Gìn giữ truyền thống các dòng họ xứ Nghệ

(Baonghean) - Xuân Tân Sửu 2021 đã cận kề, không khí chuẩn bị đón Tết đã bắt đầu rộn ràng khắp nơi nơi. Nhân dịp này, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa Đào Tam Tỉnh xung quanh vấn đề truyền thống gia đình, dòng họ.

P.V: Xin chào ông Đào Tam Tỉnh! Được biết ông là một nhà nghiên cứu văn hóa đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về truyền thống gia đình và dòng họ. Vậy xin ông cho biết vai trò của gia đình, dòng họ đối với mỗi người dân Việt Nam?

Ông Đào Tam Tỉnh: Vâng! Có một điều ai cũng thừa nhận là mỗi một người khi sinh ra đều có họ và tên khai sinh, nó gắn liền từ khi sinh ra cho đến lúc qua đời. Họ của mỗi người gắn liền với dòng tộc của người đó, mang tính huyết thống, tính di truyền, nên có sự kiêu hãnh, tự hào của một cộng đồng dòng tộc, là đặc trưng tiêu biểu của xã hội.

Nhà nghiên cứu Đào Tam Tĩnh. Ảnh: Công Kiên
Nhà nghiên cứu Đào Tam Tĩnh. Ảnh: Công Kiên

Mệnh đề “Họ - Hàng”, từ xưa như một sự định vị: Đã là “họ” phải có “hàng”. Nó mang ý nghĩa là tính trật tự và sự kế tiếp có trước, có sau, có trên, có dưới, cũng là tôn tri trật tự để hình thành và tạo ra nề nếp gia phong của gia đình, dòng họ.

Hầu hết chúng ta đều sinh ra, lớn lên và gắn bó với một gia đình, được đặc trưng bởi quan hệ hôn nhân và huyết thống, các thành viên cùng chung sống dưới một mái nhà. Văn hóa dòng họ và gia đình chính là sự kết tinh giá trị vật chất, tinh thần được đúc kết trong quá trình lao động, cuộc sống và tạo nên nét bản sắc đặc trưng đặc sắc con người.

P.V: Được biết ông đang trong quá trình hoàn thiện công trình “Những dòng họ văn hóa ở Nghệ An”, xin ông cho biết đôi nét về truyền thống văn hóa dòng họ, gia đình ở Nghệ An?

Ông Đào Tam Tỉnh: Khi nghiên cứu về vùng đất và con người xứ Nghệ, các học giả đều chú ý nhấn mạnh đến "Yếu tố thiêng", đến "Hồn thiêng sông núi" như một đặc tính nổi bật: "Địa linh, nhân kiệt". Dòng họ Nghệ Tĩnh cũng không thể nằm ngoài "không gian thiêng" ấy. Người Nghệ An cũng như người Việt nói chung luôn đề cao các mối quan hệ gia đình, họ hàng, dòng tộc và sự cống hiến của tổ tiên trong lịch sử đấu tranh bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.

Niềm vui gia đình sum vầy ngày Tết. Ảnh lấy từ trang vietcotra.vn
Niềm vui gia đình sum vầy ngày Tết. Ảnh: trang vietcotra.vn

Đất nước ta trải qua bao biến đổi của lịch sử đã có những bước phát triển mới về kinh tế và mọi mặt, nên vấn đề văn hóa dòng họ cũng đang được đặt ra như điều cần thiết... Dòng họ, gia đình là một thiết chế xã hội quan trọng, trực tiếp góp phần tạo nên kết cấu làng xã và rộng hơn nữa là đất nước.

Nhiều dòng họ ở Nghệ An đã nổi tiếng và gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của xứ sở và dân tộc, đóng góp phần quan trọng trong sự nghiệp chinh phục thiên nhiên, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người Việt dù có mang tên, họ khác nhau, dù thuộc các dòng họ đã trải qua quá trình hưng vong, thăng trầm nhưng đều chung một truyền thống tốt đẹp, đó là luôn có tâm niệm về gốc gác, tổ tiên để thờ kính, để tìm về cội nguồn.

