Gỡ khó cho “tàu 67”: Bài 2: Nhận diện vướng mắc

Đầu tư tàu to, máy lớn để bám biển dài ngày là xu hướng tất yếu của nghề cá hiện đại. Nghị định 67/CP ra đời đã đáp ứng điều đó, không những vậy còn tạo ra bước đột phá về công suất, công nghệ, phát triển ngư trường mới và phương thức khai thác mới, góp phần đưa nghề cá phát triển theo hướng hiện đại và thực hiện tái cơ cấu ngành Thủy sản theo hướng hội nhập quốc tế và góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Thực hiện Chương trình đánh bắt xa bờ 67/CP, trong 4 năm đầu được Chính phủ ưu tiên hỗ trợ bằng chính sách hỗ trợ lãi suất vay đóng mới, các tàu cá đều đánh bắt khá hiệu quả và ngư dân đang được ưu đãi về lãi suất chưa phải trả nợ nên rất phấn khởi.

Tàu xa bờ xã Quỳnh Lập làm xong thủ tục đang ra khơi đánh xa bờ. Ảnh: Nguyễn Hải
Tàu xa bờ xã Quỳnh Lập làm xong thủ tục đang ra khơi đánh xa bờ. Ảnh: Nguyễn Hải

Ông Trần Như Long – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản nhớ lại thời điểm đó, do hiệu ứng, hiệu quả từ đội tàu đánh bắt xa bờ 67 nên đội tàu vươn khơi của tỉnh tăng khá nhanh. Ngoài 104 tàu xa bờ đóng mới theo Nghị định 67/CP, bà con ngư dân TX. Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu cũng huy động hàng ngàn tỷ đồng mua từ các tỉnh về hoán cải và đóng mới trên 700 tàu để vươn khơi.

Thế nhưng, bắt đầu từ năm 2019 khi các tàu xa bờ 67/CP bước vào chu kỳ trả lãi vay và đánh bắt bắt đầu không còn hiệu quả nên các hạn chế bắt đầu lộ ra. Về phía Nhà nước, từ chỗ các chủ tàu vay vốn đóng tàu 67 được hỗ trợ toàn bộ lãi suất cũng như chi phí bảo hiểm thân vỏ, bảo hiểm thuyền viên, trang thiết bị, ngư, lưới cụ thì từ năm 2019, theo Nghị định 17/CP sửa đổi bổ sung, chủ tàu chỉ được hỗ trợ 50% lãi suất và hỗ trợ 1 lần 30% kinh phí với điều kiện đóng mới tàu vỏ thép; mức hỗ trợ mua phí bảo hiểm thân vỏ cũng về mức 50% và không bao gồm ngư, lưới cụ nên đánh bắt xa bờ đã khó càng khó hơn.

Qua trao đổi, ngư dân Nguyễn Thắng Lợi – chủ tàu 67 NA-99568-TS ở xóm Phú Liên, xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu), cho biết: Từ chỗ được Nhà nước hỗ trợ lãi suất ngân hàng nên các năm đầu ngư dân phấn khởi mỗi khi ra khơi, đến năm 2019, các chủ tàu nếu không trả nợ đúng hạn sẽ không được hưởng ưu đãi về lãi suất và bắt đầu thời gian trả nợ nên áp lực lớn dần và đánh bắt không hiệu quả (tàu đi vây sử dụng nhiều lao động), lại do được trả công quá thấp, nên lao động có tay nghề chuyển sang tàu khác. Dù nhiều chủ tàu đầu tư, “độ” thêm máy phát, giàn đèn điện cao áp để đánh bắt nhưng hiệu quả chưa thấy đâu mà chi phí xăng dầu lại tăng lên.

Bên cạnh đó, theo ông Hải là chủ một cơ sở thu mua hải sản tại Lạch Quèn cho hay: Công nghệ và trình độ bảo quản hải sản trên tàu xa bờ còn hạn chế, nên thay vì đánh bắt dài ngày trên biển thì chỉ đánh bắt 5-7 ngày, nếu được cá đã phải nhanh chóng về bờ bán cá khiến chi phí tăng lên.

Tàu đi vây được người dân độ thêm đèn cao áp và gọng sắt để tìm cá và chuyển sang đi pha xúc hoặc chụp. Ảnh: Nguyễn Hải - Thanh Yên
Tàu đi vây được người dân độ thêm đèn cao áp và gọng sắt để tìm cá và chuyển sang đi pha xúc hoặc chụp. Ảnh: Nguyễn Hải - Thanh Yên

Đơn cử thêm ý kiến của ông Trần Văn Chính – chủ tàu NA 99977-TS ở xóm Đại Hải, xã Quỳnh Long: Tàu đóng theo Nghị định 67/CP có chi phí từ 10-12 tỷ đồng, nhưng ngư dân vay thấp nhất là 5,4 tỷ đồng đến nhiều nhất là 7 tỷ đồng, nên chi phí trả lãi vay cho ngân hàng quá lớn. Tùy vào mức vay vốn từng tàu, nhưng bình quân mỗi tháng như tàu cá của ông phải trả ngân hàng với số tiền chiếm từ 30- 40% doanh thu là quá sức; gặp lúc tàu đánh bắt được còn đỡ, nhưng nếu gặp phải tháng biển động hoặc đánh bắt không được thì bí bách vô cùng.

