GS Đặng Hùng Võ: Lao động rời công sang tư là xu thế tất yếu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Trước thực trạng nhiều lao động chuyển từ khu vực công sang khu vực tư, người thì nói đây là hiện tượng bất thường, người thì nói đây cũng chuyện là bình thường, lại cũng có ý kiến cho rằng bất thường trong cái bình thường.

Sự thực, tôi cho rằng hiện tượng không mặn mà với công việc trong khu vực công có cấu trúc như hiện nay mang tính tất yếu. Nhưng tại sao đến bây giờ mới xảy ra mà không sớm hơn từ trước nữa?

Việc làm là yếu tố quan trọng của kinh tế vĩ mô

Ai biết chút ít về kinh tế học đều hiểu rất rõ về cuộc khủng hoảng thừa toàn thế giới vào giai đoạn 1929 - 1930, được coi như sự kiện cáo chung cho lý thuyết thị trường tự do, tức là Nhà nước không được can thiệp vào kinh doanh. Người sáng lập ra lý thuyết dùng cơ chế thị trường để phát triển kinh tế nhằm mang lại phồn vinh cho đất nước là Adam Smith (1723 - 1790), nhà kinh tế học người Anh với cuốn sách nổi tiếng “Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia”.

GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Ý tưởng nổi tiếng của Smith có đại ý rằng, sự giàu có của mỗi quốc gia không thể đo bằng số lượng báu vật trong ngân khố quốc gia, mà phải đo bằng độ hiệu quả của việc đưa các báu vật đó vào kinh doanh trên thực tế gọi là thị trường để thu lợi nhuận lớn hơn. Smith cũng cho rằng thị trường cần tính độc lập, lãnh đạo quốc gia không can thiệp làm “méo mó” thị trường.

Thị trường vận hành theo cơ chế tự điều chỉnh dựa trên 4 quy luật đã được đúc kết gồm: quy luật cung - cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật giá trị và quy luật lợi nhuận. Đấy là lý thuyết, nhưng thực tế vào năm 1929 lại cho thấy quy luật cung - cầu đã xảy ra tình trạng “giới hạn” khi cung tăng quá mức cầu mà không kịp dừng lại, để xảy ra dư cung quá lớn làm hàng hóa dư thừa phải đổ đi.

Trước thực trạng này, nhiều nhà kinh tế học đã phân tích sâu về nhược điểm của thị trường tự do. Thành công nhất là nhà kinh tế học John Maynard Keynes (1883 - 1946) người Anh, đã sáng tạo ra hệ thống lý luận kinh tế vĩ mô trong tác phẩm “Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ”, trong đó việc làm là một yếu tố trọng yếu của kinh tế vĩ mô. Thị trường lúc này không thể là tự do mà phải dựa vào sự cân đối kinh tế vĩ mô mà điểm cốt yếu là sự cân đối của thị trường tài chính và thị trường lao động.

Nói về kinh tế học thì còn dài, bài báo này chỉ muốn giới thiệu về vai trò của lao động và việc làm là yếu tố rất quan trọng trong cơ chế thị trường, là một yếu tố liên quan đến cân đối kinh tế vĩ mô. Đảm bảo cân đối kinh tế vĩ mô lại là trách nhiệm của Nhà nước. Từ đây, khẳng định khái niệm “kinh tế phải vỗ bằng 2 bàn tay, bàn tay vô hình của thị trường và bàn tay hữu hình của Nhà nước”. Hơn nữa, hiện nay các quốc gia mong muốn phát triển mạnh đều dựa vào lực lượng lao động chất lượng cao gắn với công nghệ.

Không ít lao động trong ngành Y tế lựa chọn nghỉ việc tại các bệnh viện công để chuyển sang làm bệnh viện tư. Ảnh minh họa: Đức Anh

Không ít lao động trong ngành Y tế lựa chọn nghỉ việc tại các bệnh viện công để chuyển sang làm bệnh viện tư. Ảnh minh họa: Đức Anh

Lao động từ thời bao cấp chuyển sang thị trường

Ngược lại thời gian 40 năm trước đây, Nhà nước ta còn sử dụng cơ chế kinh tế bao cấp để phát triển đất nước. Ai cũng muốn làm cho Nhà nước và khi được Nhà nước tuyển dụng thì không chỉ yên tâm về công việc mà còn coi là một vinh dự của bản thân. Tư duy đó đã kéo từ thời bao cấp sang thời vận hành cơ chế thị trường. Tất nhiên, giới trẻ đã dần thoát ra khỏi tư duy này, nhưng ở nhiều gia đình, bố mẹ vẫn say mê tìm mọi cách để con em phải làm cho Nhà nước.

Trong thời kỳ bao cấp, Nhà nước chỉ huy làm mọi việc, kể cả các hoạt động dịch vụ ăn uống nhỏ nhoi. Bước vào cơ chế thị trường, tư duy tổ chức bộ máy quản lý vẫn theo đà cũ, nên mặc dù Nhà nước đã có chủ trương “Nhà nước chỉ buộc phải làm những việc mà thị trường không làm được”, thì tổ chức bộ máy của Nhà nước vẫn quá cồng kềnh, các cơ quan nhà nước vẫn muốn ôm nhiều việc dịch vụ mà lẽ ra có thể giao cho thị trường.

Ngay từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Chính phủ đã bắt đầu và từng bước đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Đến khoảng năm 2010, Chính phủ đã chuyển sang tập trung vào cải cách thể chế hành chính, tức là cải cách bộ máy hành chính. Vậy mà đến nay, cả thủ tục hành chính lẫn thể chế hành chính đều có biểu hiện phức tạp hơn và cồng kềnh hơn, nhất là trong lĩnh vực đất đai.

