Giữ lại "cam Xã Đoài"?

(Baonghean) - Nguy cơ cam Xã Đoài thất truyền đã được cảnh báo từ lâu. Trước nguy cơ ấy, một số hộ dân và chính quyền xã Nghi Diên đã tự tìm cách để bảo tồn giống cam quý hiếm này. Kết quả dù còn hạn chế, nhưng cam Xã Đoài vẫn còn được trồng trên đất Xã Đoài.
Hàng năm, dẫu không nhiều, vào dịp sát Tết, những ai có tiền, nếu đặt hàng từ sớm vẫn có thể mua được vài, ba chục trái để làm quà biếu hoặc để được thưởng thức. Nói khác đi, cam Xã Đoài vẫn chưa mất giống. Vấn đề là, thực tế đã đặt ra lời cảnh báo, cần bảo tồn bền vững và hiệu quả giống cam Xã Đoài. Mà muốn vậy, cần có một đề tài nghiên cứu khoa học và quá trình thực nghiệm kết hợp với tổng kết thực tiễn từ chính người dân có kinh nghiệm trồng cam trên đất Xã Đoài.
Để phục tráng cam Xã Đoài, phải có cái nhìn khoa học và cách làm khoa học đối với giống cây quý này. Chúng tôi - bạn đọc Báo Nghệ An, xin được mạo muội góp một cái nhìn khoa học về cây cam Xã Đoài: 
- Những phẩm chất quý của cây cam Xã Đoài nằm ở bộ gen di truyền vốn có của nó. Những phẩm chất này chỉ có thể bộc lộ nếu nó được trồng trên đất phù hợp, ở vùng khí hậu phù hợp. Cây cam Xã Đoài không phải là cây bản địa. Nó được các cha cố người Tây mang từ phương Tây về trồng ở đây (có đoán định là mang từ vùng Địa Trung Hải). Một sự trùng hợp (ngẫu nhiên) là cây cam này hợp với đất, với trời ở Xã Đoài. "Trời" Xã Đoài thì chắc là không mấy khác biệt với trời các xã xung quanh. Nên chắc chắn là đất Xã Đoài chính là điều khác biệt; chỉ có ở Xã Đoài. Cây cam Xã Đoài đem trồng trên đất khác không còn vẹn nguyên là cam Xã Đoài nữa! Vậy đất xã Đoài là đất gì? Đất như thế nào? Trả lời câu hỏi này phải có sự vào cuộc của ngành Nông hóa thổ nhưỡng với các điều tra và xét nghiệm tỷ mỉ nhất có thể, với các thiết bị hiện đại nhất hiện nay.
- Cam xã Đoài, trồng ở đất Xã Đoài càng ở các chu kỳ sau càng thoái hóa mạnh. Năng suất, đặc biệt là chất lượng giảm rõ rệt. Số quả trên 1 cây ngày một ít. Mã quả ngày một xấu. Độ ngọt, vị ngọt và hương thơm không còn như quả ở chu kỳ một. Tại sao vậy? Trời Xã Đoài chắc vẫn vậy. Còn đất Xã Đoài chắc chắn đã suy thoái theo thời gian mà cây cam sống trên đó. Đất suy thoái những gì? Suy thoái mức nào? Vì sao bị suy thoái? Để trả lời câu hỏi này phải có sự vào cuộc của ngành Nông hóa thổ nhưỡng, của ngành Sinh lý cây trồng với các cuộc điều tra, các xét nghiệm chi li.
Như vậy, sự thoái hóa của cam Xã Đoài chủ yếu là do đất bị suy thoái sau một chu kỳ cam trồng trên đó! Và, sự suy thoái của cây cam Xã Đoài như là một tất yếu nếu như không được chặn đứng bằng tri thức khoa học và cách làm khoa học. Số cây cam Xã Đoài cho đến nay còn giữ được phẩm cấp như cây nguyên chủng đã được đưa về đây trên 100 năm chắc chắn là rất hiếm. Vậy, hiện nay tại xã Nghi Diên còn được mấy cây như thế và cụ thể là những cây nào? Để có câu trả lời chắc chắn lại phải có sự vào cuộc của khoa học về giống, về sinh lý cây trồng, về gen di truyền, về chất lượng thực phẩm qua các phân tích, các xét nghiệm với các thiết bị hiện đại.
Từ cái nhìn khoa học như trên để có cách làm khoa học, xin được đề xuất các trình tự:
- Bằng các biện pháp khoa học kết hợp với kinh nghiệm truyền thống, tìm cho bằng được những cây cam gần với nguyên chủng nhất hiện đang được trồng trên đất Xã Đoài. Sau khi đã tìm được, phải có cách chăm sóc, bảo vệ đặc biệt để các cây này không bị thoái hóa thêm. Phải coi các cây này là tài sản quốc gia. Từ các cây này, bằng các biện pháp khác nhau để nhân giống cho quá trình phục tráng cam Xã Đoài. Nếu để các cây này mất đi thì coi như cam Xã Đoài mất giống.
- Tiến hành điều tra, phân tích đất Xã Đoài (trước hết ở vườn cam có phẩm cấp cao nhất) để mô tả đất Xã Đoài một cách chi tiết nhất có thể cả thành phần, tính chất vật lý, hóa học và sinh học. Tìm cho được cái riêng có của đất Xã Đoài so với các vùng đất na ná như đất Xã Đoài. Việc này gọi là điều tra cơ bản về đất cho cam Xã Đoài.
- Sau khi đã trồng cam trên đất phù hợp, hàng năm, phải tiến hành điều tra lại (mỗi năm một lần sau vụ thu hoạch). Kết quả điều tra lại đem đối chiếu với kết quả điều tra cơ bản để đưa ra kết luận: Đất đã thay đổi như thế nào sau 1 năm, 2 năm... sau một chu kỳ.
-  Từ kết quả điều tra cơ bản để xác định ngay trên đất Xã Đoài: vườn nào, cánh đồng nào, vùng nào có đất phù hợp để trồng cam. Sau đó, sự xác định ấy là cơ sở để xã Nghi Diên lập quy hoạch trồng cam cụ thể.
- Từ kết quả điều tra hàng năm, để đưa ra được một quy trình tổng hợp canh tác cam năm thứ nhất, thứ hai... năm cuối chu kỳ... Và năm bắt đầu chu kỳ hai (tái canh)... Quy trình này có mục đích cuối cùng cao nhất đó là phục hồi nguyên trạng đất như khi chưa trồng cam. Đất không suy thoái thì cam trồng trên đó cũng không thể thoái hóa.
- Cuối cùng là những tri thức, những hiểu biết nói trên phải được chuyển giao 100% cho người trồng cam tại Nghi Diên. Họ, từ người trồng cam truyền thống trở thành người trồng cam hiện đại. Phải có những người trồng cam giàu tri thức mới đảm bảo cho cam Xã Đoài không bị thất truyền.
Trương Công Anh