Người Nghệ luôn đề cao nhà thờ dòng họ vì đó là nơi để con cháu quy tụ trong các dịp giỗ tổ tiên, để tri ân ngưỡng mộ bề trên (người sinh tạo đầu tiên của dòng tộc), nơi tạo ra đức tin sâu sắc và trở thành sự kết nối tâm linh truyền thống từ nhiều đời. Nó cũng tạo ra một trật tự mẫu mực cho các thế hệ trước sau, bao hàm các giá trị đích thực về giáo dục đạo đức, về thuần phong, mỹ tục gia đình, dòng tộc và xã hội.

Ảnh: Sách Nguyễn
Tết đến, Xuân về là dịp để mỗi người hướng về tổ tiên, nguồn cội. Ảnh: Sách Nguyễn

Việc thờ cúng gia tiên đã thành tục lệ tín ngưỡng của mỗi gia đình nên được tôn sùng gọi là Đạo gia tiên. Nó tạo nên một nề nếp đẹp, buộc con cháu, các thế hệ nối tiếp phải tuân theo, bảo vệ với khuôn thước mà quy ước dòng họ đã quy định. Hai bên bàn thờ gia tiên chúng ta thường thấy có đôi câu đối mà mỗi người đều rất dễ nhớ, dễ thuộc: “Tổ tông công đức muôn đời thịnh/Con cháu thảo hiền vạn đại hưng”.

Đơn giản vậy thôi nhưng nó có sức mạnh tinh thần sâu sắc, nhắc nhở con cháu phải tôn trọng tổ tông thì mới được hưởng đức ân thịnh và con cháu mới ngoan ngoãn, nối đời được tốt đẹp, giàu sang, phú quý. Con cháu dù đi đâu, về đâu, dù nên ông, nên bà cũng phải luôn tưởng nhớ tới tổ tiên, tôn kính thờ cúng ông bà, cha mẹ, những người đã khuất núi.

Truyền thống, gia phong các dòng họ như vậy đã tạo cơ sở cho sự hưng thịnh của các dòng họ ở Nghệ An. Mỗi dòng họ đều có những nét đặc trưng về văn hóa, có những nhân vật nổi danh, có đóng góp công tích lớn cho đất nước.

Nhiều dòng họ ở xứ Nghệ được cả vùng hay cả nước biết đến bởi có danh nhân nổi tiếng, nhân vật tiêu biểu, tiếng tăm lừng lẫy trong sử sách như họ Mai ở Nam Thái (Nam Đàn) có Anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan; họ Bạch ở Mã Thành (Yên Thành) có Bạch Liêu là người thi đỗ Trạng nguyên thời Trần, khai đại khoa và dòng khoa bảng Nghệ An; họ Hồ ở Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) có nhiều nhân vật xuất sắc nổi tiếng trong sử sách...

Ảnh: Sách Nguyễn
Truyền thống, gia phong các dòng họ như vậy đã tạo cơ sở cho sự hưng thịnh của các dòng họ ở Nghệ An. Ảnh: Sách Nguyễn

Đến nay, nhiều lớp con cháu của các dòng họ lại kế tiếp, phát huy truyền thống hiếu học, yêu nước, ra sức cống hiến tài năng, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.

P.V: Có thể nói, Tết đến, Xuân về là thời khắc thể hiện rõ nhất, hay nói cách khác là điểm hội tụ truyền thống văn hóa gia đình và dòng họ của người Việt. Nay Tết Nguyên đán 2021 đã cận kề, ông có thể chia sẻ đôi điều về vấn đề này, thưa ông?

Ông Đào Tam Tỉnh: Tết là dịp sum vầy, đoàn tụ gia đình, là cơ hội mỗi người tìm về gốc gác, nguồn cội để chia sẻ yêu thương, tri ân và thờ kính. Tôi rất thích câu hát: “Dù đi đâu ai cũng nhớ/Về chung vui bên gia đình” của Từ Huy. Chiều 30 Tết chưa được đứng trước bàn thờ gia tiên, sáng mùng Một chưa được vái tổ tiên ai cũng chợt thấy day dứt trong lòng.

