Giữ vững vùng xanh, tạo đà phát triển – Bài 4: Huy động sức mạnh toàn dân

Đã tròn 6 tháng trôi qua kể từ ngày biết tin mình bị mắc Covid-19 sau khi đi chăm vợ ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), trở về. Đến nay, anh Nguyễn Văn Quý, xóm Tâm Tiến (Quỳnh Lập, TX. Hoàng Mai), vẫn coi đó là một trải nghiệm không thể nào quên. Là bệnh nhân đầu tiên của tỉnh bị mắc Covid-19, thời điểm đó anh Quý không hề có biểu hiện bệnh nào, chỉ sau khi nghe thông báo truy vết người từ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương trở về, anh mới đi xét nghiệm và phát hiện mình mắc Covid-19.

Bây giờ, khi đã khỏi bệnh hoàn toàn và quay trở về với cuộc sống thường ngày, anh Quý mới hết lo lắng khi mình đã không lây bệnh cho bất cứ người nào. Anh Quý chia sẻ, khi nhận được tin báo mình bị mắc Covid-19 anh lo lắm, lo cho mình 1 thì lo cho người thân, hàng xóm 10. Bởi vì sau khi từ Hà Nội về, anh em hai bên nội ngoại đến thăm vợ anh, gia đình còn làm mâm cơm liên hoan. Nhưng thật may khi tất cả những người tiếp xúc với anh đều không mắc bệnh.

Khi được hỏi “Khi đối mặt với Covid-19 anh cảm thấy thế nào?”, anh Quý bảo, ban đầu anh cũng sợ, sợ rằng mình sẽ không qua khỏi, nhưng rồi những ngày điều trị, anh cố gắng nghe theo hướng dẫn của bác sĩ luôn giữ cho mình không căng thẳng, ăn uống và vận động thoải mái. Đặc biệt, vợ và con gái anh Quý đang công tác tại Bệnh viện Phong – Da liễu Quỳnh Lập đã thường xuyên liên lạc, động viên nên anh cũng bớt lo lắng; vì thế chỉ sau một thời gian ngắn điều trị, uống thuốc đều đặn, anh đã được bác sĩ cho về nhà. Anh Quý cũng thừa nhận, bản thân mình mặc dù vô tình mắc bệnh nhưng cũng cảm thấy rất mặc cảm khi vì mình mà cả xã bị phong tỏa. Anh cũng hình dung được phần nào sự e dè và cả sợ sệt qua ánh mắt của người dân địa phương.

Tuy nhiên, mọi việc rồi cũng trôi qua. Về nhà, sau một thời gian theo dõi, cách ly, không còn Covid-19, anh Quý đã đi theo làm thuê cho một chủ tàu cá trong làng vừa mới trở về. Riêng con gái anh, sau khi hết cách ly theo diện F1, cũng đã quay trở lại công việc, và hiện đang theo đoàn y, bác sĩ của Nghệ An đi tăng cường cho các tỉnh phía Nam.

Ông Hồ Sỹ Hoàng – Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 xã Quỳnh Lập chia sẻ: “Từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên vào ngày 6/5 đến nay xã Quỳnh Lập không còn ca bệnh Covid-19 nào khác, đây thật sự là điều đáng mừng và cả thành quả của công cuộc phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn xã nói riêng và toàn bộ TX. Hoàng Mai nói chung”.

Cũng theo ông Hoàng, với đặc thù là xã giáp biển, có 164 tàu cá có công suất lớn với hơn 1.500 lao động gắn với nghề biển, thường xuyên đi đánh bắt xa bờ và phục vụ hậu cần nghề cá, vì thế việc tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm soát dịch bệnh tại đây luôn được coi trọng. Toàn xã có 8 xóm thì sau khi xuất hiện ca bệnh, Đảng ủy đã giao cho các đoàn thể, các cán bộ, đảng viên đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch trên hệ thống loa truyền thanh, mạng xã hội. Cùng với đó thành lập 33 tổ Covid cộng đồng, và 8 tổ truy vết nhanh, phân chia lực lượng theo ngõ, tổ dân cư nhằm thông tin, tuyên truyền một cách kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh cho bà con nhân dân được biết. Bất cứ cán bộ địa phương nào đều trở thành một kênh tuyên truyền những thông tin chính thống cho công tác phòng, chống dịch.