Chính phủ đã thực hiện khá nhiều đợt tinh giản biên chế, tổ chức lại bộ máy hành chính. Rất tiếc, các lần cải cách thể chế này lại chỉ dựa vào tiêu chí số lượng, không nhìn thấy các tiêu chí chất lượng cần thiết. Thế là rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức có năng lực xin ra đi, những người yếu kém trình độ thì cố níu kéo ở lại. Nhân lực yếu thì tổ chức có nhỏ lại rồi cũng phải “phình” ra thì mới đủ người làm hết việc!

Vào năm 2011, Ngân hàng Thế giới kết hợp với Đại sứ quán Đan Mạch và Thụy Điển tổ chức nghiên cứu về tham nhũng trong lĩnh vực đất đai phục vụ đối thoại với Chính phủ ta. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, ngoài tham nhũng lớn gắn với cơ chế Nhà nước giao đất, cho thuê đất, còn một loại tham nhũng “vặt” gắn với nhũng nhiễu trong thực hiện thủ tục hành chính. Nói là “vặt” nhưng số lượng lại rất lớn nên tổng lại cũng rất lớn. Tôi có hỏi nhỏ một vài anh em thân thiết làm trong các văn phòng đăng ký đất đai rằng, vì sao mà có tham nhũng “vặt” kiểu này? Nhiều người cũng chân thành nói rằng: “Anh xem, lương của Nhà nước thấp như vậy thì lấy gì mà đủ chi phí khiêm tốn cho gia đình; biết rằng nhúng tay vào chàm là xấu, nhưng rồi cũng phải cắn răng mà làm để sống”.

Rời công chuyển sang tư

Chuyện một bộ phận người lao động không tha thiết ứng tuyển vào khu vực công, người đã vào rồi thì muốn rời sang khu vực tư đã và đang khá phổ biến. Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, nhiều đại biểu đã đề cập tới tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc hoặc chuyển sang khu vực tư nhân ngày càng tăng, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Có đại biểu đã đưa ra con số thống kê của Bộ Nội vụ, trong 2,5 năm qua, trên phạm vi cả nước có gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển sang khu vực tư nhân, trong đó khối giáo dục có hơn 16.000 người và khối y tế có hơn 12.000 người.

Đồ họa: Diệp Thanh

Đồ họa: Diệp Thanh

Cũng tại kỳ họp này, khi thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai cũng có đại biểu nói rằng, có khá nhiều viên chức ngành quản lý đất đai cũng xin nghỉ việc để ra đi. Trong khu vực Nhà nước, số công nhân, viên chức vốn rất đông đúc, nay cứ thưa thớt dần, e ngại nhất là nhiều người ở lại nhận lương mà không đủ khả năng gánh vác việc công.

Ai cũng biết rằng mức lương trong khu vực Nhà nước ở ta quá thấp, nhưng mọi người cho rằng lương chính thức thì thấp, nhưng còn có thể dễ kiếm được thu nhập thêm từ nhiều hình thức mà nói hoa mỹ là bổng, là lộc, nói “trắng” ra là tham nhũng vặt trong công việc mình làm. Tổng thu nhập chính thức cộng với phi chính thức ít nhất cũng đủ cho nhu cầu cuộc sống. Đủ sống mà công việc lại nhàn hạ thì quá ổn. Song, kể từ khi Nhà nước có chủ trương quyết liệt chống tham nhũng thì mọi thu nhập không chính thức đều bị dẹp bỏ hoặc hạn chế nhiều. Không thể sống đủ bằng thu nhập chính thức, lao động trong các ngành lựa chọn chuyển sang khu vực tư nhân với hy vọng thu nhập cao hơn. Tình trạng này bộc lộ trước trong ngành Giáo dục và Y tế, vì đây là 2 khu vực công đông lao động nhất. Các ngành nghề khác rồi trước sau cũng diễn ra đúng như quy luật chung như vậy.

Bàn về giải pháp

Đến đây, cũng nên bàn vài câu về giải pháp.

Thứ nhất, cần đổi mới tổ chức bộ máy quản lý của Nhà nước sao cho tinh và gọn, chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước phải tạo được thu nhập chính thức xứng đáng với lao động bỏ ra.

Thứ hai, Nhà nước chỉ nắm giữ những công việc sự nghiệp công mà khu vực ngoài Nhà nước không thể làm, phải tìm cách xã hội hóa có hiệu quả khối sự nghiệp công.

Thứ ba, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực Nhà nước phải đảm bảo lựa chọn được những người có năng lực phù hợp, muốn làm cho khu vực Nhà nước, có trình độ chuyên môn cao và có đạo đức tốt, số lượng đủ tinh gọn để gánh vác có trách nhiệm công việc của Nhà nước.

Thứ tư, cải cách chế độ tiền lương thuộc khu vực Nhà nước sao cho chi lương thỏa đáng để trả cho đúng chất lượng công việc đã hoàn thành.

Thứ năm, tiếp tục kiểm soát tham nhũng trong khu vực công để đảm bảo bộ máy của Nhà nước thực sự liêm chính.

Việc chuyển từ khu vực công sang khu vực tư như hiện nay còn tiếp tục diễn ra. Tình trạng này sẽ từng bước dừng lại và ổn định khi những giải pháp đổi mới nói trên được thực hiện triệt để. Chúng ta lưu ý rằng, các nhà kinh tế học đã chứng minh lao động và tiền lương là một yếu tố chính của kinh tế vĩ mô. Vậy muốn kinh tế vĩ mô ổn định, phải giải quyết thật hợp lý cấu trúc lao động và thu nhập trong nền kinh tế.

Tin mới