Tết đến, Xuân về cũng là dịp để nhiều dòng họ làm lễ tế tổ, các thế hệ được gặp nhau để trao đổi tâm tình, bày tỏ niềm tôn kính và yêu thương, cùng hướng đến những điều tốt đẹp...

P.V: Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước đã thực sự quan tâm đến việc xây dựng và phát huy truyền thống gia đình, dòng họ. Với tư cách nhà nghiên cứu văn hóa, ông nhận thấy vấn đề này như thế nào?

Ông Đào Tam Tỉnh: Đảng và Nhà nước ta đã luôn chú trọng và coi công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng gia đình, dòng họ văn hóa. Cụ thể là xây dựng các văn bản pháp quy, xây dựng các tiêu chí, quy chuẩn mẫu mực cho việc công nhận gia đình, dòng họ đạt chuẩn văn hóa.

Phong trào xây dựng dòng họ, gia đình văn hóa những năm gần đây đã được người dân và chính quyền các cấp quan tâm rất lớn. Nhiều dòng họ đã tổ chức thành Hội đồng gia tộc, biên soạn lại gia phả, dựng phả hệ, soạn quy chế, phục dựng nhà thờ; lập bia suy tôn công lao của tiên tổ; xây dựng quỹ khuyến học; khuyến thiện...

Ảnh tư liệu: Huy Thư
Hội thi trống tế dịp đầu Xuân mới giữa các dòng họ ở huyện Yên Thành. Ảnh tư liệu: Huy Thư

Nhờ thế, các dòng họ ngày càng phát huy được các truyền thống tốt đẹp: Con cháu đoàn kết, ra sức thi đua học giỏi, làm việc tốt, đóng góp công sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Đời sống xã hội càng phát triển chúng ta càng thấy rõ và nhận thức được rằng gia đình là nơi gìn giữ, phát huy tốt nhất các giá trị truyền thống tốt đẹp của dòng họ. Do vậy, điều tiên quyết đặt ra là cần quan tâm và chú trọng việc phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, dòng họ với chính quyền các cấp, tổ chức xã hội, trường học để chăm lo xây dựng các thế hệ con người mới. Xây dựng dòng họ, gia đình văn hóa là góp phần làm cho giá trị đạo đức dòng họ lan tỏa, tác động tích cực và hữu hiệu trong việc gìn giữ đạo đức xã hội.

P.V: Trở lại với vấn đề vai trò của văn hóa gia đình và dòng họ, yếu tố này được đánh giá là môi trường tốt nhất để mỗi thành viên phát huy truyền thống tốt đẹp và thực sự trưởng thành. Theo ông, việc giáo dục con cháu trong dịp sum vầy, vui Xuân, đón Tết nên tiến hành như thế nào?

Ông Đào Tam Tỉnh: Đúng vậy! Gia đình, dòng họ, xã hội có văn hóa sẽ là môi trường tốt nhất tạo điều kiện cho các thành viên phát huy được những nét truyền thống tốt đẹp để trở thành con người có văn hóa, gia đình có văn hóa. Bác Hồ đã chỉ rõ: “Gia đình có tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì tạo điều kiện cho việc xây dựng gia đình tốt”.

Ảnh tư liệu: Huy Thư
Người dân huyện Yên Thành cổ vũ Hội thi trống tế dịp đầu Xuân. Ảnh tư liệu: Huy Thư

Vì thế, mỗi gia đình, dòng họ cần bồi dưỡng cho con cháu cả về tri thức và cách ứng xử với cộng đồng. Chẳng hạn, nhân dịp gặp mặt hay tế tổ đầu năm, Hội đồng gia tộc nêu gương sáng của người xưa, lấy các tấm gương vượt khó, phát huy tính hiếu học và tôn sư trọng đạo... để con cháu lấy đó làm động lực phấn đấu và noi theo.

Đồng thời, giáo dục đạo đức, lòng yêu nước bằng cách nêu những tấm gương sáng về sự hiếu lễ và những tấm gương tiên tổ giàu lòng yêu nước, thương nòi, sống nhân đạo, được Nhà nước, Nhân dân và con cháu tôn vinh, tôn thờ...

Tin mới