứm, xã Thông Thụ, Vi Chung Thủy trao đổi về mô hình trồng cam với đảng viên biên phòng sinh hoạt tạm thời tại chi bộ. Ảnh: Gia Huy

Như ở Chi bộ bản Na Hứm (Thông Thụ), theo Bí thư Chi bộ Vi Chung Thủy: Nhờ đảng viên giàu kinh nghiệm ở xã và đồng chí Cao Xuân Tuấn - Đồn Biên phòng Thông Thụ về sinh hoạt tại chi bộ giúp đỡ, hỗ trợ, chi bộ không chỉ lãnh đạo đưa Na Hứm trở thành bản về đích nông thôn mới đầu tiên của xã Thông Thụ mà việc phát hiện, bồi dưỡng, phát triển đảng viên mới cũng được thực hiện tốt. Bình quân mỗi năm chi bộ Na Hứm kết nạp được 1 đảng viên, riêng năm 2020 kết nạp được 2 đảng viên mới từ nguồn tại chỗ.

Tại nhiều địa phương, các chi bộ thôn, bản thường xuyên tổ chức sinh hoạt mở rộng, với sự có mặt của trưởng các chi hội đoàn thể để nắm bắt, sát sao những nội dung trọng tâm phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và nghị quyết của chi bộ đối với sự phát triển của thôn, bản. Trên cơ sở này, các đoàn thể, tổ chức nghiêm túc  triển khai thực hiện nhiệm vụ của chi bộ giao; quan tâm, rà soát đoàn viên, hội viên ưu tú để bồi dưỡng, phát triển, tạo nguồn cho Đảng.

Nhiệm kỳ 2015-2020, toàn huyện Quế Phong đã kết nạp được 931 đảng viên, đạt 100,34% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đề ra. Tổng số đảng viên đến tháng 12/2020 là 5.318 đảng viên. Riêng năm 2020, toàn huyện kết nạp được 108 đảng viên mới (đạt 108% so với kế hoạch; tăng 66 đảng viên mới so với cùng kỳ năm 2019).

Việc kết nạp đảng viên không chạy theo số lượng mà được các TCCSĐ thực hiện nghiêm theo Chỉ thị 28-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên.

Đảng viên tham gia phát biểu ý kiến tại sinh hoạt chi bộ bản Lồng Không, thị trấn Kim Sơn, Quế Phong. Ảnh: G.H
Đảng viên tham gia phát biểu ý kiến tại sinh hoạt Chi bộ bản Lồng Không, thị trấn Kim Sơn, Quế Phong. Ảnh: G.H

Trong thời gian tới, để thực hiện được mục tiêu: Cả nhiệm kỳ kết nạp 450 - 500 đảng viên mới mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đặt ra, huyện Quế Phong  đặc biệt quan tâm tạo nguồn, phát triển đảng viên ở những chi bộ ít đảng viên và đảng viên tuổi cao, chi bộ xóm bản vùng sâu, vùng xa, chi bộ nhiều năm liền không có kết nạp và chi bộ vùng giáp biên giới; củng cố các chi bộ khối, xóm, bản ngày càng vững mạnh, không để xảy ra nguy cơ không còn chi bộ.

Tin mới