Giữ vững vùng xanh, tạo đà phát triển – Bài 2: Tăng cường “4 tại chỗ”

Ngày 14/7, những ca bệnh đầu tiên ở bản Khơ mú Chăm Puông, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương được phát hiện. Đến ngày 23/7, toàn bản có 23 F0 và 215 F1 (chiếm 1/4 dân số bản). Bản bị phong toả; vườn không, nhà trống; người thì đi cách ly tập trung, người thì cách ly tại nhà. Bản Chăm Puông tiêu điều vì dịch… Thế nhưng, khi chúng tôi trở lại bản Chăm Puông sau 3 tháng đại dịch Covid-19 càn quét qua, cuộc sống người dân nơi đây đã đổi thay nhiều: Đường bản đông vui người qua lại; hàng quán mở cửa lại; học sinh tung tăng đến trường; hệ thống loa phát thanh nội bản vang vang những thông điệp phòng, chống dịch Covid-19, giữ gìn cuộc sống mới an toàn bằng chính tiếng nói của dân bản.

Ông Lữ Bun Khăm (49 tuổi, cụm dân cư thứ 3, bản Chăm Puông) chia sẻ niềm vui: “Cả nhà tôi đều là F1 nên phải đi cách ly y tế tập trung 14 ngày, rồi về cách ly tại nhà thêm 14 ngày. Thành thử ruộng lúa nước đã cày mà chưa kịp cấy. Rất may là các cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội, dân quân… đã cấy giúp. Lúa cán bộ cấy nay đã phát triển rất tốt, cho nhiều hạt, gia đình rất cảm ơn. Cũng cảm ơn các ban, ngành, đoàn thể, người dân trong huyện, trong tỉnh đã hỗ trợ, ủng hộ lương thực và thực phẩm giúp dân bản vượt qua đại dịch”.

Ở bản Chăm Puông, không chỉ gia đình ông Khăm mà bất cứ gia đình nào cũng nhận được sự hỗ trợ thiết thực đó. Trong và sau dịch, không có một gia đình nào bị đói. Ông Ốc Văn Thủy – Phó bản Chăm Puông kể: “Đã có rất nhiều sự thay đổi ở Chăm Puông. Đầu tiên là ý thức phòng, chống dịch của người dân. Bây giờ, mọi người hiểu và sợ Covid-19 lắm rồi nên ai đi ra đường cũng mang khẩu trang, trẻ em đến lớp cũng vậy. Mọi người đã tuân thủ tốt khuyến cáo “5K”. Ở bản, bây giờ con em từ nơi xa chuẩn bị về thì mọi người đều chủ động đến báo cho Tổ Covid cộng đồng và ban quản lý bản. Người lạ khi đến bản cũng được người dân kịp thời thông tin, báo cáo. Từ ngày 23/7 đến nay, có tất cả 18 dân bản trở về, tất cả đều được cách ly đúng quy định”.

Bản Chăm Puông bây giờ đã là vùng xanh, song câu chuyện cảnh giác với dịch Covid-19 vẫn luôn thường trực. Mỗi ngày 2-3 lần, ban quản lý bản lại đọc qua loa phát thanh những thông điệp về quy định phòng, chống dịch Covid-19 bằng tiếng Khơ mú. Ông Thủy khoe: “Trước dịch, bản không có hệ thống loa phát thanh. Sau dịch, hệ thống loa được bắt mới, rất tiện cho công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của địa phương”.

Bên cạnh đó, ở bản Chăm Puông, ước tính gần 30% dân bản đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Ngoài ra, từ tháng 9/2021 đến nay, người dân Chăm Puông đã 2 lần được thực hiện xét nghiệm tầm soát Covid-19 cộng đồng và không có trường hợp nghi ngờ nào mắc Covid-19.

Theo ông Vi Đình Phức – Chủ tịch UBND xã Lượng Minh: “Bây giờ Chăm Puông đã trở lại cuộc sống bình thường. Qua đại dịch, người dân càng tin yêu hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương và từ đó nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Công tác phòng, chống dịch ở bản nói riêng và xã nói chung đã được thực hiện nghiêm túc, bài bản hơn. Chủ động phòng, chống dịch, xã Lượng Minh đã xây dựng, thực hiện các kịch bản mà trước mắt là làm tốt công tác cách ly cho công dân về từ các tỉnh, thành phía Nam; về lâu dài là tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nâng cao ý thức, sự chủ động phòng, chống dịch của người dân. Theo đăng ký, có gần 60 công dân về đợt này nhưng xã đã lên dự trù cho phương án 120-130 công dân trở về…”.

Ông Lô Thanh Nhất – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Hiện nay, huyện Tương Dương đã và đang tích cực ứng phó với làn sóng nguy cơ dịch mới – đó là những mầm bệnh có thể theo những người hồi hương về lây lan tại địa phương. Từ đầu tháng 10 đến nay, số công dân từ các tỉnh, thành phía Nam về huyện Tương Dương là 750 người. Huyện đã thực hiện xét nghiệm và phân loại thành 3 đối tượng, gồm đã tiêm 2 mũi vắc-xin, tiêm 1 mũi và chưa tiêm, công dân về từ vùng không có dịch để từ đó bố trí cách ly phù hợp. Trong đó, số công dân chưa được tiêm và tiêm 1 mũi chiếm 70% được bố trí cách ly tập trung ở Trung tâm Giáo dục Thường xuyên, Trung tâm Dân số (cũ). Huyện Tương Dương đã tập trung cao độ để quản lý chặt các khu cách ly tập trung ở huyện và xã, cách ly tại nhà nhằm ngăn ngừa nguy cơ dịch lây lan, bùng phát”.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Lô Thanh Nhất: Xác định cuộc chiến với dịch Covid-19 là lâu dài, với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, “Làng giữ làng, xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh bảo vệ tỉnh”, huyện Tương Dương đã và đang cố gắng chủ động về nguồn lực, nhân lực, vật lực theo phương châm “4 tại chỗ”.

