'Gỡ vướng' trong thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước góp phần ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm pháp luật bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, công bằng xã hội. Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc thi hành hiện Luật Xử lý VPHC hiện còn gặp nhiều vướng mắc 

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo đánh giá của UBND tỉnh Nghệ An, nhìn chung trên địa bàn tỉnh, công tác xử phạt vi phạm hành chính đã đi vào nề nếp. Các vụ việc vi phạm đã được phát hiện và xử lý kịp thời; trình tự thủ tục xử phạt đảm bảo đúng quy định của pháp luật, xử phạt đúng người, đúng hành vi vi phạm, đáp ứng yêu cầu của quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành xử lý vi phạm hành chính vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Trong đó, có những vướng mắc xuất phát từ các quy định của Luật Xử lý VPHC. Ví như tại Điều 2, Luật Xử lý VPHC quy định: "Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính".

Nhưng Luật chưa có quy định cụ thể về "yếu tố lỗi" trong VPHC (lỗi cố ý, lỗi vô ý), đồng thời, các khái niệm về mức độ của hành vi VPHC (không nghiêm trọng, ít nghiêm trọng, nghiêm trọng...) vẫn còn bỏ ngỏ.

Người vi phạm làm thủ tục nộp phạt tại phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh). Ảnh tư liệu: Đặng Cường
Người vi phạm làm thủ tục nộp phạt tại phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh). Ảnh tư liệu: Đặng Cường

Bên cạnh đó, Điều 26, Luật Xử lý VPHC lại quy định việc tịch thu tang vật, phương tiện VPHC được áp dụng đối với "vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức" khiến cho cơ quan thực thi pháp luật lúng túng, khi không biết căn cứ theo quy định nào để xác định lỗi cố ý và mức độ nghiêm trọng của hành vi VPHC. Đây là một trong những bất cập mà Luật Xử lý VPHC sửa đổi, bổ sung năm 2020 vẫn chưa giải quyết được.

Hay tại Khoản 29, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC quy định: “... Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền của người lập biên bản, thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa”. Thời hạn như trên là quá ngắn, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện, đặc biệt là đối với những địa phương điều kiện địa hình đi lại khó khăn; hành vi vi phạm phát hiện vào các ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ và ở những khu vực xa trung tâm, nơi chưa đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, Điều 60, Luật xử lý VPHC quy định thời hạn định giá tang vật, phương tiện VPHC tổng cộng là 4 ngày kể từ khi ra quyết định tạm giữ là không đủ để Hội đồng định giá có đầy đủ thành phần và xác định được giá trị tang vật, phương tiện VPHC. Bởi Hội đồng thẩm định giá tang vật vi phạm hành chính liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị và thực hiện nhiều thủ tục hành chính nên khó khăn cho cơ quan thẩm quyền xử phạt.

Liên quan đến xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai cũng có một số bất cập được nhiều địa phương quan tâm.

Chẳng hạn, thành phố Vinh nêu: Việc quy định khung diện tích vi phạm tối thiểu (dưới, từ 0,5 ha) đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực đất đai tại Chương III, Nghị định số 91/2019 của Chính phủ “về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai” là quá lớn so với thực trạng diện tích thửa đất được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố. Do đó, việc xử lý vi phạm hành chính theo khung tiền phạt quy định tại Nghị định này đối với các đối tượng vi phạm có lúc sẽ không đảm bảo công bằng giữa trường hợp vi phạm một vài chục m2 và trường hợp vi phạm trên một trăm m2 theo nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính quy định tại Điều 3, Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cơ quan chức năng huyện Yên Thành cưỡng chế công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp. Ảnh tư liệu: Văn Trường
Cơ quan chức năng huyện Yên Thành cưỡng chế công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp. Ảnh tư liệu: Văn Trường

Mặt khác, theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 5 Nghị định 91/2019 thì đối với biện pháp “Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm” do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm. Tuy nhiên, đến nay UBND tỉnh chưa có văn bản quy định mức độ khắc phục hậu quả theo quy định của Nghị định 91, dẫn đến các trường hợp vi phạm phát sinh cần phải áp dụng biện pháp “buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm” chưa có hướng xử lý thống nhất và còn lúng túng. …