Xã Quỳnh Long có thế mạnh với nghề đi vây, thời điểm cao nhất xã có 103 tàu đi vây, thường xuyên có 2.000 lao động làm nghề biển. Vài năm lại đây do đánh bắt không hiệu quả nên 60 tàu đã bán khỏi địa bàn và hơn nửa lao động làm nghề khác; có 4/14 tàu 67 của xã đã bị ngân hàng niêm phong, phát mại. Chưa bao giờ nghề cá xã nhà khó khăn và ảm đạm như hiện nay, ông Vũ Ngọc Chắt – Hội trưởng Hội Nghề cá xã Quỳnh Long nói.

Còn theo ông Hoàng Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) thì xã này có 200 tàu chủ yếu đi nghề 4 sào, trong đó 7 tàu đóng mới theo Nghị định 67/CP. Xã có nghề truyền thống là đánh cá hố và câu mực là hải sản có giá trí lớn, nhưng do vài năm lại đây, đánh bắt không được nên có gần một nửa tàu bị bán hoặc chuyển nhượng khỏi địa bàn, 1 tàu vay theo 67/CP đã bị niêm phong và 2/3 lao động nghề cá bỏ tàu lên bờ làm nghề khác

Đánh bắt kém hiệu quả khiến ngư dân không có tiền trả lãi ngân hàng. Trường hợp của ông Nguyễn Văn Mười là 1 trong 3 chủ tàu sắt đóng mới theo Nghị định 17 của tỉnh Nghệ An tại xã Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai) lại đối mặt với khó khăn khác. Năm 2019, được sự động viên của thị xã, ông Mười và 2 chủ tàu khác vay 72 tỷ đồng, mỗi tàu 24 tỷ đồng, trong đó, bao gồm 8 tỷ đồng/tàu là khoản Nhà nước hỗ trợ 1 lần 30% để đóng tàu vỏ sắt.

Thế nhưng, từ khi đóng tàu xong và hạ thủy đi đánh bắt năm 2020 đến nay, Nhà nước chưa thanh toán khoản hỗ trợ khiến ông Mười cùng 2 chủ tàu vỏ sắt khác rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, vì hàng tháng phải trả lãi ngân hàng về khoản hỗ trợ của Nhà nước (8 tỷ đồng). Lãi lớn nên tháng nào đánh bắt không hiệu quả là như ngồi trên đống lửa vì ngân hàng liên tục hối thúc…

Đóng tàu công suất lớn ở Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai). Ảnh: Thanh Yên
Đóng tàu công suất lớn ở Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai). Ảnh: Thanh Yên

Tàu của anh Trần Văn Hoàng ở xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu) cũng tương tự. Hiện nay, do không trả lãi và gốc nên tàu đã bị ngân hàng niêm phong từ năm 2020. Anh Hoàng cho biết: Là chủ cơ sở sửa chữa tàu, thời điểm đó, đi lưới được mỗi chuyến lãi hàng trăm triệu đồng nên mạnh dạn cùng vài hộ vay vốn đóng tàu đi vây. Ban đầu cũng nghĩ là nếu mọi chuyện thuận lợi, việc trả nợ không quá khó, nhưng không ngờ đánh bắt khó khăn, tàu lớn nên ra khơi chi phí nhiều mà đánh bắt không hiệu quả, phải nằm bờ nên lao động cũng bỏ đi hết, giờ muốn đi biển cũng không có lao động và nợ nần ngày càng chồng chất…

Khó khăn đối với ngư dân còn ở chỗ, nếu như 4 năm đầu được Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân vỏ nên Công ty Bảo hiểm PJICO được chỉ định bán cho ngư dân. Thế nhưng, từ năm 2019, với lý do Quy định về quy tắc bảo hiểm thay đổi (chuyển từ tính theo công suất CV sang chiều dài mạn tàu).

Bên cạnh đó, cùng lúc này, số tàu 67 đi biển bị tai nạn cũng tăng lên. Từ năm 2014 đến năm 2021 xảy ra 9 vụ cháy và chìm tàu; gần 2.540 vụ tổn thất liên quan thân tàu, 267 tổn thất liên quan đến thuyền viên và số tiền bồi thường lên tới 118,116 tỷ đồng, nên từ cuối năm 2019, khi lần lượt các tàu 67 hết hạn bảo hiểm thì Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An không bán bảo hiểm thân vỏ nữa; ngoài ra, các tàu bị tai nạn còn bị chậm trễ khi giải quyết quyền lợi khiến ngân hàng và ngư dân đều lo mỗi khi tàu ra khơi.

Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 67, đại diện Ngân hàng Vietinbank Bắc Nghệ An cho hay: Thời gian đầu có tới 60% tàu ngư dân vay vốn, đánh bắt về hàng tháng đều trả lãi vay đầy đủ, nhưng từ năm 2020 lại đây, do một số trường hợp chây ỳ và các ngân hàng gặp khó trong việc theo dõi dòng tiền, thu nợ cũng như kê biên, phát mại tài sản đảm bảo nên tình trạng chây ỳ,  không trả nợ vay ngân hàng ngày gia tăng; dư nợ và nợ xấu vay đóng tàu 67 vì thế ngày càng tăng.

Thực tế trên đặt ra câu hỏi cần một giải pháp căn cơ để tháo gỡ vướng mắc cho tàu 67 để đưa tàu vươn khơi trở lại là nguyện vọng chung của đa số chủ tàu, chỉ có như vậy thì câu chuyện trả nợ vay ngân hàng đóng tàu mới có lời giải…

Mặc dù khó khăn nhưng ngư dân Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) vẫn kiên trì vươn khơi, bám biển. Ảnh: Nguyễn Hải
Mặc dù khó khăn nhưng ngư dân Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) vẫn kiên trì vươn khơi, bám biển. Ảnh: Nguyễn Hải

(Còn nữa)