Điều quan trọng nhất để giữ vững vùng xanh, xây dựng “pháo đài” chống dịch thì ngoài việc quản lý chặt hoạt động cách ly, còn là đẩy mạnh công tác truyền thông. Theo đó, sau đợt dịch vừa qua, huyện Tương Dương đã tiến hành đầu tư mua mới và tu sửa lại toàn bộ hệ thống phát thanh nội khối, bản. Hiện nay, tất cả các khối, bản đều đã có hệ thống phát thanh riêng, hoạt động tốt, thường xuyên thực hiện tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 bằng các tiếng Việt, Mông, Khơ mú, Thái. Công tác tuyên truyền hiện được thực hiện bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, băng rôn, tuyên truyền trực tiếp, qua đó, nâng cao ý thức của người dân và trách nhiệm của lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Phòng, chống dịch một cách bền vững, chủ động, huyện Tương Dương đã và đang thực hiện tốt việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 kịp thời, an toàn. Đến nay, gần 40% công dân trên 18 tuổi ở huyện đã được tiêm. Huyện đang ưu tiên tiêm cho những công dân trong độ tuổi lao động có nhu cầu đi làm ăn xa. Riêng với việc xét nghiệm sàng lọc tầm soát Covid-19 theo Công văn 4620 của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An, huyện đã xây dựng kế hoạch, thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên cho gần 4.800 người thuộc 10 khu vực, đối tượng để kịp thời phát hiện, bóc tách F0 nếu có ra khỏi cộng đồng; đạt yêu cầu đề ra.

Ở Nghệ An, không chỉ riêng huyện Tương Dương mà tất cả các địa phương đều đang quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tại huyện Kỳ Sơn, ứng phó với “làn sóng” công dân trở về từ vùng dịch, huyện đã thiết lập các chốt kiểm soát, thực hiện xét nghiệm cho công dân ngay đầu cửa ngõ của địa phương (đối với đoàn ít người), xét nghiệm và phân đối tượng ở khu cách ly tạm thời tại Tiểu khu 50, thị trấn Mường Xén (đối với đoàn đông người) để bố trí cách ly phù hợp. Do các cơ sở cách ly là nhà văn hóa, công sở cũ, trường mầm non hạn hẹp, các xã ở huyện Kỳ Sơn đã có cách làm sáng tạo là xây dựng các lán, trại dã chiến nhằm đảm bảo điều kiện cách ly cho người dân, giảm tình trạng ở tập trung đông, tăng nguy cơ lây nhiễm chéo.

Bà Vi Thị Quyên – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho hay: Do địa hình xa cách, đèo núi hiểm trở, Kỳ Sơn đã gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền. Khắc phục điều này, huyện đã chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 qua hội viên, đoàn viên; tuyên truyền qua hệ thống phát thanh nội khối, nội bản, tuyên truyền lưu động. Đặc biệt, huyện đã cử các lực lượng mang theo loa thùng chở bằng xe máy, loa cầm tay đi tuyên truyền đến tận các vùng sâu, vùng xa mà các phương tiện khác không thể tiếp cận. Nhờ đó, người dân đã nắm rõ mối nguy cơ của dịch Covid-19, từ đó thực hiện tốt “5K”, chấp hành các quy định phòng, chống dịch của địa phương. Bất cứ công dân nào sắp từ vùng dịch trở về đều được người nhà báo cáo rõ lịch trình, di chuyển.

Cũng như nhiều địa phương khác, xác định rõ chỉ có xét nghiệm mới có thể phát hiện ca nhiễm cũng như phân định rõ địa bàn vùng có nguy cơ, huyện Kỳ Sơn cũng đã và đang vượt khó để thực hiện sàng lọc, tầm soát Covid-19 cộng đồng theo Công văn 4620 của tỉnh. Hiện nay, huyện đang tập trung sàng lọc tại trường học, chợ, bệnh viện, lực lượng hải quan, lực lượng bảo vệ và cư dân sống gần khu cách ly… Công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tuy có chậm hơn các địa phương khác do địa hình, điều kiện đi lại, nhân, vật lực, song huyện cũng đã đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra. Đến thời điểm này đã có gần 20.000/52.000 người trên 18 tuổi ở huyện được tiêm.

Trong tình hình mới, Nghệ An thực hiện “mở cửa” phát triển kinh tế – xã hội, công tác xét nghiệm tầm soát có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thăm dò, đánh giá và điều chỉnh các giải pháp phòng, chống dịch. Ở thời điểm này đã có nhiều địa phương đã thực hiện tốt xét nghiệm ngẫu nhiên, tầm soát trong cộng đồng như TX. Cửa Lò, TP. Vinh, các huyện Tương Dương, Thanh Chương, Con Cuông… với xấp xỉ 5% dân số đã được xét nghiệm từ đầu tháng 10 trở lại đây. Hiệu quả của việc xét nghiệm tầm soát đã thể hiện rõ ở việc phát hiện ca nhiễm ở phường Nghi Hải (TX. Cửa Lò), qua đó giúp cho địa phương này sớm kiểm soát, dập dịch. Việc các địa phương đã cố gắng tìm kiếm các nguồn lực để xét nghiệm là rất ghi nhận. Tuy nhiên, các địa phương trong tỉnh cần cố gắng thêm khi mà vẫn còn F0 lẩn khuất trong cộng đồng.

(Còn nữa)