Gừng Kỳ Sơn rớt giá, khó tiêu thụ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Thời điểm này, huyện Kỳ Sơn đang vào vụ thu hoạch gừng, tuy nhiên chỉ trong hơn 20 ngày qua sản phẩm gừng 2 lần rớt giá, nông dân đang đối mặt với một vụ gừng thất thu.
Vụ gừng xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn được mùa nhưng khó tiêu thụ. Ảnh: Văn Trường

Vụ gừng xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn được mùa nhưng khó tiêu thụ. Ảnh: Văn Trường

Chị Mùa Chông Hơ ở bản Lữ Thành, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn chia sẻ: Gừng xuống giá 2 đợt vừa qua, từ chỗ giá cao nhất 25.000 đ/kg, xuống chỉ còn 7.000 đ/kg thời điểm đầu tháng 3/2022, nay gừng tiếp tục xuống giá 5.000 đ/kg. Hiện gia đình tôi đang còn tồn đọng khoảng hơn 4,5 tấn gừng chưa thu hoạch do khó tiêu thụ.

Ông Vừ Nỏ Dềnh, Chủ tịch UBND xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) cho biết: Toàn xã có trên 30 ha gừng, chủ yếu tập trung ở các bản Lữ Thành, Đống Trên, Huồi Giảng 1. Hiện nay toàn xã chỉ mới thu hoạch được khoảng trên 30 % diện tích, còn lại đang tồn đọng khoảng trên 100 tấn gừng. Việc tiêu thụ gừng chậm ảnh hưởng đến sinh kế của người dân trên địa bàn.

Gừng được tập kết tại một đơn vị thu mua ở thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Văn Trường
Gừng được tập kết tại một đơn vị thu mua ở thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Văn Trường

Ông Nguyễn Văn Luân, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn, thị trấn Mường Xén (đơn vị chuyên thu mua gừng địa bàn Kỳ Sơn) cho biết thêm: Nguyên nhân mấy năm qua giá gừng rẻ và khó tiêu thụ là do mẫu mã gừng Kỳ Sơn chưa đẹp, nên khó cạnh tranh với địa phương khác.

Chưa kể mấy năm qua ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thương lái ít về, xuất khẩu sang các nước khó khăn. Hiện nay đơn vị mới thu mua cho bà con trên địa bàn khoảng trên 150 tấn gừng.

Gừng được tập kết tại xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Văn Trường
Gừng được tập kết tại xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Văn Trường

Theo báo cáo của phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kỳ Sơn, từ năm 2021 trên địa bàn huyện trồng trên 800 ha gừng, chủ yếu ở các xã Na Ngoi, Đoọc Mạy, Tây Sơn, Nậm Cắn, Huồi Tụ, Keng Đu, Mường Lống. Đây là những địa bàn có thời tiết mát mẻ, gừng được trồng ở lưng chừng núi nên phù hợp quá trình sinh trưởng và phát triển, cho năng suất khá cao từ 5-6 tấn gừng/ha.

Sơ chế gừng tại một đơn vị chuyên thu mua ở thị trấn Mường Xén. Ảnh: Văn Trường
Sơ chế gừng tại một đơn vị chuyên thu mua ở thị trấn Mường Xén. Ảnh: Văn Trường

Hiện nay toàn huyện chỉ mới thu hoạch được khoảng trên 300 ha gừng, còn trên 500 ha chưa thu hoạch, đang tồn đọng khoảng trên 5.000 tấn gừng. Đến cuối tháng 4/2023, nếu không thu hoạch hết, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng gừng.

Gừng được đóng bao để chờ tư thương đến mua ở huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Văn Trường

Gừng được đóng bao để chờ tư thương đến mua ở huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Văn Trường

Sản phẩm đặc sản gừng Kỳ Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý từ năm 2019. Gừng Kỳ Sơn có 2 loại: gừng dé và gừng sừng trâu, bà con thường kết thúc vụ thu hoạch vào cuối tháng 4.

Tin mới