Hà Đức Chinh - hãy vượt qua áp lực!

(Baonghean.vn) - Cầu thủ mang áo số 13 đã phải hứng chịu rất nhiều chỉ trích từ một bộ phận không nhỏ người hâm mộ bóng đá Việt Nam, sau những tình huống “hỏng ăn” trong trận chung kết lượt đi diễn ra hôm 11/12.

Chứng kiến những pha bỏ lỡ cơ hội của Hà Đức Chinh, không ít người đã đăng lên mạng xã hội những lời lẽ nặng nề đối với tiền đạo người Phú Thọ. Thậm chí, có hàng loạt người còn vào trang cá nhân của Hà Đức Chinh để trút giận, để mắng chửi cho hả dạ. Riêng cá nhân Hà Đức Chinh, ngay sau khi bị HLV Park Hang-seo thay ra, anh đã ôm mặt khóc nức nở trên băng ghế dự bị. Chắc chắn, Hà Đức Chinh phải buồn và thất vọng nhiều hơn nữa khi một cơ số cổ động viên nhà gắn cho 2 từ “tội đồ”.

Đây rất tiếc lại là chuyện thường ở bóng đá Việt Nam. Chẳng nơi đâu mà ranh giới giữa người hùng và tội đồ lại mong manh như ở nền bóng đá của đất nước hình chữ S. Thắng thì người người tung hô như người hùng của cả dân tộc, thua thì người ta chửi bới không hề tiếc thương. Nhiều kẻ bảo “làm người của công chúng thì phải chấp nhận, đừng kêu ca gì cả”. Hoàn toàn không sai.

Tuy nhiên, chỉ trích, chê bai cũng phải có chừng mực, phải mang tính xây dựng, chứ không phải là lăng mạ, miệt thị người khác chỉ vì họ mắc sai lầm về mặt chuyên môn thuần túy.

Hà Đức Chinh đã có màn trình diễn thất vọng ở trận chung kết lượt đi.
Hà Đức Chinh đã có màn trình diễn thất vọng ở trận chung kết lượt đi. Ảnh: Internet
Tình cảnh Hà Đức Chinh lúc này cũng tương đồng với tình cảnh của Hồ Tuấn Tài cách đây hơn 1 năm. Do cú dứt điểm không thành công ở những phút bù giờ trong trận đấu giữa U22 Việt Nam và U22 Indonesia tại vòng bảng SEA Games 29 (8/2017), tiền đạo Hồ Tuấn Tài đã phải hứng đủ búa rìu dư luận.
Trên mạng xã hội, trong trang cá nhân của “em họ Văn Quyến” là những từ ngữ nặng nề, chối tai…dành cho cầu thủ sinh năm 1995. Đó là cú sốc không nhỏ đối với tiền đạo mới ở độ tuổi 22.

Kể từ kỳ SEA Games được tổ chức trên đất Malaysia đến nay, mặc dù rất cố gắng nhưng Hồ Tuấn Tài vẫn chưa tìm lại được bản năng vốn có. Hơn 1 năm trôi qua, cầu thủ quê Hưng Nguyên (Nghệ An) không một lần được triệu tập trở lại trong màu U23 Việt Nam và ĐT Việt Nam. Tệ hơn, Hồ Tuấn Tài cũng không còn thường xuyên xuất hiện trong đội hình xuất phát của đội bóng xứ Nghệ ở những trận đấu quan trọng tại đấu trường V.League và Cúp QG. Tất nhiên là sự sa sút của Hồ Tuấn Tài có nhiều nguyên nhân khác nữa.

Hồ Tuấn Tài cũng từng rơi vào tình cảnh giống Hà Đức Chinh bây giờ. Ảnh: Internet
Hồ Tuấn Tài cũng từng rơi vào tình cảnh giống Hà Đức Chinh bây giờ. Ảnh: Internet

Mà đâu phải những cầu thủ trẻ như Hồ Tuấn Tài, Hà Đức Chinh mới bị chửi bới, lăng mạ. Đình đám cỡ Lê Công Vinh còn quanh năm suốt thắng phải “ăn chửi” nữa là. Lê Công Vinh là ai? Là cầu thủ khoác áo ĐT Việt Nam nhiều nhất (85 trận), là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất cho ĐT Việt Nam (51 bàn), là cầu thủ ghi bàn thắng “quý hơn vàng” giúp ĐT Việt Nam có lần đầu tiên vô địch AFF Cup (năm 2008), là cầu thủ Việt Nam đầu tiên thi đấu ở châu Âu (CLB Leixoes – Bồ Đào Nha…

Chính vì vậy, những gì Hà Đức Chinh đang phải hứng chịu là chuyện bình thường ở bóng đá Việt Nam cũng như bóng đá thế giới. Đó chính là mặt trái của sự hâm mộ. Đành rằng, không phải tất cả những người chửi bới, lăng mạ kia đều là những người hâm mộ bóng đá chân chính.

Chỉ hy vọng rằng, Hà Đức Chinh biết cách vượt qua áp lực để trưởng thành hơn trong tương lai gần. Biết đâu ở trận chung kết lượt về tới đây, tiền đạo sinh năm 1997 sẽ tỏa sáng để giúp ĐT Việt Nam giành chức vô địch AFF Cup 2018./.                                                         

Tin mới