Theo thống kê, tính đến ngày 30/9 trên địa bàn TX. Hoàng Mai đã ghi nhận 22 ca bệnh Covid-19, hiện nay các ca bệnh này đều đã khỏi bệnh và được ra viện. Các F1 và F2 của các ca bệnh này cũng đã hoàn thành thời gian cách ly để quay lại với cuộc sống bình thường. Hiện tại chỉ còn 2.175 công dân từ vùng dịch trở về đang trong diện cách ly và theo dõi bắt buộc.

Theo ông Nguyễn Anh Văn – Phó Chủ tịch UBND TX. Hoàng Mai, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, địa phương cũng đã chỉ đạo UBND các xã, phường kiện toàn công tác tổ chức theo hướng mỗi phường, xã thành lập 1 tổ Covid cộng đồng và 1 tổ tự quản văn minh – an toàn. Tính đến nay, 10 phường, xã của TX. Hoàng Mai đã thành lập được 683 tổ với 2.378 thành viên là cán bộ các xã, phường, nhân viên trạm y tế, thành viên ban cán sự các thôn, xóm… TX. Hoàng Mai cũng là đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh thực hiện ký cam kết phòng, chống dịch Covid-19 đối với các hộ gia đình thông qua hoạt động của các tổ Covid cộng đồng. Các nội dung ký cam kết bao gồm các quy định về phòng chống dịch, các thông tin về thành viên trong hộ gia đình hiện đang làm việc, học tập ở các tỉnh, thành phố trên cả nước để thuận tiện trong công tác nắm thông tin và truy vết dịch tễ, đến nay tỷ lệ hộ gia đình ký cam kết đã đạt 92,3%.

Cũng theo ông Văn, kết quả thành công bước đầu trong công tác phòng, chống dịch của địa phương đã có sự đồng thuận, hỗ trợ rất lớn của người dân. Nhân dân tự nguyện đóng góp, hỗ trợ nguồn lực cho công tác phòng chống dịch. Tính đến ngày 9/9/2021, đã huy động được hơn 6,4 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa cho công tác phòng chống dịch.

Có mặt tại xã Lục Dạ của huyện miền núi Con Cuông, chúng tôi cũng ghi nhận sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân trong phòng chống dịch. Là xã vùng sâu, có 1.800 hộ dân với hơn 8.300 nhân khẩu, hiện tại ở địa phương này đang còn 1.219 người dân đi làm ăn xa, chủ yếu là tại các tỉnh phía Nam. Thời gian qua, địa phương này cũng đã đón 78 người về quê tránh dịch.

Theo ông Lương Văn Tuấn – Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 xã Lục Dạ, ngoài Ban chỉ đạo chung của xã gồm 24 thành viên, địa phương còn thành lập Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch do đồng chí Phó Bí thư – Chủ tịch UBND xã làm chỉ huy trưởng với 27 thành viên. Ngoài ra tại 11 bản đều thành lập các tổ Covid cộng đồng với sự tham gia của 8-10 thành viên, do cán bộ công an chính quy hoặc bí thư chi bộ, trưởng bản làm tổ trưởng. Việc làm này nhằm quản lý chặt chẽ di biến động của người dân trong xã, nắm rõ từng người, đi làm ăn ở đâu về.

Dẫn chúng tôi đi thực tế ở bản, Thiếu uý Lộc Huy Hoàng – Cán bộ Công an xã Lục Dạ, kiêm tổ trưởng tổ Covid cộng đồng bản Mét chia sẻ: “Sự tham gia của lực lượng công an vào tổ Covid cộng đồng đã góp phần tăng tính hiệu quả trong việc giám sát cộng đồng và tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 cho nhân dân”.

