Góc phố, phận người

Tôi quen Lê Thắng, một anh chàng đang yên lành với công việc kinh doanh tại phố Quang Trung, bỗng dưng “dở chứng” quay sang mê nhiếp ảnh, cách đây chừng hơn 1 năm. Chính là những bức ảnh của anh chàng này đã khiến tôi tò mò rồi dần bị mê hoặc. Có một đời sống thực, cảm xúc thực, con người thực đang trôi chảy, hiện diện trong những tấm ảnh của Thắng.

Một trong những mảng ảnh của Thắng tôi thích nhất, là những tấm ảnh về phố Vinh. Thắng chụp về Vinh rất nhiều. Có cảm giác như anh chàng này quá yêu phố, muốn tham lam ôm vào mình tất thảy những giây phút, những gương mặt của phố. Nhưng hãy xem thật chậm, bạn sẽ thấy khác. Sẽ thấy Thắng miên man, nhưng đầy chậm rãi, với cái máy ảnh trên tay, cúi xuống, nhìn sâu vào mỗi góc đường, mỗi hẻm tối. Thắng đang tìm kiếm, đang trò chuyện với những nhân vật mà Thắng gặp, và Thắng đưa máy của mình lên khi mà Thắng đã thực sự nghĩ rằng mình hiểu họ một phần nào đó….

Vâng, tôi đã gặp trong ảnh của Thắng những góc phố, những con người quen thuộc hàng ngày … Có những người, tôi đã dừng lại mua giúp họ một cây chổi, mua giúp họ một lọ tăm bông, mỉm cười chào, hay dừng xe nhờ họ vá hộ cái săm vừa cán phải đinh. Dầu phố đang đầy lên, vội vã và chật chội hơn lên với xe hơi, tiếng còi, sự đông đúc, thì phố vẫn còn một gương mặt khác, chậm hơn, buồn hơn hoặc điềm tĩnh hơn, cô đơn hơn...

Trong một ngày mưa, khi sấm chớp đi đùng, tôi hẹn cà phê với Thắng. Hơn 1 năm biết nhau, không hỏi, mà ngày kia lại hỏi rằng Thắng à, Thắng quê ở đâu? Trong tâm trí, tôi đã luôn mặc định Thắng là người Vinh. “Em á, em ở Vinh. À, mà gốc nhà em, ông nội em quê Nam Định” - Thắng trả lời tôi. Hẳn rằng, vùng đất thợ thuyền Trường Thi, Bến Thủy ấy đã đón bước chân di cư của ông nội Thắng vào đây những năm xưa xa ấy. Để rồi, đến đời Thắng, thì dường như cậu chàng đã thuộc hoàn toàn về nơi này, được gọi là “dân Vinh”.

“Nhà em ngay sau B3 đấy” (Cái cách dân Vinh nói về những khu chung cư Quang Trung chỉ giản đơn thế). Hèn gì mà Thắng chụp rất nhiều về chung cư Quang Trung. Những đứa trẻ chơi đùa giữa hành lang hẹp, một bà lão quay lưng lại ô cửa nâu buồn, một quán hàng tạp hóa dưới chân cầu thang, một tán bàng xòa trên bức tường vàng lốm đốm rêu phủ... “Chị, rồi người ta sẽ phải đập bỏ hết khu chung cư Quang Trung à chị?”. Thắng hỏi, không phải để hỏi. Mà như để nói lên bao tiếc nhớ lòng mình. “Thì cũng như chỗ ta đang ngồi, ngày xưa là ga hỏa xa ấy. Chỗ này có những con tàu cập, đỗ mỗi ngày”. Tôi nói, thấy Thắng chỉ se sẽ gật đầu rồi ngó mưa với những tia chơp rạch lên trời thứ ánh sáng kỳ quái...

“Em nhớ, có nhiều lần mình chụp Vinh trong mưa”.

Đúng rồi, những bức ảnh mưa của Thắng buồn không thể tả. Thường là một góc phố rất vắng, có bóng một người đàn bà bán hàng rong đang tất tưởi trở về với gánh hàng ướt sũng. Hay trong đêm, có một người nào lần bước trên vỉa hè, bóng đèn đường loang loáng đang rọi lên mặt đường trơn nước... Thắng kể cho tôi về những bức hình.

“Chị này, chị có biết bà lão này không? Bà bán rau với chim bồ câu ở chợ xép A1 ấy”. “Biết, bà Chương đúng không?”. ‘Ờ, bà Chương. Không biết bà cụ ngồi đó từ lúc nào, chỉ biết cũng khá lâu cứ mỗi ngày khi em đi làm về vào buổi trưa và khi em thức dậy đi làm thì bà cụ đã ngồi bán hàng ở đó. Lúc thì bán dăm quả đu đủ, lúc thì mớ rau... Mấy hôm trời nóng như thiêu đốt, ngoài trời dễ hơn 40 độ C, gió Lào thổi rát mặt, vẫn thấy bà ngồi đó khi chợ đã vắng tanh. Em lân la, lại mua cho bà cặp chim câu, rồi hỏi chuyện, được biết bà đã 85 tuổi, đến từ Thanh Văn, Thanh Chương. Bà có tới 9 người con, mấy cô con gái thì vào Nam làm việc và ít liên lạc về, mấy anh con trai thì làm nông nên cũng không khá giả gì. Bà hiện sống với cụ ông đã già và sức khỏe rất yếu thường xuyên thuốc men nên bà phải bươn chải để lo thêm tiền thuốc cho chồng.

