Giữ lấy thương hiệu ngói Cừa

(Baonghean) - Đã gần nửa thế kỷ qua, “thương hiệu” ngói Cừa, ở xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ đã cho ra đời hàng triệu triệu viên ngói, góp phần làm nên hàng vạn ngôi nhà khang trang. Những mái tranh, vách nứa của nhiều miền quê khốn khó đã lùi xa, thay vào đó là màu ngói đỏ tươi. Không những thế, thương hiệu ngói Cừa còn vươn vào tận Quảng Bình, Hà Tĩnh… HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ làng nghề ngói Cừa đang tìm một định hướng mới để tiếp tục khẳng định chất lượng trên thị trường.

Một ngày trung tuần tháng 8, chúng tôi đến HTX Sản xuất và kinh doanh dịch vụ (KDDV) làng nghề ngói Cừa. Anh Nguyễn Văn Hạnh – Chủ nhiệm HTX, chia sẻ: Ngói Cừa thời gian qua đã có dấu hiệu “bế tắc” về thị trường tiêu thụ, do không đủ sức cạnh tranh với các dòng sản phẩm ngói lợp khác. Đơn cử như, Hà Tĩnh và Quảng Bình trước đây là thị trường chủ lực của ngói Cừa. Nhưng mấy năm nay, ngói Cừa không còn thị phần trên 2 địa bàn đó. Điều dễ hiểu, là chất lượng ngói Cừa thua hẳn so với sản phẩm ngói lợp khác. Có 3 nguyên nhân chính mà Ban Quản lý HTX cũng như xã viên đã xác định, đó là nguyên liệu để làm ra sản phẩm đã bị cạn kiệt, nhiều xã viên chưa quan tâm đến chất lượng mà chỉ chạy đua với số lượng sản phẩm; người lao động chỉ làm theo mùa vụ, chưa có tính chuyên nghiệp và thứ 3 là máy móc công nghệ còn thủ công, quá lạc hậu, chậm đổi mới.

Muốn sản phẩm ngói Cừa tái chiếm lĩnh thị trường, không còn cách nào khác là HTX phải có “cuộc cải cách” về công nghệ sản xuất, mà trước hết là công nghệ cấp phôi. Vì phôi là yếu tố quyết định chất lượng ngói. Phôi có đảm bảo thì sản phẩm ngói sau khi nung sẽ đẹp, tốt hơn, giảm tỉ lệ viên ngói bị nứt, tiêm và ngược lại, nếu phôi không tốt thì viên ngói sẽ không đẹp và tỷ lệ tiêm, nứt cao. Đặc biệt, sử dụng dây chuyền cấp phôi công nghệ cao, giảm được công nặng nhọc cho lao động và giảm chi phí cho xã viên.

Và điều mong ước đó đang thành hiện thực, khi nhiều xã viên đã nhận thức rõ thị phần của sản phẩm ngói Cừa trên thị trường hiện nay đang hẹp dần. Nói rồi, ông Hạnh tự tin khoe, HTX vừa đầu tư hàng chục tỷ đồng xây lắp dây chuyền cấp phôi công nghệ cao ngay tại làng nghề. Để “mục sở thị” dây chuyền này, anh Hạnh hồ hởi dẫn chúng tôi qua những con đường ngập đầy bụi đất trong nội vùng làng nghề sản xuất ngói. Từ xa, đã nhìn thấy 2 khu nhà lợp bằng mái tôn liền kề nhau, rộng tới hàng nghìn m2, phía sau những vách lò ngói truyền thống. Tại đây, dây chuyền cấp phôi công nghệ cao đã cơ bản lắp ráp xong, còn nguyên màu sơn mới, chỉ còn vài tốp công nhân đang tập trung cao độ để chỉnh sửa lại một số chi tiết. Bên ngoài, những xe ô tô đang hối hả tập kết nguyên liệu đất, chuẩn bị cho ngày chính thức đưa vào hoạt động, sản xuất phôi cung cấp cho xã viên.

Anh Nguyễn Văn Hạnh kiểm tra các công đoạn lắp ráp dây chuyền cấp phôi công nghệ cao.

Anh Hạnh, tâm đắc giới thiệu: Dây chuyền này, riêng bộ phận máy nhập từ Ba Lan, còn lại là do Công ty TNHH Điện cơ Hải Xuân Hòa – Vĩnh Phúc sản xuất. Để xây dựng toàn bộ hệ thống nhà xưởng, sân… cùng với dây chuyền này là 45 tỷ đồng. Toàn bộ số vốn này là do xã viên đóng góp. HTX có 125 xã viên, đã có 52 xã viên tự nguyện đóng góp vốn để xây dựng dây chuyền. Số xã viên còn lại không phải là đứng ngoài cuộc, mà họ sẽ đầu tư giai đoạn tiếp theo, nếu như dây chuyền này hoạt động hiệu quả.

Mục đích của dây chuyền này là cấp phôi cho các xã viên sản xuất ngói. Trước đây, các xã viên đầu tư máy ngào đất, và sử dụng sức người để phục vụ máy, mới có phôi để dập ra viên ngói. Và để có phôi sản xuất ngói trong ngày, công nhân phải dậy từ rất sớm để sản xuất phôi, rất vất vả, nhưng sản phẩm không đẹp, và không tốt. Sản xuất phôi bằng công nghệ cao, nguyên liệu được nghiền, nhồi kỹ qua 7 công đoạn, nên phôi có độ dẻo cao, do đó bề mặt viên ngói sẽ mịn hơn, đẹp hơn, sau khi nung, ít bị tiêm, nứt hơn. Công suất của dây chuyền này đạt 40 triệu phôi/năm.

