Gỡ khó cho “tàu 67”: Bài 1: Khai thác thế mạnh kinh tế biển

Với vùng ngư trường rộng lớn, khai thác hải sản là thế mạnh của kinh tế biển Nghệ An từ trước đến nay. Để khai thác lợi thế này, cùng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã tăng cường đầu tư tàu công suất lớn vươn khơi bám ngư trường.

Cảng cá Lạch Quèn (Quỳnh Lưu) một ngày trung tuần tháng 6 tấp nập tàu, thuyền chờ xuất bến. Máy xay đá lạnh hoạt động hết công suất, ngư dân khẩn trương gạt đá xay vào hầm tàu; người thì hối hả khuân khay nhựa, ngư cụ, bình gas, nước ngọt và nhu yếu phẩm cần thiết cho một chuyến biển dài ngày.

Tại đây, thời điểm này mỗi ngày có trên 10 tàu cá nhổ neo vươn khơi. Đánh bắt xa bờ, ngoài mang lại kinh tế cho gia đình, cho quê hương, ngư dân còn tham gia tích cực vào bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Đoàn thuyền nối nhau ra khơi khai thác hải sản. Ảnh: X.Hoàng
Đoàn thuyền nối nhau ra khơi khai thác hải sản. Ảnh: X.Hoàng

Với 82 km bờ biển và diện tích vùng ngư trường lên tới hàng chục nghìn km2 tại cửa Vịnh Bắc bộ, Nghệ An là một trong những tỉnh đứng đầu miền Bắc về năng lực đội tàu đánh bắt hải sản. Từ những năm 50- 60 của thế kỷ trước, Nghệ An đã có những xưởng đóng tàu và xí nghiệp đánh cá quy mô lớn thuộc tốp đầu cả nước; sản lượng đánh bắt hàng năm luôn nhất nhì miền Bắc.

Hiện nay, mặc dù còn nhiều khó khăn và nghề cá đang cơ cấu lại lực lượng sản xuất, nhưng Nghệ An vẫn là tỉnh có lượng tàu đánh bắt hải sản lớn nhất các tỉnh ven biển phía Bắc với 3.448 tàu, tổng công suất là 699.032 CV, bình quân công suất là 191,19 CV/tàu.

Đại diện Ngân hàng nhà nước, Chi nhánh Nghệ An cho hay: thông qua chính sách hỗ trợ cho vay đóng tàu xa bờ theo Nghị định 67/CP năm 2014 và nay là Nghị định 17/CP năm 2019 bổ sung sửa đổi, ngư dân Nghệ An được hỗ trợ thêm nguồn lực là 860 tỷ đồng để đóng mới 104 tàu xa bờ công suất lớn. Nếu tính cả khoản hỗ trợ về lãi suất và kinh phí hỗ trợ mua bảo hiểm thân vỏ, ngư lưới cụ và bảo hiểm cho thuyền viên, trong vòng 7 năm lại đây, ngư dân Nghệ An được Nhà nước hỗ trợ lãi suất vay gần 950 tỷ đồng để phục vụ phát triển nghề cá.

Đá lạnh được xay trước khi chuyển lên khoang tàu. Ảnh: Xuân Hoàng
Đá lạnh được xay trước khi chuyển lên khoang tàu. Ảnh: Xuân Hoàng

Từ chính sách hỗ trợ lãi suất vay đóng tàu theo Nghị định 67/CP đã khơi dậy ý thức vươn lên, tự đầu tư chuyển đổi phương tiện đánh bắt của bà con ngư dân Nghệ An. Cùng với đầu tư gần 450 tỷ đồng vốn đối ứng đóng các tàu xa bờ theo Nghị định 67 và Nghị định 17, bà con ngư dân Nghệ An còn đầu tư hàng trăm tỷ đồng chuyển đổi, nâng cấp hoặc đóng mới trên 900 tàu, bình quân mỗi tàu từ 5-8 tỷ đồng để vươn khơi. Từ chỗ 2/3 trong số đội tàu gần 5 ngàn chiếc chỉ đánh bắt vùng lộng và ven bờ, đến cuối tháng 5/2021 này, toàn tỉnh có 1.215 tàu có chiều dài từ 15m trở lên đánh vùng khơi, chiếm gần 50% đội tàu.

Đồ họa: Lâm Tùng
Đồ họa: Lâm Tùng

Cùng với nâng cao năng lực đội tàu, để đánh bắt hiệu quả và đáp ứng yêu cầu quản lý đối với hoạt động thủy sản, từ năm 2015 lại đây, tỉnh Nghệ An đã ban hành một số cơ chế hỗ trợ các trang thiết bị trên tàu cá nhằm để đánh bắt hiệu quả hơn như máy dò ngang, thiết bị liên lạc I.Com cho các tổ đội đánh bắt trên biển; tài trợ 364 bộ thiết bị giám sát hành trình Movivar cho tàu có chiều dài trên 24m đánh xa bờ trước 01/7/2017.

