Giúp cây, con giống hơn hỗ trợ bột canh!

(Baonghean) - Sau nhiều năm nhận được hỗ trợ muối i - ốt, bột canh, nhiều hộ nghèo thuộc vùng khó khăn ăn không hết, bán không ai mua.
Ngày 7/8, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 102/2009 về Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn, theo đó mỗi hộ nghèo thuộc các huyện theo Nghị quyết 30a của Chính phủ sẽ nhận được những chính sách hỗ trợ đặc biệt. Tuy nhiên, sau khi triển khai gần 10 năm chính sách này đã bộc lộ nhiều bất cập.
Muối ăn 3 năm không hết
Theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg ngày 7/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn, những hộ nghèo vùng 30a, ngoài được những chính sách hỗ trợ đặc thù như gạo, cây, con giống, muối i-ốt, còn được nhận hỗ trợ về tiền mặt. Theo đó, mỗi địa phương sẽ tùy vào sự vận dụng và những nhu cầu thiết thực của người dân để có những chính sách hỗ trợ cần thiết cho mỗi hộ nghèo. “Tuy nhiên, số tiền mặt mà mỗi hộ nghèo nhận được chỉ 100.000 đồng/hộ/năm nên không thể giúp đỡ người dân tăng gia sản xuất hay giải quyết các vấn đề cấp bách khác”, ông Lô Minh Điệp - Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện Quế Phong cho biết. Thế nên, mỗi địa phương sẽ vận dụng thêm cả nguồn kinh phí của mình để có những phần hỗ trợ hiệu quả hơn. “Từ 2010 - 2016, chúng tôi mua phân dúi và hỗ trợ con giống cho hộ nghèo, nhưng sau đó, từ chủ trương của tỉnh, từ năm 2017 chuyển sang hỗ trợ muối i-ốt, bột canh”, ông Điệp cho biết thêm. 
Người dân xã Đồng Văn (Quế Phong) nuôi cá lồng ở lòng hồ Thủy điện Hủa Na. Ảnh: C.T.V
Người dân xã Đồng Văn (Quế Phong) nuôi cá lồng ở lòng hồ Thủy điện Hủa Na. Ảnh: C.T.V
Chủ trương hỗ trợ muối xuất phát từ việc thực hiện Quyết định số 2709/QĐ-UBND ngày 22/6/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự toán kinh phí và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn. Theo đó, mỗi hộ nghèo trên địa bàn các huyện vùng núi cao sẽ được hỗ trợ muối theo khẩu; mỗi khẩu được nhận 5 gói bột canh i-ốt và 3kg muối i-ốt. 
Tuy nhiên, các hộ nghèo thuộc vùng 30a khi được nhận muối đều không mấy vui vẻ. Ông Vi Văn Néo - xã Cắm Muộn (Quế Phong) cho biết: “Nhà tôi có tới 8 khẩu, mỗi khẩu sẽ nhận được 5 gói bột canh và 3 kg muối, cả nhà ăn không biết mấy năm mới hết. Mà bán thì không ai mua vì cả xã ai cũng có nhiều muối, bột canh”. 
Mô hình sản xuất theo công nghệ Israel ở xã Cẩm Sơn (Anh Sơn). Ảnh: C.T.V
Mô hình sản xuất theo công nghệ Israel ở xã Cẩm Sơn (Anh Sơn). Ảnh: C.T.V

"Cả xã có 456/1174 hộ nghèo với tỷ lệ lên tới hơn 38,8%, có nhiều hộ có tới 10 khẩu, thế nên khối lượng bột canh mà xã nhận được năm nay rất nhiều. Các năm trước, xã nhận được muối i-ốt nhưng nhiều hộ cũng chưa sử dụng hết”