Tại bản Mét có 24 đảng viên, cũng được chi bộ phân công tham gia vào công tác tuyên truyền, vận động người dân tại 17 lối, ngõ, họ trở thành những người tiên phong, đi đầu trong phòng chống dịch để nhân dân noi theo. Ghé vào nhà ông Lương Văn Phúc, Trưởng ban công tác mặt trận, đồng thời cũng là thành viên tổ Covid cộng đồng của bản Mét, chúng tôi được ông Phúc cho biết, ở bản này có 3 người từ địa phương khác về bị mắc Covid-19 đang được điều trị, có 8 người từ miền Nam về đã hoàn thành cách ly. Bản thân người dân địa phương cũng sợ dịch nên luôn chấp hành tốt công tác phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của cấp trên. Bên cạnh đó, tổ Covid cộng đồng luôn đi kiểm tra, điểm danh nên người dân không dám vi phạm.

Lật cuốn sổ ghi chép của mình ông Phúc còn thông tin, như trường hợp đảng viên Lương Văn Tiến có con trai là Lương Văn Thỏa đi điều trị ở Bệnh viện Đông y tại TP. Vinh trở về, để đảm bảo phòng dịch, ông Tiến đã cho vợ về nhà ông bà ngoại, còn mình và con trai thì cách ly tại nhà, bên ngoài treo bảng thông báo để người dân xung quanh không ai tiếp xúc gần.

Có thể thấy rằng, việc người dân đồng hành, cùng tham gia chống dịch là điều rất tích cực, góp phần cùng với chính quyền các cấp từng bước đẩy lùi các đợt dịch bệnh. Ngay như tại TP. Vinh, sau khi trải qua 2 đợt bùng phát dịch trong tháng 6 và tháng 8/2021, tại 328 khối, xóm của 25 phường, xã đều đã xây dựng được hệ thống các tổ Covid cộng đồng và hoạt động hiệu quả. Trong đó, mỗi khối thành lập được từ 1-3 tổ xung kích, tổ Covid cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Khiêm – Chủ tịch UBND xã Nghi Kim cho biết: “Sau khi dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn thành phố, xã đã thành lập các tổ phản ứng nhanh ở 15 xóm. Trong đó mỗi xóm thành lập 3 tổ, và mỗi tổ có 7 thành viên, do xóm trưởng, bí thư và 1 thành viên chi ủy xóm làm tổ trưởng. Hiện tại, mặc dù dịch bệnh đã tạm lắng, nhưng xã vẫn tiếp tục duy trì các tổ xung kích, tổ Covid cộng đồng với hơn 310 thành viên tham gia, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi cần thiết”.

Các tổ Covid cộng đồng hay tổ phản ứng nhanh, có nhiệm vụ rà soát, nắm thông tin khu vực mình phụ trách, thông báo cho nhân dân về tình hình dịch bệnh, thông tin các ca bệnh, ca F1 nếu có trên địa bàn… Khi có tình huống đột xuất, nhờ nắm vững địa bàn nên tổ phản ứng nhanh có thể tự mình triển khai hoặc trở thành những đầu mối quan trọng giúp lực lượng chức năng thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Điều này một lần nữa cho thấy sự hiệu quả khi cả hệ thống chính trị, toàn nhân dân cùng vào cuộc phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Lê Sỹ Chiến – Phó Chủ tịch UBND TP. Vinh cho rằng, sự tham gia tích cực của cán bộ khối, xóm và nhân dân các địa phương đã góp phần rất lớn trong việc phối hợp cùng với lực lượng chuyên môn kiểm soát tình hình dịch bệnh. Sự đồng lòng từ nhân dân, chính quyền các cấp thực sự đã nhân lên sức mạnh cộng đồng, cùng hướng về mục tiêu chung là dập tắt dịch bệnh trong thời gian sớm nhất, đưa cuộc sống trở về với bình thường mới.