"Gió đổi chiều" ở Iraq, Nhà nước Hồi giáo tự xưng sẽ bị đẩy lùi?

Một vài tín hiệu tích cực xuất hiện tại Iraq trong những ngày qua đã làm gia tăng hy vọng về việc quốc gia Trung Đông này sẽ sớm đẩy lùi được các đợt tấn công của các tay súng thánh chiến người Sunni thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, từng bước đưa Baghdad thoát khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hiện nay.
Xe của quân đội Iraq tuần tra trên tuyến đường phía tây thủ phủ Ramadi. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Xe của quân đội Iraq tuần tra trên tuyến đường phía tây thủ phủ Ramadi. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trên mặt trận quân sự, tình hình đang tiến triển nhanh chóng. Quân đội Iraq đã bắt đầu lấy lại thế chủ động sau hàng loạt thất bại thảm hại từ hơn hai tháng qua.
Với sự yểm trợ của không quân Mỹ, quân chính phủ Iraq phối hợp với các tay súng người Kurd đã giành lại quyền kiểm soát toàn bộ đập thủy điện Mosul lớn nhất nước này từ tay phiến quân IS. Đây là thắng lợi lớn nhất của quân đội Iraq kể từ khi lực lượng này phát động chiến dịch phản công IS hồi đầu tháng Sáu vừa qua.
Ngoài ra, lực lượng an ninh Iraq cũng đang mở các cuộc tấn công nhằm chiếm lại Tikrit - nơi chứa các mỏ dầu đang bị IS kiểm soát - đồng thời phối hợp với các tay súng bộ tộc tổ chức phản công trên nhiều mặt trận khác.
Trong khi đó, căng thẳng chính trị trong suốt nhiều tháng qua ở Iraq cũng nhanh chóng hạ nhiệt sau khi Thủ tướng sắp mãn nhiệm Nuri al-Maliki tuyên bố không tái tranh cử nhiệm kỳ ba và ủng hộ người được chỉ định thay thế. 
Động thái này mở đường cho việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc với sự tham gia của tất cả các bên nhằm chèo lái đất nước trong bối cảnh Iraq đang rơi vào cuộc xung đột phe phái đẫm máu nhất kể từ khi Mỹ rút quân vào năm 2011 và đối mặt với những bước tiến như vũ bão của IS.
Trong suốt thời gian cầm quyền, Thủ tướng Nuri al-Maliki đã chịu sự chỉ trích mạnh mẽ từ mọi phía, kể cả các đồng minh thân cận và các nhân vật có nhiều ảnh hưởng trong cộng đồng người Shi'ite của ông, đồng thời bị các nước bảo trợ chính là Mỹ và Iran dần xa lánh. 
Không chỉ bị cáo buộc độc đoán trong cách thức điều hành chính phủ và đưa ra các chính sách không được lòng dân, ông Maliki còn bị coi là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng bất ổn, đẩy nhà nước Iraq tới bờ vực sụp đổ. Các ý kiến chỉ trích cho rằng nhà lãnh đạo này đã theo đuổi chính sách phe phái thù địch với người Sunni, qua đó kích động các tay súng bộ tộc Sunni nổi dậy và quay sang ủng hộ IS.
Vì thế, quyết định "buông tay" của ông Maliki không chỉ hóa giải những mâu thuẫn phe phái gay gắt, mà còn giúp hình thành một mặt trận thống nhất chống IS và khai thông các nguồn hỗ trợ quý giá từ bên ngoài.
Theo các nhà phân tích, chính IS đã đẩy nhanh việc ra đi của ông Maliki, đồng thời đưa các bên đối địch xích lại gần nhau. Hiện hầu hết các lực lượng đối lập người Sunni đã quay trở lại Baghdad và sẵn sàng hợp tác với chính quyền. Trong khi đó, chính quyền tự trị của người Kurd (KRG) đã hòa giải với chính phủ trung ương Baghdad, trao trả hai mỏ dầu và ngỏ ý sẵn sàng tham gia chính phủ đoàn kết dân tộc.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã quyết định cho phép không kích Iraq và đưa thêm cố vấn quân sự tới nước này, trong khi Iran và Saudi Arabia cùng nhất trí ủng hộ Thủ tướng được chỉ định Haidar al-Abadi.
Nếu như trước đây, một số lực lượng Sunni ủng hộ IS nhằm tìm kiếm sự hậu thuẫn chống lại Thủ tướng Maliki thì giờ họ không còn lý do để tiếp tục liên kết với tổ chức thánh chiến Hồi giáo này.
Vào cuối tuần qua, 25 bộ tộc người Sunni ở tỉnh miền Tây Anbar đã phát động "cách mạng nhân dân" chống IS và phối hợp với quân chính phủ đẩy lùi nhóm thánh chiến này ra khỏi khu vực của mình. Động thái này có thể làm thay đổi tương quan lực lượng trên chiến trường do các bộ tộc người Sunni được cho là đang nắm giữ "chìa khóa" trong cuộc chiến chống lại IS - vai trò mà họ từng thể hiện khi liên kết với Mỹ để chống lại Al-Qaeda.
Cùng với quyết định rút lui của ông Maliki, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cũng đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết đưa các thủ lĩnh IS vào danh sách trừng phạt và "đóng băng" các tài sản liên quan nhóm này. Nghị quyết cũng đe dọa trừng phạt tất cả các cá nhân hay tổ chức nào tuyển mộ nhân sự, cung cấp tài chính hay vũ khí cho IS, qua đó chặt đứt mọi nguồn hỗ trợ của nhóm phiến quân này.
Trong khi đó, IS cũng tự đẩy mình vào thế bị cô lập do bản chất man rợ và gây thù chuốc oán với tất cả các tôn giáo và sắc tộc. Nhóm này thường xuyên được nhắc đến qua hàng loạt vụ hành quyết man rợ nhằm vào các tín đồ Công giáo, Hồi giáo dòng Shi'ite và người thiểu số Yazidi ở miền Bắc Iraq.
Ngoài ra, IS còn gây lo ngại cho các tín đồ người Sunni khi thực thi các biện pháp hết sức hà khắc tại các khu vực do họ kiểm soát ở Iraq và Syria. Nỗi ám ảnh về IS khiến tất cả các phe phái không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận hòa giải và liên kết với nhau để chống lại lực lượng này.
Thực tế cho thấy IS không chỉ là mối đe dọa hiện hữu đối với Iraq và Syria mà cả các nước khác trong và ngoài khu vực. Vì thế, cuộc chiến chống lại IS là cuộc chiến lâu dài và cam go, phụ thuộc rất lớn vào khả năng đoàn kết giữa các lực lượng tôn giáo và sắc tộc cũng như sự trợ giúp có hiệu quả của cộng đồng quốc tế./
Theo-TTXVN

Tin mới