Góp ý cho dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

(Baonghean.vn) - Dưới sự điều hành của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, sáng 29/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương để thảo luận, góp ý đối với dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và giải quyết tháo gỡ một số vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên môi trường.
Ảnh: Đ.C
Dự hội nghị về phía điểm cầu Nghệ An có đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện các Sở, ban ngành liên quan. Ảnh: Đ.C

Luật Bảo vệ môi trường hiện hành được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7, thay thế Luật Bảo vệ môi trường 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Luật đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội về trách nhiệm và hành động trong bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, quá trình thực thi cho thấy Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập.

Ảnh: Đ.C
Cán bộ Phòng Quản lý đất đai Sở Tài nguyên và Môi trường trao đổi nghiệp vụ quản lý đất đai. Ảnh tư liệu: Thanh Lê

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Bộ Tài nguyên và môi trường lấy ý kiến góp ý trực tuyến trong khoảng 3 tháng, từ giữa tháng 12/2019. Trong khoảng thời gian này, có rất nhiều ý kiến của người dân, doanh nghiệp tham gia góp ý sửa đổi Dự thảo.

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) gồm 16 chương, 192 điều, cụ thể hóa 13 nhóm chính sách đã được đánh giá tác động, trong đó: Đã bố cục lại các nội dung theo hướng đưa mục tiêu bảo vệ các thành phần môi trường là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách khác; quy định các chính sách quản lý theo tiến trình thực hiện của dự án đầu tư từ khi chuẩn bị, đưa vào hoạt động cho đến khi kết thúc dự án; đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính... Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021. 

Tại Hội nghị, với điểm không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế, đại diện lãnh đạo các địa phương đánh giá và thống nhất cao nội dung của Dự án luật, đồng thời đã tích cực đóng góp bổ sung thêm một số vấn đề để hoàn thiện cho Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Cụ thể như: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần quy định thêm nội dung về quản lý và hợp tác giữa các tỉnh, thành trong việc quản lý chất lượng không khí theo khu vực, bổ sung nội dung "đánh giá sức chịu tải của môi trường" vào kế hoạch quản lý chất lượng không khí.

Dự luật cũng cần quy định đánh thuế bảo vệ môi trường theo nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền" nhằm khuyến khích người gây ô nhiễm giảm lượng chất thải ra môi trường và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua việc đưa chi phí môi trường vào trong giá thành sản phẩm. Bổ sung trách nhiệm của Bộ TN&MT trong rà soát, đưa ra lộ trình thắt chặt các quy chuẩn, tiêu chuẩn phát thải đối với các nhà máy nhiệt điện than và tiêu chuẩn không khí xung quanh...
Ảnh: Đ.C
Cán bộ UBND huyện Tương Dương và Công ty Thủy điện Bản Vẽ kiểm tra rác thải trong vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ tháng 1/2020. Ảnh tư liệu: CTV

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các địa phương, đồng thời nhấn mạnh, dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là thực sự cần thiết. Việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường nhằm tạo một cuộc cách mạng trong chính suy nghĩ, tư duy quản lý đến nhận thức và hành động của mỗi người dân.

Bởi vậy, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp, sẽ tiếp tục rà soát để đảm bảo dự án luật này thống nhất với hệ thống pháp luật, đảm bảo tính cụ thể, tính khả thi, tiếp tục đánh giá tác động của 13 nhóm chính sách liên quan đến kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, tiếp tục phải rà soát các khái niệm, giải thích từ ngữ... Sớm hoàn chỉnh dự án luật này để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 9.

Tin mới