Góp ý Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhiều ý kiến không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu

(Baonghean.vn) - Xung quanh vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu của nữ từ 55 (theo điều luật hiện hành) lên 60 và nam từ 60 (theo điều luật hiện hành) lên 62, đa phần ý kiến đóng góp từ các đại biểu tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đều không đồng tình.
Chiều 16/8, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Thanh Hiền – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Nguyễn Chí Công – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cùng chủ trì Hội nghị. Cùng dự có đại diện các sở, ban, ngành liên quan.
Chiều 16/8, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Thanh Hiền - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cùng chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện các sở, ban, ngành liên quan. Ảnh: Thanh Quỳnh

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 221 điều, giảm 21 điều so với Bộ luật Lao động hiện hành; sửa đổi, bổ sung khoảng 171 điều.

Hiện còn 6 vấn đề lớn đang nhận được sự quan tâm gồm: Mở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ tối đa; Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; Bổ sung quy định về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở; về thời gian nghỉ Tết âm lịch; Bổ sung 1 ngày nghỉ lễ là Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7 dương lịch); Thống nhất thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước. 

Không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu

Xung quanh vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu của nữ từ 55 (theo điều luật hiện hành) lên 60 và nam từ 60 (theo điều luật hiện hành) lên 62, đa phần ý kiến đóng góp từ các đại biểu tại hội nghị đều không đồng tình.

Theo đó, đại biểu Trần Đình Toàn - Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng, việc giữ nguyên tuổi nghỉ hưu sẽ dẫn đến nguy cơ “vỡ” quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) là không có căn cứ, bởi nguồn quỹ này trong tương lai sẽ tiếp tục thay đổi cơ cấu một cách mạnh mẽ. Nếu muốn duy trì hiệu quả nguồn quỹ BHXH thì phải đổi mới trong xây dựng, tạo nguồn, quản lý và sử dụng. 

Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách toàn diện hơn về BHXH để tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp (nghĩa vụ) vào quỹ theo từng mức khác nhau tương ứng với năng lực tài chính của họ, đồng thời xây dựng các mốc thời gian đóng quỹ, mức đóng, tuổi đời để người lao động có quyền được nghỉ hưu sớm hơn.

Đại biểu Bùi Thị Thu Hương (phường Trường Thi, thành phố Vinh) cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần tính đến nhu cầu việc làm ngày càng tăng cao của lực lượng lao động trẻ, có trình độ, được đào tạo bài bản. Trong khi đó, lực lượng lao động lớn tuổi tại một số ngành lao động đặc thù lại khó thích nghi, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị.

Đại biểu này cũng nhấn mạnh thêm, dù tuổi thọ bình quân người Việt đang tăng nhưng bệnh tật ngày càng nhiều, đặc thù ngành nghề ở nước ta phần lớn là "lao động cơ bắp" nên nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu thì phải phân loại theo từng ngành nghề cụ thể, riêng biệt.

Đại biểu Nguyễn Văn Hải - Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho biết, đa phần doanh nghiệp đều không mong muốn tăng tuổi nghỉ hưu đối với nhóm lao động trực tiếp bởi sự “già hóa” nhân công sẽ kéo theo sự suy giảm về năng suất, chất lượng làm việc.

Cần xem xét về khung giờ làm thêm tối đa

Đại biểu Nguyễn Hồ Cảnh (thành phố Vinh) phát biểu, việc mở rộng khung giờ làm thêm cần tránh tình trạng người lao động bị doanh nghiệp bóc lột sức lao động khi quá trình tăng ca, làm thêm giờ sẽ giảm chi phí hơn so với việc tuyển nhân công mới.

Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo các chế độ, chính sách cho người lao động.

quốc hội
Đại biểu Lê Văn Sơn - Chủ tịch Công đoàn Công ty Haivina phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Quỳnh

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Lê Văn Sơn - Chủ tịch Công đoàn Công ty Haivina cho biết, qua khảo sát ý kiến của công nhân tại công ty, đa phần đều đóng góp ý kiến về việc cần tính theo mức lũy tiến để tránh trường hợp doanh nghiệp không tuyển thêm lao động, tận dụng làm thêm để vắt kiệt sức của lực lượng công nhân.

Đại diện Công đoàn Viên chức Nghệ An trao sữa động viên công nhân công ty gạch gói và xây lắp Diễn Châu. Ảnh tư liệu: Thu Hương
Đại diện Công đoàn viên chức Nghệ An trao sữa động viên công nhân Công ty gạch gói và xây lắp Diễn Châu. Ảnh tư liệu: Thu Hương

Về việc bổ sung 1 ngày nghỉ lễ là Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7 dương lịch) nhiều đại biểu cho rằng là không cần thiết bởi hiện tại số ngày nghỉ trong tuần và nghỉ lễ ở nước ta đã chiếm gần 1/3 số ngày trong năm.

Phát biểu kết thúc hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Hiền cho biết, sau khi tìm hiểu, nắm bắt những đề xuất của các đại biểu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tập hợp để trình kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Tin mới