Gỡ 'vướng' trong giải quyết án hình sự ở Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Để đảm bảo không oan sai, không bỏ lọt tội phạm, nhất là trong các vụ án hình sự cần sự vào cuộc đồng bộ của ba cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án. Trong quá trình thực hiện có những khó khăn, vướng mắc cần được cả ba bên tháo gỡ nhằm đảm bảo hiệu quả.

Nhận diện khó khăn

Đối với việc xử lý các vụ án hình sự, qua thực tế triển khai, theo lãnh đạo phòng PC02 Công an tỉnh, yếu tố quan trọng đầu tiên quyết định đến quá trình thụ lý chính là xác minh tính chất vụ án, đặc biệt là đối với các vụ trọng án như giết người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo quy định của pháp luật hiện hành, thời gian xác minh và có văn bản báo cáo đến thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra để phân công thực hiện là 3 ngày. Đối với những vụ án có tính chất phức tạp, liên quan nhiều đối tượng ở nhiều địa bàn khác nhau thì đây là một khó khăn cho lực lượng thụ lý.

Ví như, vụ việc đầu tháng 4/2022, Công an thị xã Thái Hòa phát hiện một nhóm đối tượng đánh bạc bằng hình thức ghi số lô, số đề sử dụng các thiết bị công nghệ cao với số tiền rất lớn. Trong nhóm này nổi lên đối tượng Nguyễn Thị Hồng Ngọc (SN 1991), trú tại phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa là đại lý cấp 1 thu gom bảng lô, đề tại thị xã Thái Hòa và các địa bàn lân cận để chuyển cho Võ Thị Hiếu (SN 1969), trú tại quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Đối tượng tham gia gây án có nhiều mối quan hệ phức tạp, thường xuyên thay đổi chỗ ở, có liên quan đến nhiều địa phương khác ngoài tỉnh… nên cần nhiều thời gian hơn 3 ngày để xác minh. Vì vậy, Công an thị xã Thái Hòa đã trực tiếp báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh. Từ đó, phối hợp các phòng nghiệp vụ liên quan xác lập chuyên án đấu tranh, phá được chuyên án đánh bạc trực tuyến quy mô hơn 15 tỷ đồng do các đối tượng trên địa bàn Nghệ An và Hà Nội cầm đầu.

Liên ngành Công an, Viện Kiểm sát phối hợp bắt, khởi tố đối tượng vi phạm pháp luật. Ảnh tư liệu: Đức Vũ
Liên ngành Công an, Viện Kiểm sát phối hợp bắt, khởi tố đối tượng vi phạm pháp luật. Ảnh tư liệu: Đức Vũ

Không chỉ ở Thị xã Thái Hoà, thời gian qua, lực lượng Công an các địa phương nhận được nhiều tin báo về các vụ việc trọng án về lừa đảo chiếm đoạt tài sản và giết người. Khi nhận được tin báo, để không xảy ra việc trả lại cơ quan điều tra, hay xảy ra oan sai bỏ lọt tội phạm, cơ quan công an lập tức thực hiện trao đổi nguồn tin với Viện Kiểm sát để xử lý ban đầu, cùng nhau kiểm tra đánh giá hồ sơ, chứng cứ để xây dựng các báo cáo trình thủ trưởng cơ quan điều tra ra quyết định xử lý.

Một số vụ việc ví như các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có sử dụng công nghệ cao, các vụ việc ẩu đả, gây rối... như ở TX Thái Hoà, Nghi Lộc, TP Vinh đã xử lý thời gian qua cho thấy, sau khi phối hợp xác minh thì một số nguồn tin cho thấy vụ việc có liên quan nhiều đối tượng ở nhiều địa phương khác nhau, cần nhiều thời gian hơn 3 ngày mới có thể xác định rõ tính chất.

Bên cạnh khó khăn trong xác định tính chất vụ án qua tin báo và quy định thời gian báo cáo xác minh thì đại diện các ngành Công an, Viện Kiểm sát các địa phương còn cho biết, có một số khó khăn trong xử lý án hình sự cần phối hợp khắc phục như một số văn bản được đề cập trong Quy chế phối hợp giữa ba ngành Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án đến nay đã được các cơ quan chức năng sửa đổi, thay thế nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung vào Quy chế phối hợp đã ký kịp thời. Quá trình thụ lý một số vụ án, cơ quan điều tra cấp huyện xin ý kiến bằng văn bản nhưng không gửi kèm theo bản sao tài liệu, hồ sơ vụ án nên việc cho ý kiến chưa kịp thời.

