Gỡ khó cho hoạt động kinh doanh vận tải hành khách

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Trước thực trạng khó khăn trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm để đề xuất các giải pháp gỡ khó.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Văn Trường

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Văn Trường

Sáng 9/9, tại thành phố Vinh đã diễn ra buổi tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô”. Tham dự có Thường trực Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, lãnh đạo một số sở giao thông vận tải, một số đơn vị vận tải, hành khách, bến xe. Tham gia có đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội và Nghệ An cùng hơn 30 hiệp hội vận tải ô tô cả nước.

Trong suốt thời gian đại dịch Covid-19, kinh doanh vận tải hành khách chịu ảnh hưởng nặng nề; hiện nay kinh doanh vận tải đã trở lại bình thường nhưng các đơn vị vận tải hành khách bằng ô tô vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo đăng ký có khoảng 70-90% số lượt xe vào bến, nhưng số hành khách đi xe chỉ đạt 30-50% so với trước đại dịch năm 2019, một số bến xe thu không đủ chi, một số đơn vị vận tải có nguy cơ phá sản.

Các đại biểu tham gia tại buổi tọa đàm. Ảnh: Văn Trường
Các đại biểu tham gia tại buổi tọa đàm. Ảnh: Văn Trường

Thời gian qua xuất hiện tình trạng nhiều đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định bỏ bến ra ngoài mở các điểm bán vé, gom và đón, trả khách trái quy định, xe hợp đồng trá hình tràn lan không thể kiểm soát dẫn đến tình trạng lượng xe vào bến giảm…

Tại buổi tọa đàm, đại diện các bến xe khách và doanh nghiệp vận tải trên địa bàn cả nước đã nêu lên một số giải pháp và có các kiến nghị để từng bước nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề xuất các giải pháp, kiến nghị các cơ quan Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho kinh doanh vận tải hành khách. Cụ thể, về phía các đơn vị vận tải theo tuyến cố định cần tổ chức hợp lý, áp dụng công nghệ chuyển đổi số vào quản lý, nghiên cứu quản lý tập trung thay vì tổ chức theo cơ chế khoán như hiện nay.

Các đơn vị vận tải bằng taxi nên xóa bỏ tình trạng bán thương quyền, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Bến xe khách cần nghiên cứu để trở thành trung tâm logictics, khai thác tối đa mặt bằng và cơ sở vật chất lao động hiện có. Bến xe và các đơn vị vận tải cần có hợp đồng chặt chẽ hơn nữa và tạo điều kiện giúp đỡ nhau trong kinh doanh. Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cần có chỉ đạo các địa phương nghiên cứu ổn định quy hoạch các bến xe để các doanh nghiệp kinh doanh bến xe yên tâm đầu tư khai thác.

Xe buýt hoạt động trên địa bàn thành phố Vinh. Ảnh: Nguyễn Hải
Xe buýt hoạt động trên địa bàn thành phố Vinh. Ảnh: Nguyễn Hải

Có quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước với chính quyền các cấp phường, xã để xảy ra tình trạng bến cóc, xe dù. Tích hợp và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình camera gắn trên xe khách để xử lý các vi phạm theo quy định.

Một số địa phương có các tuyến xe buýt được trợ giá cần nghiên cứu về đơn giá tiền lương trong giá thành xe buýt để thu hút được lái xe, nhân viên, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ. Nghiên cứu bố trí các điểm dừng đỗ, đón, trả khách trên đường cho các phương tiện kinh doanh vận tải theo tuyến cố định để đảm bảo các đơn vị thực hiện kinh doanh có hiệu quả, không vi phạm.

Tin mới