Tương tự, huyện Diễn Châu nêu: Khoản 2, Điều 208, Luật Đất đai 2013 quy định Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm. Tuy nhiên, lại không có văn bản hướng dẫn cụ thể về biện pháp ngăn chặn mà Chủ tịch UBND cấp xã được áp dụng. Trong khi đó, theo Khoản 1, Điều 38, Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực đất đai thì Chủ tịch UBND cấp xã chỉ có thẩm quyền “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi vi phạm”; không có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khác như “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do VPHC”; “buộc trả lại đất lấn, chiếm”; “Buộc đăng ký đất đai”…khiến cơ sở gặp nhiều lúng túng.

Bổ sung, hoàn thiện các quy định của luật

Nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý VPHC, năm 2022, Sở Tư pháp Nghệ An đã chủ trì tổ chức hội nghị “Trao đổi, đánh giá, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập; nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh” với sự tham gia của một số sở, ngành và các địa phương. Qua đó, đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về xử phạt VPCH trên địa bàn tỉnh.

Từ thực tiễn triển khai, thành phố Vinh kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung quy định đối với các khái niệm về yếu tố lỗi trong VPHC quy định tại Điều 2, Luật Xử lý VPHC (gồm lỗi cố ý và lỗi vô ý), mức độ của hành hành vi (như ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng…) để cơ quan chức năng có căn cứ xác định.Ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng các tình tiết giảm nhẹ tại Điều 9 của Luật Xử lý VPHC theo hướng định lượng, cụ thể, tránh tâm lý "sợ sai" khi áp dụng của cán bộ thực thi pháp luật hoặc tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu, thiếu thống nhất. Sửa đổi, bổ sung quy định khung diện tích vi phạm tối thiểu đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực đất đai tại Chương III, Nghị định số 91/2019 theo hướng giảm dần để phù hợp với với thực trạng sử dụng đất tại các các địa phương và đảm bảo nguyên tắc xử lý VPHC theo luật định.

Huyện Diễn Châu kiến nghị đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cho cấp xã, có cơ chế bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện xử lý vi phạm hành chính ở cấp xã.

Hội nghị “Trao đổi, đánh giá, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập; nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh". Ảnh CSCC
Hội nghị “Trao đổi, đánh giá, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập; nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh". Ảnh CSCC

Bên cạnh đó, trên cơ sở nhìn thẳng vào những hạn chế mang tính mặt chủ quan. Đó là một số sở, ngành, địa phương vẫn chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về xử lý VPHC;sự phối hợp giữa các ngành, cơ quan chức năng trong xử lý VPHC có lúc chưa chặt chẽ, vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau; một bộ phận công chức còn có tâm lý ỷ lại, thiếu chủ động và “e ngại”, sợ trách nhiệm trong tham mưu xử lý vi phạm hành chính, nhất là lĩnh vực đất đai, xây dựng…

Một số ý kiến đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành chuyên môn cấp tỉnh tăng cường tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng, nghiệp vụ xử lý VPHC, nhất là trong các lĩnh vực môi trường, xây dựng, đất đai cho các đối tượng liên quan nhằm kịp thời hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác xử lý VPHC.

Về phía Sở Tư pháp cho biết, sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng Quy chế phối hợp theo cấp, ngành và lĩnh vực trên địa bàn trong xử lý VPHC đảm bảo nguyên tắc kịp thời, nhanh chóng, đúng quy định của luật. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh xây dựng phần mềm hệ cơ dữ liệu để quản lý công tác xử lý VPHC và số liệu xử lý VPHC đảm bảo chính xác hiệu quả.

Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An cũng kiến nghị Bộ Tư pháp tham mưu xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý VPHC theo quy định tại Điều 17, Luật xử lý VPHC và Nghị định số 20 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu Quốc gia về xử lý VPHC .Đồng thời, có những giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác xử lý VPHC.

Tin mới