Công an Nghệ An triển khai bắt, khám xét các cơ sở sử dụng công nghệ cao trong cho vay nặng lãi (của Công ty Tân Tín Đạt) ở 28 tỉnh, thành trên cả nước. Ảnh tư liệu Trọng Đại
Công an Nghệ An triển khai bắt, khám xét các cơ sở sử dụng công nghệ cao trong cho vay nặng lãi (của Công ty Tân Tín Đạt) ở 28 tỉnh, thành trên cả nước. Ảnh tư liệu Trọng Đại

Hoặc một số đơn vị cấp huyện chưa bám sát chỉ đạo của ba ngành cấp tỉnh dẫn đến việc có một số vụ án phải tổ chức họp nhiều lần. Một số vụ án, cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát cấp huyện chưa thực hiện việc trao đổi bằng văn bản với cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát cấp tỉnh về việc chuyển vụ án điều tra theo thẩm quyền. Một số vụ án các thủ tục tố tụng chưa chặt chẽ dẫn đến trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc phải trả hồ sơ nhiều lần. Ngoài ra, còn có trường hợp lệnh tạm giam còn lại không đủ 07 ngày nên khó khăn cho Tòa án trong việc ra lệnh tạm giam đảm bảo đúng thời hạn, nhất là các vụ án về ma túy.

Một khó khăn khác mà các lực lượng chức năng thường gặp phải, đó là đối với nhiều vụ án còn nhiều vật chứng tồn đọng do thời gian lưu giữ lâu năm nên có dấu hiệu phân hủy, hư hỏng, biến dạng. Song, quy định của pháp luật chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc xử lý đối với vật chứng tồn đọng của các vụ án đình chỉ, tạm đình chỉ, vật chứng không có hồ sơ đầy đủ... nên việc xử lý vật chứng tồn đọng còn gặp nhiều khó khăn.

Tăng cường các giải pháp phối hợp

Nhận thấy một số tồn tại, vướng mắc làm ảnh hưởng đến quá trình xử lý các vụ án hình sự, tháng 5/2022, đại diện các ngành Công an, Toà án, Viện Kiểm sát đã thực hiện họp, thảo luận để đưa ra những giải pháp khắc phục. Cụ thể là thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành số 02/QCPH-LN ngày 23/4/2018 của ngành Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án tỉnh Nghệ An trong giải quyết án hình sự. Quy chế phối hợp đã được các bên liên quan thảo luận, qua đó kiến nghị một số giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả thụ lý án hình sự. Cụ thể như quá trình giải quyết vụ án, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán chủ tọa phiên tòa cần kịp thời báo cáo những tình tiết phức tạp của vụ án có thể ảnh hưởng đến việc xem xét đánh giá chứng cứ, tội danh.

Ba ngành Công an, Toà án, Viện Kiểm sát ký kết phối hợp nâng cao hiệu quả xử lý án hình sự. Ảnh: Hoài Thu
Ba ngành Công an, Toà án, Viện Kiểm sát ký kết phối hợp nâng cao hiệu quả xử lý án hình sự. Ảnh: Hoài Thu

Cùng với đó, ba ngành cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về các quy định của Bộ Luật Hình sự và Bộ Luật Tố tụng hình sự, những vấn đề còn có sự nhận thức khác nhau trong đánh giá chứng cứ tội danh nhằm bảo đảm có nhận thức thống nhất cũng như nâng cao nhận thức kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác điều tra, kiểm sát điều tra truy tố, xét xử các vụ án hình sự.

Từ tháng 6/2018 đến nay, các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Toà án hai cấp ở Nghệ An đã tiếp nhận, thụ lý kiểm sát 11.354 tin báo, tố giác về tội phạm. Phối hợp với Cơ quan điều tra phân loại xử lý 10.772 tin (gồm: khởi tố hình sự 9.216 tin, không khởi tố vụ án hình sự 1.556 tin). Trong đó, tạm đình chỉ 370 tin; đang điều tra xác minh 212 tin.

Tổng số vụ thụ lý kiểm sát điều tra hai cấp đã thực hiện là 10.782 vụ/19.413 bị can, trong đó khởi tố mới: 10.484 vụ/18.030 bị can. Cơ quan điều tra đã giải quyết: 10.321/18.012, đề nghị truy tố 100%, tỷ lệ giải quyết đạt 95,7%. Tổng số vụ Viện Kiểm sát thụ lý giải quyết 10.433 vụ/18.284 bị can, Viện Kiểm sát đã truy tố chuyển Tòa án là 10.302 vụ/18.054 bị can, đạt tỷ lệ 98,7%.

Lãnh đạo ba ngành Công an, Viện Kiểm sát và Toà án cũng thống nhất, ngoài tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, nhắc nhở cấp dưới trong công tác phối hợp giải quyết án hình sự cần phối hợp nhịp nhàng, kịp thời hơn nữa để giải quyết tốt những vướng mắc khó khăn mà những người tiến hành tố tụng gặp phải trong những vụ, việc cụ thể. Đối với điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và những người tiến hành tố tụng phải tuyệt đối tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và có phương pháp phối hợp linh hoạt, hiệu quả trong quá trình giải quyết, thụ lý án hình sự, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Tin mới