Từ cuối năm 2020, tỉnh tiếp tục hỗ trợ 1 lần 50% kinh phí mua thiết bị GPS lắp đặt trên tàu từ 15m trở lên và hỗ trợ 50% kinh phí thuê bao hàng tháng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.135/1.215 tàu được hỗ trợ lắp đặt thiết bị GPS, đạt tỷ lệ 93,49% (các tàu còn lại nằm bờ nên không lắp đặt), bằng tỷ lệ cả nước.

Tấp nập cảng cá Lạch Quèn. Ảnh: Xuân Hoàng
Tấp nập cảng cá Lạch Quèn. Ảnh: Xuân Hoàng

Song song với đầu tư nâng cấp phương tiện đánh bắt, để nâng cao giá trị hải sản sau khai thác, tỉnh cũng lồng ghép các nguồn lực từng bước nâng cấp hạ tầng hậu cần nghề cá. Cụ thể, từ năm 2016 lại đây, Nghệ An đã đầu tư hoàn thiện và đưa vào sử dụng 2 cảng là Cảng cá Cửa Hội với tổng mức đầu tư 107 tỷ đồng và cảng cá Lạch Cờn Quỳnh Phương với tổng mức đầu tư gần 67 tỷ đồng. Hiện tỉnh đang trình phê duyệt nâng cấp mở rộng cảng cá Lạch Quèn với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng.

Tiếp đó, để tỉnh còn đầu tư hàng chục tỷ đồng để nạo vét khơi thông các cửa lạch, nâng cấp hạ tầng các bến cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão an toàn tại Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Quang; khuyến khích người dân đầu tư mở xưởng sửa chữa, làm kho đông; tăng cường các biện pháp hướng dẫn, quản lý hoạt động đánh bắt theo quy định của Luật Thủy sản 2017.

Nghề cá Nghệ An từ xuất phát điểm là nghề truyền thống, ngư dân thường đánh bắt theo kinh nghiệm thì nay nhờ chính sách hỗ trợ đóng tàu xa bờ của Chính phủ, ngư dân đã mạnh dạn chuyển đổi tàu to máy lớn hơn, từng bước làm chủ phương thức đánh bắt mới hiện đại hơn. Do yêu cầu đánh bắt, trên biển hình thành ngày càng nhiều tổ, đội hợp tác đánh bắt nhằm hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác, vận chuyển vật tư, sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả khai thác. Ngoài ra, để giảm chi phí và đánh bắt hiệu quả, ngư dân cũng chủ động cải tiến các trang thiết bị đánh bắt; tích cực ứng dụng công nghệ tiên tiến vào bảo quản chế biến sản phẩm…

Ngư dân Diễn Châu sau mỗi chuyến bám biển. Ảnh: Xuân Hoàng
Ngư dân Diễn Châu sau mỗi chuyến bám biển. Ảnh: Xuân Hoàng

Nhờ có đội tàu lớn và năng lực làm chủ phương tiện đánh bắt, từ chỗ ngư dân chỉ đánh bắt trong vùng biển Vịnh Bắc Bộ thì nay đã mở rộng vào ngư trường phía Nam. Nếu như năm 2014, cả tỉnh chỉ có 1 tàu cá tham gia khai thác 3 chuyến tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa của ngư dân Phan Văn Hải ở xã Quỳnh Lập thì đến năm 2020 đã có 203 tàu với 662 chuyển ở vùng biển xa.

Ông Lê Bá Kỷ – Hội nghề cá Quỳnh Lập cho biết: Trước đây, do tàu nhỏ và năng lực vận hành yếu nên rất ít tàu của bà con ngư dân Quỳnh Lập nói riêng và Nghệ An nói chung ít xuống vùng biển xa phía Nam như Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt. Thế nhưng, hiện nay khi đã hiểu ngư trường và làm chủ được phương tiện nên ngư dân ta còn xuống vùng biển Quảng Trị, Quảng Ngãi đánh bắt. Thậm chí từ tháng 8, các tàu của ngư dân Quỳnh Lập còn xuôi vào phía Nam đánh bắt đến cuối năm mới về; sản phẩm đánh bắt được ghé vào cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) hoặc Kỳ Hà (Quy Nhơn) bán và lấy nguyên liệu.

Ảnh Xuân Hoàng
Ảnh Xuân Hoàng

(Còn nữa)