Sau khi dây chuyền này hoạt động, các xã viên chỉ việc nhận phôi về sản xuất ngói, không còn cảnh tranh giành nguyên liệu như trước. Để phục vụ dây chuyền hoạt động liên tục, chỉ cần 50 lao động trực tiếp, trong đó 10 lao động có tay nghề kỹ thuật. Toàn bộ lao động này, HTX ưu tiên cho con em trong xã viên sau khi đã được đào tạo nghề. Hiện nay, nhiều con em của xã viên cũng như trong xã đã được đào tạo tay nghề kỹ thuật nhưng chưa có việc làm. Ngoài ra, còn sử dụng 15 xe ô tô chuyên vận chuyển đất, 1 máy múc, 1 máy ủi để phục vụ nguyên liệu cho dây chuyền hoạt động liên tục. Các loại phương tiện này, HTX cũng huy động từ xã viên mà thôi.

Đầu tư dây chuyền cấp phôi công nghệ cao còn giải quyết được cái lợi trước mắt cho từng xã viên. Anh Hạnh đặt phép tính: Khi dây chuyền đưa vào hoạt động, sản phẩm ngói sẽ trăm nhà như một, độ tiêm nứt, hư hao 20% như trước đây sẽ giảm xuống tỷ lệ rất ít. Nếu 1 xã viên mỗi năm sản xuất 50 vạn viên ngói, tỷ lệ hư hao chỉ tính 10% đã là 5 vạn viên, nhân với giá 2 nghìn đồng/viên đã có 100 triệu đồng/năm. Khi không phải tự sản xuất phôi nữa thì xã viên không còn chi phí sửa chữa dàn máy đùn, không phải đầu tư mua dầu bôi trơn, không phải chi phí vận chuyển nguyên liệu về nơi sản xuất và không phải dùng điện bơm nước, công ngâm ủ và các phụ khí khác… Ước tính, 7 cái lợi nhuận được cắt giảm cho từng hộ xã viên sẽ khoảng 290 triệu đồng/năm. Cân đối với mua phôi qua dây chuyền cấp phôi công nghệ cao cho thấy, mỗi viên phôi có giá 500 đồng, thì chi phí cho tiền mua phôi hết 250 triệu đồng. Như vậy, mỗi hộ xã viên còn được lãi 40 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, những xã viên đóng góp vốn vào dây chuyền, tức là góp vốn vào cổ phần sẽ được hưởng cổ tức hàng năm. Toàn bộ số xã viên của HTX lâu nay sử dụng máy đùn đã quá cũ, phải đại tu và thay đổi, một số hộ mạnh dạn thay đổi từ máy nhỏ sang máy to, giá thành xấp xỉ 100 triệu đồng, nhưng vẫn không hiệu quả, chất lượng sản phẩm vẫn như cũ. Cái được lớn nhất cho làng nghề ngói Cừa khi sử dụng dây chuyền cấp phôi công nghệ cao, là có sản phẩm đạt chất lượng cao, đủ sức để cạnh tranh với các sản phẩm ngói lợp khác trên thị trường. Hiện nay, nhiều làng nghề sản xuất ngói lợp trên cả nước đã sử dụng dây chuyền cấp phôi công nghệ cao từ cách đây nhiều năm, nếu mình chậm đổi mới, sẽ tự mình đánh mất thương hiệu với người tiêu dùng. Không những thế, khi đưa công nghệ cấp phôi cao vào sử dụng còn đánh bại các “vệ tinh” sản xuất ngói Cừa giả quanh khu vực, mà lâu nay người tiêu dùng bị đánh lừa. Do sử dụng phôi công nghệ cao, viên ngói sẽ bóng mịn hơn, đẹp hơn giúp cho người tiêu dùng dễ phân biệt giữa ngói sản xuất bằng phôi công nghệ cao và phôi máy thủ công.

Tôi nhìn vào khu xưởng, thấy vẫn còn một nửa chiều dọc đang bỏ trống, chưa kịp hỏi thì Chủ nhiệm Hạnh thổ lộ: Sau này, toàn bộ xã viên đóng góp vốn thì HTX sẽ đầu tư lắp đặt thêm 1 giàn máy công suất lớn hơn như thế này nữa, mới đáp ứng được nhu cầu sản xuất cho xã viên. Và cùng với đó là chuyển đổi công nghệ lò nung, để không những sản xuất ngói lợp mà HTX còn tính đến sản xuất một số mặt hàng cao cấp khác, như: gạch ốp, lát, sành, sứ... Vùng nguyên liệu của mình khá dồi dào, hơn nữa đất ở đây độ dẻo cao, khi sử dụng dây chuyền cấp phôi công nghệ cao, có thể sản suất các mặt hàng tráng men có chất lượng.

Chuyện ăn nên làm ra của HTX Sản xuất KDDV làng nghề ngói Cừa từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước đến nay, nếu bây giờ không chịu đổi mới công nghệ sẽ giống như gặp “liều thuốc đắng” trên thị trường trong thời kỳ hội nhập. Hiện nay, HTX Sản xuất KDDV làng nghề ngói Cừa có trên 160 lò gạch ngói, tạo việc làm cho trên 1.500 lao động thường xuyên trong xã. Tuy nhiên, tư duy sản xuất nhỏ lẻ, tự túc, thiếu tầm nhìn chiến lược như trước đây, đẩy sản phẩm ngói Cừa vào thế khó khăn trên mặt trận thị trường. Rõ ràng, việc HTX Sản xuất KDDV làng nghề ngói Cừa mạnh dạn đầu tư dây chuyền cấp phôi công nghệ cao đã tạo hướng đi mới cho làng nghề phát triển bền vững.

Xuân Hoàng

Tin mới