Gieo hạt giống

Dự án 600 (năm 2011) của Chính phủ là dự án thí điểm chọn những tri thức trẻ làm Phó Chủ tịch UBND xã vùng cao khó khăn được tôi theo dõi và gắn bó một thời gian khá dài, nên tôi đặc biệt quan tâm trước thông tin “Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy nghiên cứu, tham mưu ban hành quy định thí điểm điều động cán bộ cấp sở, ngành về tăng cường ở cấp xã” (Báo Nghệ An điện tử ngày 29/8/2023). Đây là một trong những nội dung tại Thông báo số 1029 -TB/TU ngày 28/8/2023 của Tỉnh ủy Nghệ An thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại Chương trình gặp mặt, đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Liên quan đến người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, ở chương trình này, Thường trực Tỉnh ủy đánh giá đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn có vai trò rất quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành hoạt động kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở, là cầu nối gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Đồng thời, nhìn nhận trình độ, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn ngày càng được nâng lên, có nhiều đóng góp rất tích cực đối với sự phát triển của tỉnh. Dù có đánh giá, nhìn nhận như vậy, nhưng Thường trực Tỉnh ủy cũng chỉ ra rằng, có một bộ phận cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn còn thiếu gương mẫu, vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành trên một số lĩnh vực hiệu quả chưa cao.

Chương trình gặp mặt, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An với lãnh đạo chủ chốt cấp xã năm 2023. Ảnh tư liệu: Thành Duy - Thành Cường
Chương trình gặp mặt, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An với lãnh đạo chủ chốt cấp xã năm 2023. Ảnh tư liệu: Thành Duy - Thành Cường

Bởi vậy, trong nhiều nhiệm vụ trọng tâm Thường trực Tỉnh ủy đề ra đối với lãnh đạo chủ chốt cấp xã, có yêu cầu phải phát huy tốt trách nhiệm cá nhân, giải quyết tốt các mối quan hệ công tác; nâng cao năng lực trong quản lý, điều hành của chính quyền, gắn với ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Để tạo sự thống nhất, chuyển biến tích cực trong nhận thức hành động, một trong những giải pháp Thường trực Tỉnh ủy đề ra, là giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành quy định thí điểm điều động cán bộ cấp sở, ngành về tăng cường ở xã, phường, thị trấn.

Trở lại với Dự án 600 năm 2011 của Chính phủ, nhớ giai đoạn này, nhiều xã vùng khó như Phá Đánh, Huồi Tụ, Hữu Khuông, Yên Na, Mường Nọc… thuộc các huyện 30a Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong của tỉnh được tăng cường Phó Chủ tịch UBND xã là các tri thức trẻ. Gắn bó với những tri thức trẻ làm Phó Chủ tịch UBND xã từ những ngày đầu, tôi biết họ hầu hết vừa rời các trường đại học một thời gian ngắn, còn non nớt trước các vấn đề xã hội, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, và nhất là trong công tác quản lý Nhà nước thì đang như tờ giấy trắng. Vậy nhưng, dõi theo thì thấy bằng nhiệt huyết, khát vọng cống hiến của người trẻ, qua một thời gian gắn bó với công việc, họ đã khẳng định năng lực của bản thân trên những vùng đất mới đầy rẫy những khó khăn.

Có những bạn trẻ nhận nhiệm vụ trong vùng có 100% đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế – xã hội vô cùng khó khăn, nhiều tập tục lạc hậu, đã thế lại bị một số cán bộ cơ sở hoài nghi, xa lánh. Vậy nhưng, bằng năng lực tự thân, họ đã gây dựng được niềm tin, rồi được đồng bào xem như người thân, xua tan những ánh nhìn hoài nghi. Thậm chí, họ đã đưa ra những cách làm hay, sáng tạo, tạo được làn gió mới mát lành, góp phần tích cực thay đổi cách làm, cách nghĩ của cán bộ cơ sở.

Cán bộ xã Đôn Phục (Con Cuông) gặp gỡ người dân bản Xiềng; Cán bộ xã Tam Hợp kiểm tra hiệu quả mô hình cây bo bo. Ảnh tư liệu: Nguyên Nguyên - Mai Hoa
Cán bộ xã Đôn Phục (Con Cuông) gặp gỡ người dân bản Xiềng; Cán bộ xã Tam Hợp kiểm tra hiệu quả mô hình cây bo bo. Ảnh tư liệu: Nguyên Nguyên - Mai Hoa

Từ những điều tích cực của đội ngũ tri thức trẻ Dự án 600, thấy chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, trong tương lai gần cho thí điểm điều động cán bộ cấp sở, ngành về tăng cường ở cấp xã là một nội dung hay, rất cần thiết. Bởi rõ ràng đem so sánh với những tri thức trẻ Dự án 600, các cán bộ sở, ngành ở một “đẳng cấp” vượt trội. Bởi họ là những cán bộ được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị, quản lý Nhà nước…, và hầu hết đã dày dạn kinh nghiệm công tác. Có thể có một “chút khác” để so sánh, đó là vấn đề tâm lý. Với những tri thức trẻ Dự án 600 là những sinh viên vừa rời ghế nhà trường chưa có việc làm ổn định, chưa vướng bận chuyện gia đình riêng tư nên dám xông pha. Còn với cán bộ sở, ngành là những người đã “định vị” biên chế Nhà nước, việc làm ổn định, phần lớn đã có gia đình…, sẽ ít nhiều tâm lý trước việc tăng cường về xã công tác.

Nhưng hẳn “chút khác” ấy sẽ được giải quyết thấu đáo. Vì trước khi quyết định thực hiện thí điểm, Thường trực Tỉnh ủy đã giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành quy định liên quan. Bởi vậy, rất tin những cán bộ sở, ngành được điều động cũng sẽ có tâm lý tốt, để có nhiệt huyết, khát vọng cống hiến. Với những gì đã được trang bị, họ sẽ có nhiều cống hiến, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương cơ sở. Và một điều quan trọng nữa là sau những tháng ngày gắn bó với cơ sở, gần gũi sâu sát nhân dân, được thực tiễn công tác bồi dưỡng, họ – những cán bộ sở, ngành tăng cường về xã sẽ trở thành những hạt giống tốt!