Ông Vi Văn Nghệ - Phó Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn

Theo Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Quế Phong Lô Minh Điệp: Với lượng muối còn thừa từ năm ngoái, cộng với lượng bột canh năm nay, nhiều hộ còn dư tới cả vài năm sau chưa chắc đã sử dụng hết. Chỉ với trị giá 100 ngàn đồng tiền hỗ trợ, tốt nhất không nên hỗ trợ muối, bột canh mà cần hỗ trợ người dân cây, con giống.
Ví như năm 2016, xã Cắm Muộn đã vận dụng nguồn kinh phí này để mua giống vịt bầu hỗ trợ cho dân, từ đó mà nhiều nhà nhân rộng được đàn vật nuôi, bước đầu thoát được đói nghèo. Hay từ năm 2017 trở về trước, huyện đã mua phân dúi để hỗ trợ người dân canh tác. Chính sách này rất được người dân ủng hộ, vì nếu chỉ 100 ngàn đồng mà cấp cho dân thì dân sẽ tiêu hết ngay mà không có tác dụng trong việc hỗ trợ giảm nghèo.
Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc chanh leo cho người dân xã Tri Lễ (Quế Phong).  Ảnh: P.V
Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc chanh leo cho người dân xã Tri Lễ (Quế Phong). Ảnh: P.V
Cũng tương tự như Quế Phong, các hộ nghèo thuộc huyện Quỳ Hợp cũng nhận được bột canh, muối i-ốt mà không biết sử dụng đến bao giờ mới hết. Ông Lang Văn Vân - Phó Chủ tịch HĐND huyện Quỳ Hợp nói: “Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, người dân phản ánh nhiều lắm. Mỗi khẩu được hỗ trợ 5 kg muối, bột canh, nhà 7 khẩu được 35kg muối, ăn 3 năm cũng không hết! Chúng ta nên nghiên cứu để điều chỉnh, người dân cần cái gì thì mình hỗ trợ cái đó chứ hỗ trợ đến cả nửa tạ muối mỗi năm người dân không biết bán cho ai”.
Bỏ hỗ trợ trực tiếp để tăng nguồn gián tiếp
Theo báo cáo của các ngành liên quan, trong năm 2018, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho các hộ nghèo thuộc khu vực II, III với mức kinh phí tiền mặt lên tới 23,9 tỷ đồng. Mỗi hộ khu vực II sẽ được nhận hỗ trợ 80.000 đồng/năm; mỗi hộ khu vực III sẽ nhận được 100.000 đồng/năm.
Trong năm 2018, có 211.274 nhân khẩu thuộc hộ nghèo khu vực II, và khu vực III đã được cấp kinh phí hỗ trợ với tổng số tiền hơn 19,4 tỷ đồng, bao gồm các hiện vật như muối, bột canh, cây trồng, vật nuôi, phân bón. Đại diện Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Nguồn kinh phí này chủ yếu bố trí cho việc mua muối bột canh, muối i-ốt vừa để giúp người dân có được nguồn muối i-ốt, vừa chọn được danh mục thiết thực hỗ trợ theo gợi ý tại Quyết định 102/2009/QĐ-Ttg”. 
Mô hình nuôi dê của giáo họ Đồng Trấm, xã Hùng Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Huyền Trang
Mô hình nuôi dê của giáo họ Đồng Trấm, xã Hùng Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Huyền Trang
Tuy nhiên, từ nguồn hỗ trợ này, đa số bà con các xã nghèo vẫn không thể cải thiện được cuộc sống hiện tại. Hộ ông Lang Văn Tấn, xã Cắm Muộn (Quế Phong) vốn là một hộ nghèo đã nhiều năm nay, dù nhận được rất nhiều chính sách ưu đãi từ nguồn hỗ trợ nhà nước, như chính sách hỗ trợ muối, bột canh, hỗ trợ phân bón, hỗ trợ tiền mặt mỗi dịp lễ, Tết, nhưng gia đình vẫn trong cảnh túng bấn, thiếu ăn thiếu mặc quanh năm. Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân là do gia đình đông con nhưng con cái chưa ai đến tuổi lao động, nhiều người lại thường xuyên đau yếu. Đối với những hộ ông Tấn, để thoát được nghèo cần có một “cú hích” về phát triển kinh tế, như mở rộng chăn nuôi, tăng đàn gia súc, gia cầm.

“Theo tôi, thay vì hỗ trợ nhỏ lẻ, kiểu có cũng được, mà không cũng xong thì nên gộp lại hỗ trợ một mô hình thiết thực hơn”, . 

Ông Lô Minh Điệp - Trưởng phòng LĐ,TB & XH huyện Quế Phong 

Cũng theo ông Điệp, hiện trên địa bàn huyện Quế Phong có nhiều mô hình phát triển kinh tế được nhân rộng từ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo như mô hình nuôi vịt bầu, cá lồng, dê bò ở xã Cắm Muộn, mô hình chanh leo ở các xã Tri Lễ, Nậm Giải, trồng cây dược liệu ở Nậm Nhoóng... Thế nên, theo ý kiến của ông Điệp, nên bỏ chính sách hỗ trợ trực tiếp để gộp lại thành một nguồn lực lớn hỗ trợ các mô hình hiệu quả hơn. 
Thực hiện hỗ trợ muối i-ốt cho người nghèo. Ảnh: P.V
Thực hiện hỗ trợ muối i-ốt cho người nghèo. Ảnh: P.V
“Ngày 6/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 25/2018/QĐ-TTg bãi bỏ Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg, theo đó giảm chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng, tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo; ưu tiên tăng nguồn lực đầu tư phát triển vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã, thôn bản đặc biệt khó khăn...
Tuy nhiên, hiện các địa phương ở Nghệ An được sử dụng nguồn kinh phí đã được bố trí ổn định trong dự toán chi thường xuyên thời kỳ ổn định ngân sách địa phương 2017 - 2020, do đó để việc hỗ trợ hộ nghèo được thực hiện một cách thiết thực, các địa phương cần có cơ chế linh hoạt vận dụng nguồn kinh phí này vào việc phát triển các mô hình phát triển kinh tế ở cơ sở để giúp các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững”, ông Lê Văn Thúy - Trưởng phòng Lao động, Tiền lương - BHXH , Sở LĐTB & XH cho biết.
Ông Hoàng Xuân Lương - Thành viên ban Giám sát chính sách giảm nghèo của Ủy ban Quốc hội: “Nếu chúng ta dồn hết những chính sách hỗ trợ trực tiếp để cùng với nhiều nguồn lực khác xây dựng được nguồn hỗ trợ gián tiếp, sẽ hiệu quả hơn. Hỗ trợ trực tiếp trên thực tế cũng ngốn hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nhưng không giúp người nghèo giảm bớt đói nghèo, ngược lại còn làm cho họ trông chờ ỷ lại. Mỗi đơn vị, cơ quan nhận giúp đỡ xã nghèo ngoài hỗ trợ về nguồn lực thì cần cầm tay chỉ việc để giúp người nghèo phát triển kinh tế. Hay thay vì hỗ trợ những vật dụng, quà cáp nhỏ, các doanh nghiệp, tổ chức, các nhà hảo tâm cần gom lại thành một hình thức hỗ trợ hiệu quả hơn. Cái chính là giúp người nghèo biết vươn lên thoát nghèo bền vững bằng “đòn bẩy” của chính sách, chứ không chỉ ngồi chờ hỗ trợ”.

Tin mới