Cứ hai ngày một lần bà bắt xe bus từ Thanh Chương xuống Vinh và chiều thì lại bắt xe bus về để bán rau. Em ngỏ ý xin bà chụp ảnh, bà vui vẻ đồng ý. Thú thực lúc đó em chỉ chụp với tâm niệm quảng cáo cho bạn bè, ai biết hoặc qua chợ xép đến mua cho bà một món gì đó. Còn đây, cụ An ở phường Cửa Nam này, khi em chụp cụ đã hơn 100 tuổi. Cụ kể ngày xưa cụ làm nghề rèn. Tuy không “đẹp lão” lắm nhưng em ấn tượng với mái tóc của cụ. Đây nhé, đây là cụ ông bán nước dừa ở Ngã Sáu. Em phải “tốn kém” 2 cốc nước dừa mới “săn” được tấm này. Còn đây, bác bán chổi mà chắc chị cũng được gạ mua chổi cả trăm lần rồi đúng không? Sau khi mua chổi, bác ý “khuyến mại” cho nụ cười hồn nhiên nhất trần đời đây... Họ vất vả, bám phố mưu sinh vậy nhưng sao mà cười đẹp thế chị nhỉ?

À, mà nhân vật này đặc biệt lắm chị này. Bác này thường ngày hay ngồi ở trước cổng trường Thiếu nhi Việt - Đức. Thấy tướng cũng nghệ sĩ em mon men đến định chụp mấy lần nhưng mà chưa nghĩ ra lý do. Bữa đó, nhân tiện vào dán cái hood máy ảnh em lân la hỏi chuyện:

- Bác làm nghề lâu chưa?

- 9 năm rồi

- Nghe giọng bác hình như là quê ở Miền Nam?

- Không tao gốc quê ở Nghệ An nè, dân Vinh Tân, tao sống trong Sì Gòn từ nhỏ.

- Trông tướng bác cũng nghệ sĩ nhỉ, em nghĩ bác theo nghề ảnh chắc hợp hơn.

- Tao trước cũng làm nghề ảnh chứ bộ, 10 năm chứ có ít đâu. Chuyên đi chụp đám cưới, nhưng tao bỏ rồi.

- Em thấy bác ngày nào cũng ngồi ở đây. Sao không lên chỗ đường Minh Khai mà làm (Đoạn đường này là phố bán điện thoại di động). Chắc phải đông khách hơn ở đây chứ.

- Lắc đầu.... Tao quen ngồi đây rồi. 9 năm ở đây rồi chứ bộ.

- Thế bình thường trời mưa thì nghỉ chứ bác nhỉ? - Không.

- Mưa lạnh mà bác vẫn làm sao? Bác ấy gật đầu... Nói chuyện một lúc nữa thì bác ấy cũng dán xong cái hood.”

Chính là khoảnh khắc của mồ hôi, của nụ cười, của những nỗi niềm giản dị bắt đầu từ mưu sinh mà bám phố, mà yêu phố đã khiến “tay thợ ảnh lãng du” Lê Thắng mê chụp phố, đúng hơn nữa là mê chụp những chân dung phố.

Tôi cũng thế, phố Vinh rõ là không quyến rũ tôi theo kiểu của Hà Nội, Sài Gòn hay bất cứ thành phố nào khác. Tôi thấy phố không chỉ trong cái tấp nập hơn mỗi ngày, những khách sạn nhiều sao mọc lên, những trung tâm mua sắm và vui chơi ngày thêm rộn rã...Mà tôi thấy phố trong cái lơ đãng của ông lão đạp xích lô trong giấc ngủ trưa ngay đầu phố Minh Khai, trên “phương tiện kiếm cơm” của mình. Thấy phố trong cái tựa lưng khi vãn khách của bà bán bánh mỳ bên quầy bánh lưu động dán chữ đỏ “Cơ sở sản xuất bánh mỳ Huyền Bình”. Thấy phố trong tiếng rao “Bánh bao nóng” cữ 10 giờ đêm của người đàn ông trung niên mang theo bên xe đạp cái lò than nóng sực. Thấy phố trong ánh điện lập lòe cháo đêm đường Hồ Sỹ Dương khi 12 giờ khuya. Thấy phố trong tấm lưng cong của người đàn bà gò mình trên chiếc xe chở rác, giấy vụn...

Và phố, trong tôi, còn là những cảm thông, mến yêu, tin tưởng… khi ta gặp những con người trên phố. Cũng như khi xem từng bức ảnh phố của Lê Thắng - anh chàng tự nhận mình mới tập tọe “chơi ảnh” kia - tôi đã cảm thấy rằng tay máy ấy biết cúi xuống, lắng nghe và yêu phố theo một cách rất riêng của mình.

Bài: Thùy Vinh.

Ảnh: Lê Thắng

Thiết kế: Hà Giang